Phù nhẹ chân, đi tiểu đêm, mệt mỏi không rõ lý do: Dấu hiệu tưởng do stress nhưng là lời cảnh báo từ thận

    Hạnh Phúc,  

    Bệnh thận từng được coi là “căn bệnh của người già”. Nhưng hiện nay, tại Việt Nam, ngày càng nhiều người trẻ đặc biệt là dưới 35 tuổi phải chạy thận, lọc máu định kỳ.

    Bạn từng thấy mắt mình hơi sưng sau khi ngủ dậy? Hoặc đôi chân bỗng phù nhẹ vào buổi chiều dù chỉ ngồi làm việc? Có thể bạn nghĩ đó là do stress, mất ngủ, áp lực công việc. Nhưng thực tế, đó có thể là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh thận mạn tính một căn bệnh đang âm thầm tấn công người trẻ.

    Theo thống kê mới nhất từ Hội Nội thận học TP HCM, Việt Nam hiện có khoảng 12,8% dân số mắc bệnh thận mạn, tương đương hơn 8,7 triệu người. Đáng chú ý, tỷ lệ mắc mới hàng năm khoảng 8.000 người, trong đó nhóm tuổi từ 18-30 chiếm 20-30%

    Phù nhẹ chân, đi tiểu đêm, mệt mỏi không rõ lý do: Dấu hiệu tưởng do stress nhưng là lời cảnh báo từ thận- Ảnh 1.

    Những dấu hiệu nhỏ thường bị phớt lờ

    Điểm chung của phần lớn bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận là chủ quan. Họ không để ý đến những dấu hiệu ban đầu vì cho rằng đó là điều bình thường, không quá nghiêm trọng.

    Dưới đây là những triệu chứng cảnh báo thận đang gặp vấn đề nhưng lại thường bị bỏ qua:

    - Phù nhẹ ở chân, mắt cá chân, vùng mặt khi ngủ dậy.

    - Tiểu đêm thường xuyên hơn 2 lần, tiểu bọt hoặc nước tiểu sẫm màu.

    - Mệt mỏi kéo dài, dù ngủ đủ giấc.

    - Ăn không ngon miệng, buồn nôn nhẹ vào buổi sáng.

    - Huyết áp tăng nhẹ bất thường, dễ đau đầu.

    - Ngứa da, khô da khó chịu, đặc biệt là về đêm.

    Những dấu hiệu trên có thể thoáng qua hoặc mơ hồ, nhưng lại là cảnh báo rõ ràng cho thấy chức năng lọc của thận đang suy giảm.

    Phù nhẹ chân, đi tiểu đêm, mệt mỏi không rõ lý do: Dấu hiệu tưởng do stress nhưng là lời cảnh báo từ thận- Ảnh 2.

    Vì sao người trẻ mắc bệnh thận ngày càng nhiều?

    Các chuyên gia cảnh báo, có 3 nhóm nguyên nhân chính khiến người trẻ nhất là nam giới đang bị "thận hóa già" sớm:

    Lối sống độc hại: Ăn mặn, uống ít nước, nhịn tiểu, thức khuya và ít vận động là những yếu tố âm thầm phá hủy thận mỗi ngày.

    Lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng: Việc dùng thuốc giảm cân, tăng cơ, bổ gan, lợi tiểu… không theo đơn, không kiểm soát đang khiến nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng suy thận cấp tính chỉ sau vài tháng.

    Chủ quan và thiếu tầm soát định kỳ: Người trẻ thường nghĩ mình "còn khỏe", không đi khám định kỳ và chỉ phát hiện bệnh khi thận đã bị tổn thương không hồi phục.

    Hậu quả nặng nề: Chạy thận suốt đời

    Suy thận mạn không thể điều trị dứt điểm nếu không ghép thận. Trong khi đó, chi phí chạy thận cao, tần suất 2-3 lần/tuần, mỗi lần kéo dài 3-4 giờ khiến người bệnh kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Không ít người phải bỏ học, bỏ việc vì lịch chạy thận dày đặc.

    Chưa kể, Việt Nam hiện có khoảng 800.000 người có chỉ định chạy thận, dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Người bệnh phải chờ đợi để được điều trị, các chi phí duy trì gây nên áp lực lớn về kinh tế, khiến mọi người đều phải phụ thuộc vào bảo hiểm y tế.

    Phù nhẹ chân, đi tiểu đêm, mệt mỏi không rõ lý do: Dấu hiệu tưởng do stress nhưng là lời cảnh báo từ thận- Ảnh 3.

    Cách phòng tránh: Đừng đợi đến lúc thận "lên tiếng"

    Thận là cơ quan "làm việc thầm lặng", không đau, không biểu hiện rõ ràng khi bị tổn thương. Do đó, cách duy nhất để phòng ngừa là tầm soát sớm và sống chủ động:

    - Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng, đặc biệt chú ý chỉ số creatinine, eGFR và protein niệu.

    - Uống đủ nước, hạn chế đồ mặn, tránh bia rượu và đồ ăn chế biến sẵn.

    - Tránh dùng thuốc không kê đơn, thuốc bổ không rõ nguồn gốc.

    - Khi thấy cơ thể "khác thường", dù chỉ là phù nhẹ hay mệt mỏi kéo dài, cần đi khám thay vì tự chẩn đoán.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ