Phát minh thần thánh giúp con người thở được dưới biển sâu hóa ra chỉ là 1 trò lừa đảo

    Billvn,  

    Ngày càng có nhiều dự án quyên tiền trên các trang như Indiegogo, Kickstarter,GoFundMe... và các nhà đầu tư phải cẩn thận nếu không muốn ăn quả đắng từ các chiến dịch "lừa đảo".

    Hồi tháng Ba năm 2016, một doanh nhân kiêm nhà thiết kế sản phẩm và tiếp thị có trụ sở công ty ở Thụy Điển đã thực hiện một chiến dịch quyên vốn trên Indiegogo với mục tiêu sản xuất một mang nhân tạo có tác dụng giúp con người có thể hít thở được dưới nước.

    Chỉ trong vòng vài ngày, họ đã thu về được số tiền 800.000 USD, gấp 16 lần mục tiêu đặt ra ban đầu.

    Tuy nhiên, câu chuyện không nói về một vài chàng trai khởi nghiệp với ý tưởng tuyệt vời và cuối cùng dẫn đến thành công. Thay vào đó, nó là một câu chuyện cảnh báo một hiện tượng phổ biến trên thế giới ảo ngày nay: những chiến dịch quyên vốn với sự cường điệu hóa của đám đông mà không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy kế hoạch được đưa ra là khả thi để thực hiện.

    Mang nhân tạo – những người quyên tiền gọi nó là "Triton" – đã cho thấy một số vấn đề không hợp lí. Nhóm phát triển Triton đã đăng tải video để chứng minh một người thở dưới nước trong thời gian hơn 1 phút. Nhiều người xem tỏ ra hào hứng với điều này nhưng ít ai chịu đặt câu hỏi liệu thiết bị này có trích xuất đủ oxy từ nước để giúp người đó thở được hay không?

    Neal Pollock – một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y học Hyperbaric và Sinh lý môi trường thuộc đại học y Duke, kiêm Giám đốc nghiên cứu cho Divers Alert Network, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ trong các trường hợp y tế khẩn cấp và hỗ trợ hoạt động lặn an toàn – cho Tech Insider biết: "Điều đó không thực tế. Nó chỉ là khoa học viễn tưởng".

    Nhiều chuyên gia khác đã đồng ý với quan điểm này của Neal Pollock. Ngay sau đó, Indiegogo đã thông báo hủy bỏ chiến dịch quyên vốn ban đầu và hoàn trả lại tiền cho những người tham gia.

    Đây chỉ là một trong số những câu chuyện cho thấy việc chúng ta chưa kiểm soát được ngành công nghiệp gây quỹ với các dự án mà tính khả thi chỉ được thể hiện qua lời quảng cáo của những người đi quyên tiền.

    Một báo cáo gần đây cho thấy thị trường quyên vốn có giá trị đến 34 tỷ USD trong năm 2015, tăng gấp đôi giá trị so với năm 2014. Tốc độ tăng trưởng của nó nhanh đến ngạc nhiên khi vào năm 2010, giá trị của thị trường này chỉ vào khoảng 880 triệu USD.

    Các thống kê và phân tích cho thấy các mục tiêu của nhiều chiến dịch quyên tiền là không khả thi, thậm chí là không tưởng. Những người tham gia ít được bảo vệ nếu có sự lừa đảo hay vô trách nhiệm xảy ra.

    Các chiến dịch gây quỹ luôn tiềm ẩn nguy cơ thất bại

    Các mô hình gây quỹ hiện nay hầu hết có cơ chế hoạt động khá đơn giản.

    Cá nhân hoặc công ty muốn quyên tiền sẽ đưa ra một list các dự án và phần thưởng dành cho các nhà đầu tư. Trong trường hợp là các phần cứng như Triton thì đó có thể là sản phẩm hoặc một số quyền lợi khác như được download một album hay thuê bao một tạp chí…

    GoFundMe thường cho phép bất kỳ ai tham gia quyên góp cho các chiến dịch mà không cần bất kỳ giới hạn nào. Gần như tất cả các trang gây quỹ phổ biến như Kickstarter, Indiegogo và GoFundMe sẽ được trích lại một phần từ số tiền quyên góp được.

    Theo định nghĩa về crowdfunding (gây quỹ) thì đó là việc một người quyên góp để đầu tư vào một dự án chưa hoàn thành và luôn tồn tại khả năng dự án này sẽ thất bại. Vấn đề là nhiều dự án quyên tiền đã cố tình lờ đi hoặc công bố không chi tiết các nguy cơ thất bại của mình để dễ dàng thu hút được tiền đầu tư hơn.

    David Gallagher, một phát ngôn viên cho Kickstarter cho biết: "Rõ ràng chúng tôi luôn muốn các dự án diễn ra suôn sẻ. Mỗi một dự án đều có phần mô tả chi tiết về các rủi ro và thách thức mà có thể dẫn đến việc dự án đó không được hoàn thành".

    Trong trường hợp của phần cứng, Kickstarter đòi hỏi người sáng tạo ít nhất phải cung cấp được thiết kế nguyên mẫu của sản phẩm để những người ủng hộ có cơ hội đánh giá tiềm năng của dự án. Tuy nhiên, Indiegogo lại không yêu cầu điều này.

    Một phát ngôn viên cho Indiegogo cho Tech Insider biết: "Chạy một chiến dịch gây quỹ không giống như mua một sản phẩm trong cửa hàng và những người ủng hộ trên Indiegogo hiểu rõ điều này. Thay vào đó, họ đang hỗ trợ một doanh nhân trong hành trình đưa một sản phẩm nào đó đến với cuộc sống".

    GoFundMe thì cho rằng vấn đề ở đây là "mọi người biết và tin tưởng" vào những gì mình đang đầu tư.

    Không thể phủ nhận khả năng thất bại của các dự án, vấn đề là sau đó người khởi xướng dự án này có thực hiện đầy đủ các cam kết của mình trước đó hay không?

    Vào mùa xuân năm 2015, Kickstarter đã ủy thác cho Đại học Đại học Pennsylvania để nghiên cứu về các khả năng có thể xảy ra làm cho một dự án thất bại. Kết quả người ta thấy rằng có đến 9% các dự án không mang lại hiệu quả, tuy nhiên vấn đề này không liên quan đến các hành vi gian lận trên Kickstarter.

    Bobby Whithorne, một phát ngôn viên của GoFundMe cho Tech Insider cho biết: "Có chưa đến một phần mười của 1% các chiến dịch trên GoFundMe là lừa đảo" dựa trên các phân tích số liệu của công ty.

    Những người quyên tiền luôn được nhận được thông điệp từ người gây quỹ: "hãy cẩn thận". Rheingold không phản đối việc gây quỹ và xem đây là một trong những cách quan trọng để biến một ý tưởng thành hiện thực. Điều quan trọng theo ông là làm thế nào để ngăn chặn các hành vi lừa đảo khi tổ chức quyên tiền cho một dự án nào đó.

    Ông nói: "Có nhiều tiềm năng cho các mưu đồ nhưng cũng có nhiều tiềm năng cho các công cụ tốt".

    Máy bay không người lái, smartwatch và nhiều thứ khác nữa

    Việc gây quỹ đã trở nên ngày một phổ biến hơn và các chiến dịch thất bại cũng cho thấy có nhiều lỗ hổng trong hệ thống quyên tiền.

    Ngày 24 Tháng 11 năm 2014, một dự án khởi nghiệp ở Anh gọi là Torquing Group đã thực hiện một chiến dịch quyên tiền trên Kickstarter cho mục tiêu sản xuất một chiếc Drone nhỏ có tên là Zano với lời quảng cáo khá hùng hồn rằng: "Đây là một thiết bị siêu di động, là nền tảng chụp ảnh cá nhân và quay video HD tử trên không. Thiết bị nhỏ gọn đủ để cầm trong lòng bàn tay và có thể tự bay".

    Zano còn có khả năng tự động tránh các chướng ngại vật khi "tác nghiệp". Video quảng cáo cho thấy thiết bị bay lượn chụp ảnh trong một quán bar và theo chân những người leo núi chuyên nghiệp để chụp ảnh.

    Torquing ban đầu hi vọng thu về 120.000 USD nhưng sau đó chiến dịch có đến 12.000 người ủng hộ và nhận được số tiền đến 3,4 triệu USD.

    Tuy nhiên, đến tháng Bảy năm 2015 (thời điểm dự án hứa hẹn sẽ hoàn thành) thì không có bất kỳ điều gì xảy ra.

    Cuối năm đó, chỉ vài trăm trong số 15.000 thiết bị dự kiến được phát hành đến tay người ủng hộ. Tuy nhiên, tính năng của nó khiến những người ủng hộ tỏ ra phẫn nộ. Chất lượng ảnh chụp quá kém và các chiếc drone thường đâm sầm vào các chướng ngại vật như bức tường khi bay ở chế độ tự lái.

    Ngày 18 tháng 11 (2015), Torquing tuyên bố phá sản và bán tài sản từ dự án để trả nợ cho những người ủng hộ.

    Kickstarter thuê nhà báo tự do Mark Harris để điều tra những gì đã xảy ra. Sau đó ông đã phát hành một bản báo cáo chi tiết. Theo đó, không có bằng chứng về một sự gian lận nhưng vấn đề ở đây là người đứng sau dự án Torquing không đủ kiến thức trong lĩnh vực máy bay không người lái. Video quảng cáo đã gây hiểu nhầm và làm cho có nhiều người tham gia ủng hộ dự án hơn dự kiến.

    Ivan Reedman, giám đốc của dự án Zano đã từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào sau thất bại của dự án.

    Gallagher, của Kickstarter cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao sự phân tích của Mark Harris và có nhiều việc cần phải làm ở đây. Chúng tôi đã xây dựng Kickstarter trong một thời gian dài. Chúng tôi luôn có những cuộc trao đổi, rút kinh nghiệm để làm cho nó ngày một tốt hơn".

    Zano là một ví dụ tiêu biểu cho việc một dự án khởi nghiệp gây được quỹ lớn và sau đó là thất bại.

    Một ví dụ nổi bật khác là chiến dịch gây quỹ cho chiếc smartwatch Kreyos với số tiền thu được là 1,5 triệu USD trên Indiegogo. Người đứng đầu dự án chiếc đồng hồ thông minh này cho biết thiết bị có khả năng không thấm nước, tuổi thọ pin kéo dài một tuần với chi phí bán ra khoảng 150 USD – một cái giá quá tốt cho những tính năng mà nó mang lại.

    Tuy nhiên, sản phẩm sau khi đến tay các nhà đầu tư là một thảm họa thật sự vì không có tính năng nào đáng kể và hỏng ngay sau khi tiếp xúc với nước.

    Steve Tan, nhà sáng lập của Kreyos lí giải trong một bài viết rằng đội ngũ của mình có kiến thức kỹ thuật hạn chế. Do đó, họ đã thuê thiết kế và sản xuất thiết bị tại Trung Quốc. Kết quả là một thất bại cuốn theo số tiền đầu tư của nhiều người khó có cơ hội thu hồi.

    Hành động pháp lý

    Ngày 11 tháng 6 năm 2015, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã xử lí trường hợp quyên vốn vi phạm pháp luật đầu tiên. Một người đàn ông tên là Erik Chevalier đã quyên góp được 122.000 USD từ 1.246 người cho một game được anh ta thiết kế với tên gọi "The Doom That Came to Atlantic City".

    Thay vì sử dụng số tiền này để đầu tư cho dự án, anh ta đã chuyển sang dùng cho các mục đích khác và sau đó không có khả năng chi trả cho những người đã đóng góp.

    Tuy nhiên, đến nay tòa án vẫn chưa thụ lý nhiều vụ án có liên quan đến các dự án gây quỹ. Các chuyên gia luật trong lĩnh vực tiêu dùng như Rheingold cho rằng có thể việc gây quỹ còn khá mới mẻ nên khi gặp phải các vấn đề, người tiêu dùng chưa hình dung được các thủ tục để giải quyết hoặc thưa kiện ra tòa án.

    Rheingold cho rằng pháp luật cần bổ sung những quy định cụ thể về vấn đề này, cũng như các trang gây quỹ phải có trách nhiệm rà soát kỹ các dự án được đưa lên quyên tiền. Ông cho rằng các trang này cần phải chịu một số trách nhiệm với các bên khi tham gia vào một dự án quyên góp tiền vì họ cũng được hưởng lợi nhuận từ những giao dịch này.

    Sự khôn ngoan của đám đông

    Hiện tại, chúng ta tin tưởng vào sự khôn ngoan của đám đông về tính khả thi của một sản phẩm.

    Trong trường hợp của Triton, họ đã bắt đầu lại với các đối tác gây quỹ sau khi chiến dịch ban đầu bị đóng cửa. Dường như họ đã có những giải thích cụ thể hơn về các thức mang nhân tạo hoạt động.

    Họ phát hành một đoạn video mới cho thấy một người ngồi dưới nước trong 15 phút với thiết bị của mình, một sự cải tiến so với những gì thể hiện trong video trước đó.

    Chiến dịch lần 2 kết thúc mang lại cho Team Triton hơn 400 ngàn USD và cho biết họ sẽ cung cấp sản phẩm vào tháng 12 năm nay.

    Nhưng một lần nữa, Indiegogo đã hủy bỏ chiến dịch mới này và hoàn trả tiền lại cho nhà đầu tư.

    Hiện vẫn chưa biết nguyên nhân vì sao dự án này lại bỉ hủy bỏ sau khi khởi động trở lại nhưng có lẽ Indiegogo đã áp dụng một vài biện pháp bảo vệ người dùng trong trường hợp này. Nhóm Triton vẫn thông báo trên Indiegogo rằng họ sẽ "sớm trở lại", mặc dù chiến dịch đã tạm thời bị dừng lại.

    Lời khuyên cho những nhà đầu tư là họ nên tìm hiểu kỹ những người đứng sau các chiến dịch quyên tiền xem họ có đủ kiến thức chuyên môn để hoàn thành dự án của mình hay không. Hãy tận dụng "sự khôn ngoan của đám đông" thay vì hùa theo "sự điên rồ của đám đông" và đừng đầu tư chỉ vì những lời quản cáo "ngon ngọt" của chủ dự án.

    Tham khảo: techinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ