Phát hiện độc: Bạch tuộc thông minh một cách đáng sợ vì chia sẻ cùng gen trí tuệ với con người
Trái ngược với tưởng tượng của nhiều người khi nhắc đến loài vật thân mềm này, bạch tuộc sở hữu trí thông minh khá đáng kể.
Khi nhắc đến trí thông minh của quần thể các cư dân đại dương, hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến cá heo là đại diện tiêu biểu. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh nào đó, cá heo lại chưa hẳn là đối thủ của một cái tên gây bất ngờ hơn nhiều: loài vật thân mềm quen thuộc với bàn nhậu, bạch tuộc.
Theo các nhà khoa học, bạch tuộc có khả năng giải quyết vấn đề và sử dụng công cụ tốt hơn cá heo nhiều - dù chúng có tới 8 "tay" còn cá heo thì không nên điều này khá dễ đoán. Chúng thông minh đến mức biết tự dựng nơi trú ẩn và "đóng cửa cài then" trước hang để đánh chén con mồi.
Bạch tuộc thường hay bị đùa là "người ngoài hành tinh" vì nguồn gốc xuất hiện của chúng.
Thậm chí, có những video cho thấy bạch tuộc có thể tự mình mở nắp những chiếc hũ được vặn chặt để "vượt ngục".
Mới đây, các nhà khoa học cũng đã tìm ra lý do vì sao người anh em lắm tay này lại có trí thông minh vượt trội đến thế. Hóa ra, gen của chúng cũng chia sẻ một đặc điểm di truyền thấy ở con người.
Loại gen này được gọi là "gen nhảy", hay transposon. Chúng chiếm tới 45% bộ gen của loài người. Các gen nhảy là chuỗi DNA ngắn có khả năng sao chép và cắt dán vào một vị trí khác trong bộ gen; chúng có liên quan đến sự tiến hóa của bộ gen ở nhiều loài.
Các tác giả nghiên cứu cho biết ở cả người và bạch tuộc, hầu hết các transposon đều ở trạng thái "ngủ đông" do đột biến hoặc bị ngăn chặn sao chép bởi hệ thống phòng thủ của tế bào. Nhưng một loại transposon ở người, được gọi là "Các phần tử hạt nhân xen kẽ dài" hoặc LINE, có thể vẫn hoạt động.
Từng có nhiều video chứng minh bạch tuộc có thể tự mở nắp chai để "vượt ngục" - nghĩa là chúng rất thông minh, tháo vát.
Bằng chứng từ các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng các gen nhảy LINE được điều chỉnh chặt chẽ bởi não bộ, nhưng rất quan trọng đối với việc học tập và đối với sự hình thành trí nhớ ở vùng hải mã.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học khám phá ra bạch tuộc cũng sở hữu các gen thuộc bộ LINE như người. Chúng hoạt động trong thùy dọc - một bộ phận chịu trách nhiệm cho học tập và ghi nhớ ở bạch tuộc, tương tự hồi hải mã ở não người.
Dù vậy, những sinh vật biển cả hay bị ví là "người ngoài hành tinh" này chia sẻ rất ít đặc điểm chung với loài có xương sống như con người, nằm rất xa trên "gia phả sự sống" nên các nhà khoa học tin rằng đây là dấu hiệu của "tiến hóa hội tụ", có nghĩa là tồn tại nhiều cách khác nhau để phát triển trí thông minh.
Vì vậy mà có lẽ chúng ta càng không nên "trông mặt mà bắt hình dong". Không phải sinh vật thông minh nào cũng phải có xương sống, giống lớp thú hay thậm chí là giống người.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming