Phí giao dịch Bitcoin giảm kỷ lục, tuy nhiên cuộc khủng hoảng vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn
Giữa tháng 12 phí giao dịch trung bình khi thực hiện chuyển Bitcoin là khoảng 34 USD, hiện tại chỉ còn dưới 1 USD.
Chủ nhật vừa qua, phí giao dịch Bitcoin đã giảm xuống chỉ còn 0,76 USD, đây là mức thấp nhất trong vòng 6 tháng trở lại. Vào cuối tháng 12 năm ngoái, một giao dịch chuyển Bitcoin có mức phí kỷ lục 34 USD. Chi phí cao khiến cho Bitcoin không thể trở thành một loại tiền tệ thanh toán, số lượng giao dịch không được giải quyết tăng cao và rất nhiều vấn đề khác.
Các chuyên gia kinh tế gọi đây là cuộc khủng hoảng đối với Bitcoin. Rất nhiều công ty lớn trên thế giới dần loại bỏ Bitcoin như một phương thức thanh toán. Vale, Bitpay và Microsoft đều đã ngừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin (Microsoft sau đó đã mở lại).
Câu hỏi được đặt ra là liệu mức phí giao dịch Bitcoin có thể ổn định ở mức thấp hay sẽ lại tiếp tục tăng khi cơn sốt trở lại? Cuối năm 2017 là thời điểm Bitcoin tăng giá mạnh, khiến cho cơn sốt càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Số lượng máy tính xử lý các giao dịch Bitcoin là hạn chế, trong khi số lượng giao dịch tăng chóng mặt khiến cho chi phí bị đội lên rất cao.
Các nhà đầu tư Bitcoin phải chấp nhận mức phí cao, bởi nếu đặt mức phí thấp thì giao dịch của họ có thể bị giữ lại tới vài tháng mới được xử lý. Các giao dịch với mức phí cao luôn được ưu tiên để xử lý trước.
Việc Bitcoin giảm giá mạnh vào đầu năm 2018, từ 19.500 USD xuống chỉ còn 6.000 USD trong khoảng 2 tháng. Cộng thêm nhiều công ty loại bỏ phương thức thanh toán Bitcoin và những lo ngại về chi phí cao, đã giúp giảm số lượng giao dịch Bitcoin. Đó cũng là lý do giúp cho phí giao dịch giảm xuống mức kỷ lục.
Bitcoin có tiếp tục gặp lại vấn đề cũ?
Mặc dù phí giao dịch Bitcoin đã giảm xuống rất thấp, nhưng các công ty lớn trên thế giới vẫn tỏ ra thận trọng trước việc chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Nguyên nhân là do Bitcoin có những hạn chế không thể thay đổi, ví dụ như kích thước mỗi block rất nhỏ và thời gian hoàn thành một block lại rất lâu.
Một nhóm phát triển Bitcoin đã từng muốn khắc phục hạn chế này, bằng cách tăng kích thước block. Tuy nhiên sau đó họ đã thất bại và phải chấp nhận tách riêng ra phát triển một đồng tiền mã hóa khác là Bitcoin Cash.
Có một giải pháp khác cho mạng lưới Bitcoin mà không cần tăng kích thước, nó được gọi là Segregated Witness, hay còn được gọi tắt là SegWit. Đây là một định dạng giao dịch Bitcoin hoàn toàn mới, trong đó các chữ ký mã hóa được tách rời khỏi khối dữ liệu blockchain.
Vì vậy về mặt lý thuyết SegWit sẽ giúp tăng kích thước mỗi block lên tối đa là 2,1MB. Bên cạnh đó SegWit sẽ thêm vào mạng lưới blockchain của Bitcoin một tầng giải pháp thứ hai, để có thể tích hợp thêm nhiều tính năng mới trong tương lai.
Tuy nhiên cho đến nay, sau 6 tháng chính thức hoạt động, chỉ có khoảng 14% giao dịch Bitcoin áp dụng định dạng SegWit này. Nguyên nhân là do nhiều công ty lớn phải cần có thời gian để nâng cấp hệ thống và phần mềm của mình.
Thế nhưng vấn đề không chỉ là thời gian, ngay cả khi 100% giao dịch Bitcoin áp dụng định dạng SegWit thì nó có nghĩa là mạng lưới chỉ tăng được gấp đôi khả năng. Nó vẫn bị hạn chế với mỗi block là 2,1MB, và khi số lượng các giao dịch quá lớn thì vấn đề cũ sẽ tiếp tục lặp lại.
Để giải quyết tận gốc vấn đề này, mạng lưới Bitcoin cần có một nâng cấp toàn diện hơn.
Lightning Network sẽ là nâng cấp toàn diện nhất của mạng lưới Bitcoin
Sau khi SegWit được áp dụng rộng rãi trên mạng lưới Bitcoin, nó sẽ đặt nền móng để áp dụng một số nâng cấp mới thông qua tầng giải pháp thứ hai. Và Lightning Network là nâng cấp mà rất nhiều nhà phát triển kỳ vọng, đây sẽ là bản nâng cấp toàn diện nhất của mạng lưới Bitcoin.
Về cơ bản, Lightning Network là một mạng lưới thứ hai bên dưới chuỗi blockchain chính của Bitcoin. Lightning Network giúp xác nhận các giao dịch mà không cần thông qua blockchain, vì vậy mà tốc độ thực hiện gần như ngay lập tức và chi phí cũng gần bằng 0.
Lightning Network mở ra một kỷ nguyên mới, nơi mà bạn có thể mua một cốc cà phê bằng Bitcoin mà không lo sợ vấn đề phí cao hay thời gian xác nhận lâu. Và khi Lightning Network được áp dụng, rất nhiều đồng tiền mã hóa khác ra đời để khắc phục nhược điểm của Bitcoin sẽ không có chỗ đứng.
Tuy nhiên Lightning Network sẽ phải đối mặt với những vấn đề mà SegWit từng gặp phải. Đó chính là mất rất nhiều thời gian để có thể ứng dụng rộng rãi. Trên thực tế đã có giao dịch Bitcoin được thực hiện trên mạng lưới Lightning Network, nhưng để áp dụng rộng rãi có lẽ chúng ta sẽ phải đợi nhiều năm.
Cho đến lúc đó, những rắc rối với mạng lưới Bitcoin có thể trở lại bất cứ lúc nào.
Tham khảo: arstechnica
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4