Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Thanh toán di động sẽ bùng nổ và phổ cập tại Việt Nam như chúng ta đã làm với điện thoại di động 10 năm trước
Phát biểu chỉ đạo tại VEPF 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì nhanh và phổ cập là vô cùng quan trọng. Nhanh để đất nước không bị tụt hậu, phổ cập để không ai bị bỏ lại phía sau. Một cộng đồng doanh nghiệp khát vọng và sáng tạo sẽ làm được điều này.
Sáng nay (06/11), Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) 2017 do VnExpress và CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức với chủ đề bao trùm là “Mobile Payment - nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt” đã tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung hướng tới phát triển hệ sinh thái cho thanh toán không dùng tiền mặt Việt Nam.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại VEPF 2017, ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định thanh toán di động (mobile payment) đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp. Sự xuất hiện của mobile payment đã giúp cộng đồng thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Ở châu Á, tại Trung Quốc và Ấn Độ, thanh toán di động cũng đang bùng nổ cả ở thành thị lẫn nông thôn, làm thay đổi cách thức kinh doanh. Thanh toán qua mobile thực sự là công cụ thúc đẩy Tài chính Toàn diện (Financial Inclusion), được hiểu như một nền tài chính mang lại lợi ích cho mỗi người dân, dù họ ở bất cứ đâu.
Tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, các công ty khởi nghiệp tài chính điện tử (Fintech) cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ đến các vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp và tiếp cận với một số lượng lớn người lao động, bình thường vốn ít có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ tài chính truyền thống.
"Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020", Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thế giới ngày nay, thế giới của công nghệ và sáng tạo, thì một nước đi sau có thể có lợi thế hơn, nhưng với điều kiện là đi sau thì phải đi trước. Chúng ta phải đi trước, phải đi nhanh hơn với nền tảng Internet và điện thoại di động rộng khắp. Chỉ có đi trước thì những nước đi sau mới thay đổi được thứ hạng. Đi trước đầu tiên phải là tạo môi trường cho cái mới. Chính phủ kiến tạo của chúng ta cam kết điều đó.
Hiện nay, Việt Nam có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng SmartPhone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, cũng như các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác đến tất cả các vùng miền, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và tất cả các nhóm dân cư ở Việt nam, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt như hiện tại.
Theo Phó thủ tướng, với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì nhanh và phổ cập là vô cùng quan trọng. "Nhanh để đất nước không bị tụt hậu, phổ cập để không ai bị bỏ lại phía sau. Một cộng đồng doanh nghiệp khát vọng và sáng tạo sẽ làm được điều này", ông nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó Chính phủ đã có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng.
"Chính phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam", ông nói.
Cụ thể, thường xuyên đối thoại, làm việc chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp (cả bên cung cấp và sử dụng dịch vụ thanh toán), các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm hiểu các rào cản và cùng đề ra giải pháp;
Chính phủ cũng cam kết phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên thực tế để đảm bảo lợi ích có thể đến được với đại đa số người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ thúc đẩy việc cập nhật, thông qua khuôn khổ pháp lý, tạo cơ chế và xây dựng các chương trình hành động cần thiết để tạo thuận lợi, quảng bá cho thanh toán di động nói riêng và các dịch vụ công nghệ tài chính, thương mại điện tử nói chung.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang và sẽ phát sinh. Cộng đồng doanh nghiệp hợp tác cũng cần với nhau và với Chính phủ để cùng giải quyết các thách thức...
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, đặc biệt có sự đột phá trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017.
Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử; các giải pháp để tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và sự tin cậy đối với các hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc giám sát quốc tế.
Bên cạnh đó, cơ quan này đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) để tham mưu, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ sinh thái trong lĩnh vực Fintech nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Tại Diễn đàn VEPF 2017 hôm nay, bên cạnh nội dung tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Thỏa thuận Hợp tác liên Bộ Tài chính - Công Thương - Ngân hàng Nhà nước và các kiến nghị tại VEPF 2016, Phó thống đốc kỳ vọng các bên liên quan sẽ có cơ hội bàn bạc, thảo luận, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm phát triển Mobile Payment trên thế giới. Đồng thời tại diễn đàn sẽ có những gợi ý lựa chọn, áp dụng mô hình phát triển hệ sinh thái Mobile Payment phù hợp với thực tế Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) tại Việt Nam theo định hướng của Chính phủ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín