Phong cách sống YOLO và lý do ở Hàn Quốc rất dễ bắt gặp những người làm mọi thứ một mình
Ăn một mình, đi xem phim một mình và thậm chí là cưới một mình, những người trẻ Hàn Quốc giờ đây tách rời đám đông rồi lựa chọn những hoạt động chỉ có mình họ.
Giới trẻ Hàn Quốc ngày nay đang ngày càng tách mình ra khỏi các hoạt động đám đông. Đa số chọn lựa đi uống rượu một mình, ăn tối một mình, du lịch một mình và thậm chí là... đám cưới một mình.
Thay đổi trong tâm lý và hành vi của người trẻ xứ kim chi ngày càng rõ rệt, từ lối sống cộng đồng truyền thống như đi ăn uống cùng đồng nghiệp sau giờ làm hay đi leo núi cùng nhau sang đi ăn tối, uống rượu, du lịch một mình.
Tỉ lệ thất nghiệp cao, lương thấp và giá nhà đắt đỏ đã khiến cho thế hệ trẻ cảm nhận một tương lai ảm đạm trước mắt. Cộng thêm áp lực từ gia đình và xã hội càng khiến họ muốn ‘nổi dậy’, thoát ra khỏi những quy định, định kiến và dành thời gian tìm kiếm cái tôi nhiều hơn.
‘Một mình’ thì đã sao
Nhiều dịch vụ đã bắt kịp làn sóng ‘honjok’ - người đi một mình ngày càng lan rộng trong giới trẻ Hàn Quốc. Nhà hàng BBQ Yuk Cheop Ban Sang còn treo poster chỉ ra 8 cấp độ đi ăn một mình - honbap. Trong đó, ăn mì ramen tại cửa hàng tiện lợi là cấp độ thấp nhất, bất cứ ai cũng có thể làm được và ăn BBQ một mình là mức độ khó nhất. Bên trong nhà hàng, thực khách ngồi trên ghế dài, đối diện là dãy ổ sạc điện thoại với phần thịt nướng dành cho một người. Tại một nhà hàng ramen Nhật Bản khác, khách hàng có thể gọi món bằng máy và ngồi tại những buồng ngăn cách để hạn chế tương tác với người khác.
“Trước đây người ta thường nhìn tôi một cách kỳ dị khi tôi ăn một mình, nhưng giờ thì không còn nữa.” Park Da-som, nữ nhân viên ngân hàng 25 tuổi chia sẻ. “Ăn một mình đã trở thành xu hướng ở Hàn Quốc.”, cô nói.
Các công ty khác cũng bắt đầu đuổi kịp xu hướng một mình này với việc thay đổi kích cỡ mẫu hàng đang kinh doanh. Emart, nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc cho biết doanh số của dưa hấu loại nhỏ bằng bàn tay đã tăng mạnh. Các mặt hàng gia dụng như nồi nấu cơm và máy giặt cũng bắt đầu được sản xuất với kích cỡ nhỏ hơn dành cho một người ăn.
Theo một nghiên cứu về thói quen của người độc thân do KB Financial Group thực hiện, đây là một sự thay đổi về thị trường và “Chúng ta nên xem những người độc thân là một lớp người tiêu dùng mới và có cái nhìn tích cực hơn.”
“Đừng bao giờ đi ăn một mình” - Lời khuyên đã cũ
Thuật ngữ YOLO mà giới trẻ Hàn Quốc đang theo đuổi từng rất phổ biến ở các nước phương Tây. Các ngân hàng Hàn Quốc đã bắt đầu cung cấp dịch vụ “YOLO credit card” giảm giá tại Starbucks, các rạp chiếu phim và cửa hàng tiện lợi hoặc các hoạt động khác như lớp học làm bánh, săn kho báu, đọc tạp chí…nhằm “giúp người độc thân hạnh phúc hơn và tự tin lựa chọn hơn”.
“YOLO là viết tắt của cụm từ You Only Live Once, mang ý nghĩa rằng bạn chỉ sống một lần trong đời nên hãy sống cho bản thân mình thay vì sống cho người khác, sống cho hiện tại thay vì cho tương lai.” Jeon Mi-young, một giáo sư nghiên cứu tại trường Đại học quốc gia Seoul nói trong một chương trình phỏng vấn trên TV. Thói quen tiêu dùng của người dân đã khác xưa nhiều - họ không còn bận tâm về việc người khác nghĩ gì về hành vi tiêu xài của mình, Jeon nói thêm. Xu hướng tiêu dùng hiện nay ở Hàn Quốc ‘’cảm quan và mang tính tiêu khiển nhiều hơn so với lý tính”.
Một trong những lý giải cho xu hướng này là việc thiếu thời gian cũng như tiền bạc. Người Hàn phải làm việc nhiều giờ liền mà vẫn phải hoàn thành trách nhiệm với cộng đồng.
“Thời gian và những giá trị của bạn hoàn toàn không được tôn trọng. Đây là một phần rất tệ của văn hóa Hàn Quốc”, Lee Ju-yeol, một sinh viên năm 3 Đại học Ajou cho biết. “Nếu ăn một mình, bạn sẽ mất ít thời gian và chi phí hơn nhiều so với ăn cùng một nhóm.” Lee cho biết khi anh không tham gia các bữa ăn cùng với những học sinh khác, anh đã bị chỉ trích. “Nếu còn cư xử kiểu này thì bạn sẽ chỉ có thể ăn một mình thôi”, họ nói với tôi như vậy.
“Đối với các nước phương Tây, việc đi leo núi một mình không có gì lạ. Nhưng ở Hàn Quốc, nếu một người đi leo núi một mình, bạn sẽ cảm thấy có gì không đúng hoặc hơi kỳ lạ ở họ.” Michael Breen, một người sinh sống lâu năm tại Hàn Quốc và cũng là tác giả của quyển sách The New Koreans chia sẻ.
Nhưng số liệu thống kê cho thấy cảnh tượng này sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Theo số liệu từ chính phủ, dạng hộ gia đình một người đang phổ biến ở Hàn Quốc chiếm 27% tổng hộ nhà năm 2015, tương đương với tỷ lệ hộ gia đình một người tại Mỹ.
Tỉ lệ hộ gia đình một người tăng mạnh trong những năm gần đây
Cùng với làn sóng chủ nghĩa cá nhân, nhiều phụ nữ tập trung vào sự nghiệp hơn và không xem hôn nhân là một việc bắt buộc. Thậm chí một số còn cử hành “đám cưới độc thân” với chuỗi ảnh cô dâu trong bộ váy cưới một mình hoặc tổ chức một buổi nghi lễ - một phần để ‘gỡ lại’ số tiền mừng tiệc cưới mà họ đã tham dự.
Yang Eun-joo, 32 tuổi, đã chụp bộ ảnh cưới một mình vào tháng 3 sau khi hoãn lễ đính hôn vào năm ngoái. Cả cô và bạn trai đều không có ý định kết hôn. “Tôi vẫn chưa có ý định kết hôn trong tương lai nhưng tôi muốn mặc chiếc váy cưới khi tôi còn trẻ. Gia đình vẫn thúc đẩy chuyện hôn nhân, nhưng tôi thực sự là không nghĩ nhiều đến nó.” Yang chia sẻ.
Nhưng xu hướng mới này cũng không hoàn toàn được thế hệ đi trước ủng hộ. Xu hướng độc thân kéo theo tốc độ gia tăng dân số tự nhiên giảm mạnh.
Tân thủ tướng Hàn Quốc, Moon Jea-in phát biểu trong tháng 4 rằng hiện tượng một mình này cũng kéo theo cảnh báo về sức khỏe: “Honbap không chỉ là ăn một mình, mà còn kéo theo chế độ ăn uống không cân bằng, ảnh hưởng đến sức khỏe giới trẻ.” Ông có một tầm nhìn khác đối với những người độc thân trẻ tuổi ở Hàn Quốc, và bày tỏ mong muốn cả đất nước sẽ trở thành “gia đình của những người trẻ đang sống một mình.” Thủ tướng đề nghị mở bếp ăn cộng đồng trong khu vực nhiều người độc thân sinh sống để biến honbap thành hamkkebap, nghĩa là ăn cùng nhau.
Cùng với cả nước, tập đoàn giải trí lớn nhất Hàn Quốc CJ E&M cũng đồng hành với giới trẻ trong xu hướng mới này. Bộ phim “Drinking Solo” đang lên sóng kể về cuộc sống của những người đến từ nhiều tầng lớp khác nhau đối mặt với áp lực bằng cách uống rượu một mình. Đại diện CJ E&M, Kim Ji-young cho biết: “Ngày càng có nhiều chương trình về cuộc sống một mình khi số lượng giới trẻ sống độc thân ngày càng tăng. Người xem cảm thấy thoải mái và thư giãn khi họ thấy những người giống mình xuất hiện trên TV.”
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương