Phát hiện vật thể bí hiểm dài 10m, hồ 360km2 bị kiểm soát, báu vật hơn 700 năm tuổi lần đầu lộ diện nhờ công nghệ đặc biệt

    Minh Tiến,  

    Báu vật hơn 700 năm tuổi nằm dưới đáy hồ lộ diện.

    Phát hiện vật thể bí hiểm dài 10m, hồ 360km2 bị kiểm soát, báu vật hơn 700 năm tuổi lần đầu lộ diện nhờ công nghệ đặc biệt- Ảnh 1.

    Theo Live Science, trong quá trình khảo sát đáy hồ Mjøsa, Na Uy, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một xác tàu cổ được cho là loại "føringsbåt" địa phương có niên đại lên tới 700 năm. Tuy nhiên, thời tiết xấu đã khiến việc nghiên cứu thêm về con tàu bị trì hoãn.

    Xác tàu nằm ở độ sâu khoảng 400 mét (1.300 feet) được phát hiện vào năm 2022 nhờ một thiết bị tự hành dưới nước (AUV) do Na Uy sử dụng để lập bản đồ đáy hồ. Phát hiện này nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU). Tuy nhiên, họ chỉ có thể quay lại khu vực vào tháng trước để tiến hành khảo sát chi tiết.

    Ông Øyvind Ødegård, nhà khảo cổ hàng hải của NTNU, cho biết nhóm nghiên cứu đã sử dụng một phương tiện vận hành từ xa (ROV) để thám hiểm xác tàu trong khoảng một giờ. Tuy nhiên, các vấn đề kỹ thuật và thời tiết xấu đã cản trở việc lấy mẫu gỗ để xác định niên đại bằng phương pháp carbon phóng xạ. Vì vậy, tuổi chính xác của con tàu sẽ chỉ được xác định khi họ có thể quay lại vào mùa xuân tới.

    Dựa trên các đặc điểm quan sát được, nhóm nghiên cứu nhận định con tàu này được chế tạo từ năm 1300 đến năm 1700. Đặc biệt, xác tàu dài 10 mét (33 feet) có các tấm ván gỗ được chế tác theo kiểu "clinker" – một phong cách đóng tàu truyền thống của Scandinavia, với các tấm gỗ chồng lên nhau. Phong cách này sau đó được thay thế bởi kiểu "carvel" từ Địa Trung Hải.

    Con tàu được ví như báu vật cho biết thêm nhiều thông tin từ hàng trăm năm trước. Các dấu hiệu khác cho thấy tàu có thể được trang bị bánh lái ở đuôi để điều hướng, thay vì sử dụng mái chèo đặc biệt như trên tàu Viking cổ. Đuôi tàu được dựng đứng, một thiết kế xuất hiện tại Na Uy sau năm 1300, thay cho kiểu thiết kế giống nhau ở cả hai đầu của tàu Viking trước đây.

    Hồ Mjøsa, hồ lớn nhất ở Na Uy, nằm cách Oslo khoảng 100 km về phía bắc, với diện tích hơn 360 km². Từ thế kỷ thứ 8, hồ này đã là một tuyến giao thương quan trọng kết nối các cộng đồng thịnh vượng ven bờ. Loại tàu như "føringsbåt" thường được sử dụng để chở hàng hóa và hành khách qua các hồ ở Na Uy, nhưng với thiết kế đáy phẳng, chúng không phù hợp cho vùng biển mở.

    Xác tàu hiện nằm dưới đáy hồ ở vùng nước sâu và tĩnh lặng, nhưng bề mặt hồ ở khu vực này lại có dòng chảy mạnh. Điều này có thể đã gây ra tai nạn khiến tàu chìm. Nhóm nghiên cứu dự định quay lại vào năm sau để lấy mẫu gỗ, nhằm xác định chính xác tuổi của xác tàu và tiếp tục khám phá thêm các chi tiết về công nghệ đóng tàu thời kỳ này. Phát hiện này không chỉ mở ra cánh cửa để hiểu thêm về lịch sử hàng hải tại Na Uy mà còn góp phần bảo tồn những di sản quan trọng dưới lòng hồ Mjøsa.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày