Số phận của Tesla lúc này vẫn có thể gói gọn trong hai chữ "bất định". Nhưng nếu Tesla sống sót và nếu như tầm nhìn của Elon Musk dành cho xe hơi là tất yếu, câu chuyện lịch sử tương tự như iPhone sẽ lặp lại.
Ngày hôm nay, Tesla đã chính thức vượt mặt cả GM lẫn Ford để trở thành tập đoàn xe hơi có trị giá thị trường lớn nhất nước Mỹ: 51 tỷ USD. Khoảng cách giữa Tesla và Honda chỉ còn là 1 tỷ USD, và không sớm thì muộn hãng xe của Elon Musk sẽ sớm đặt chân vào top 5 thế giới.
Với nhiều người, đây thực sự là một hiện tượng đáng ngạc nhiên. Năm vừa qua, Tesla thậm chí còn không bán ra nổi 100.000 sản phẩm. Cả Ford lẫn GM đều bán ra hàng triệu mẫu xe mỗi năm. Cả Ford lẫn GM đều nhận lãi tầm cỡ hàng tỷ USD, trong khi Tesla từ trước cho đến nay vẫn sẽ là một cỗ máy đốt tiền.
Ngay cả trong tương lai gần, Tesla vẫn sẽ tiếp tục lỗ. Thương hiệu xe hơi này gần như chắc chắn sẽ không thể hoàn thành lượng đơn hàng khổng lồ dành cho Model 3 theo hạn định từ trước. Chưa ai dám đoán khi nào thì Tesla hòa vốn hay đơn giản là ngừng lỗ. Nhìn về tương lai, mọi thứ với Tesla vẫn cực kỳ, cực kỳ mơ hồ.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Tesla không có tương lai.
Biểu đồ phía trên cho thấy lợi nhuận của Apple trong giai đoạn sau khi Steve Jobs trở về. Như bạn có thể thấy, chiếc iMac 1997 dù có thể giúp Apple sống sót nhưng vẫn không thể thoát khỏi tình trạng "lẹt đẹt" trong một thời gian dài. Từ 2001 đến 2004, vốn là 4 năm đầu tiên của iPod - cuộc cách mạng lớn của thị trường thiết bị di động cũng như của ngành công nghiệp thu âm toàn cầu, Apple gần như không có lãi. Chỉ trong vòng 2 năm sau đó, khi ấn tượng về iPod đã quá rõ ràng, lợi nhuận của Apple mới đạt tầm vóc tỷ đô.
Tiếp đến là trường hợp của iPhone. Nếu như Apple của ngày nay thường chiếm từ 80 – 90% lợi nhuận của toàn bộ ngành công nghiệp smartphone thì trong năm 2007, con số này chỉ dừng ở 3,5 tỷ USD, bao gồm cả iPhone mới ra mắt lẫn Mac và iPod. Nhưng mức lợi nhuận của Táo sẽ nhanh chóng tăng vọt trong những năm sau đó nhờ vào iPhone, trong khi những gã khổng lồ tưởng chừng không thể bị đánh bại như Motorola, Nokia và BlackBerry thì đến nay coi như đều đã chết (và đang hồi sinh mờ nhạt).
Hiện tượng ở đây là gì? Khi thị trường bị khuynh đảo, thế thắng của công ty thực hiện cuộc cách mạng vẫn sẽ chưa rõ ràng. Nhưng đến khi sản phẩm đóng vai trò khuynh đảo thị trường đã được đảm bảo sẽ tồn tại và sẽ trở thành tương lai, công ty này sẽ nhanh chóng vươn lên thành bá chủ.
Sau iPod, chẳng mấy ai nghĩ đến máy chơi CD hay máy chơi MP3 dạng bút nhớ nữa. Sau iPhone, những công ty thuộc về điện thoại "loại cũ" như Motorola, Nokia và BlackBerry thì chìm dần vào dĩ vãng và chết.
Death Note của Steve Jobs. Không phải vô cớ mà tất cả các hãng kể tên từ vị thế khổng lồ đi dần vào chỗ chết.
Kịch bản có thể lặp lại với Tesla. Sau thành công bất ngờ của Model S, tương lai của ngành sản xuất xe hơi rõ ràng là sẽ thuộc về xe điện và xe tự lái - 2 công nghệ đến nay vẫn do Tesla tiên phong. Các tín đồ công nghệ nói đến xe giá rẻ chỉ nghĩ đến Model 3. Dù là tại các triển lãm công nghệ như CES hay tại các triển lãm xe hơi truyền thống như NAAS, các hãng truyền thống cũng đua nhau ra mắt công nghệ xe tự lái, công nghệ xe điện. Người dùng phổ thông đọc báo, nếu không phải là xe điện hay xe tự lái thì cũng chẳng mấy quan tâm đến những kiểu tin tức cũ mèm như "hãng xe A lập kỷ lục mã lực mới"…
Điều đó không có gì bất ngờ cả. Các tập đoàn xe hơi vốn nổi tiếng là chậm dịch chuyển, chưa kể ấn tượng của công chúng về mối quan hệ giữa ngành công nghiệp xe hơi và môi trường là rất rất xấu. Chính các tập đoàn này đã liên minh với ngành công nghiệp dầu mỏ kìm kẹp không cho xe điện phát triển trong một khoảng thời gian quá dài, cũng giống như Nokia và BlackBerry đã từng thuận theo các nhà mạng không phát triển điện thoại có quá nhiều tính năng Internet để đảm bảo doanh thu cước thuê bao không bị ảnh hưởng.
Vậy nên rất có thể Tesla đang phải đi qua một giai đoạn chuyển tiếp tương tự như Apple ngày trước. Về bản chất, Tesla chỉ là một startup nên những khó khăn trong khâu quản lý quy trình, quản lý chuỗi cung ứng cũng khó có thể giải quyết trong một thập kỷ. Hành trình một thập kỷ này sẽ rất, rất khó khăn, nhất là khi Elon Musk còn mang cả tham vọng pin năng lượng mặt trời và du hành vũ trụ.
Nhưng xe động cơ đốt thực sự sẽ có lúc phải chìm vào dĩ vãng, bởi chúng tốn kém và chúng cũng hại môi trường nhiều hơn. Nếu Tesla sống được đến lúc đó, Tesla sẽ là bá chủ thị trường.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"