Pin chiếm tới 40% chi phí cấu thành xe điện, mô hình chỉ bán vỏ xe của VinFast liệu có tạo nên sự đột phá đối với người dùng?

    Đông A , Nhịp Sống Kinh tế 

    Mua pin hay thuê pin là câu hỏi quan trọng đối với người dùng cũng như các nhà sản xuất xe điện, bởi chi phí pin hiện nay rất lớn chiếm tới gần 40% chi phí cấu thành nên một chiếc xe.

    VinFast và mô hình bán xe điện không đi kèm pin

    Tại sự kiện VinFast Gobal EV Day diễn ra mới đây, bà Lê Thị Thu Thuỷ - Tổng giám đốc VinFast Global cho biết VinFast sẽ dừng việc sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung hoàn toàn cho việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các dòng xe thuần điện. Quyết định này có thấy quyết tâm rất lớn của VinFast trong cuộc đua xe điện toàn cầu. Hai mẫu xe điện VF8 và VF9 được công bố mức giá bán lần lượt 961 triệu đồng và 1,312 tỷ đồng tại Việt Nam.

    Pin chiếm tới 40% chi phí cấu thành xe điện, mô hình chỉ bán vỏ xe của VinFast liệu có tạo nên sự đột phá đối với người dùng? - Ảnh 1.


    Một điểm quan trọng trong chiến lược kinh doanh của VinFast là mô hình bán xe và cho thuê pin. Công ty thuộc tập đoàn Vingroup đưa ra hai gói cho thuê pin với khách hàng, gồm Linh hoạt (tối thiểu 500 km, tính thêm phí từ km số 501 trở đi) và Cố định (không phụ thuộc quãng đường di chuyển). VinFast cam kết rằng, tổng chi phí hàng tháng cho thuê pin chỉ tương đương chi phí xăng tại từng thị trường (Mỹ, châu Âu và Việt Nam). Ngoài ra, VinFast cũng sẽ chi trả toàn bộ chi phí sửa chữa, bảo dưỡng pin và sẽ thay thế miễn phí khi khả năng sạc - xả của pin thấp hơn 70%.

    Trên thực tế, mua pin hay thuê pin là câu hỏi quan trọng với cả nhà sản xuất xe điện và người tiêu dùng.

     - Ảnh 1.

    Cơ cấu giá pin trên toàn bộ chi phí một chiếc xe điện (Statista)

    Theo số liệu từ Statista, pin hiện chiếm từ 30 – 40% chi phí cấu thành nên xe điện. Trong trường hợp các nhà sản xuất chỉ bán vỏ xe, không bao gồm pin, giá thành xe điện sẽ giảm tương đối nhiều và qua đó dễ dàng tiếp cận hơn với người dùng.

    Tháng 8/2020, NIO, nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc lần đầu tung ra dịch vụ cho thuê pin cho phép khách hàng mua xe mà không cần sở hữu pin. Dịch vụ này được gọi là "battery as a service – BaaS", qua đó người sở hữu xe trả chi phí thuê hàng tháng để sử dụng pin. Giá một chiếc NIO không có pin thấp hơn 20% so với xe có pin.

    William Li, Giám đốc điều hành của NIO cho biết ông tin rằng với BaaS, nhiều khách hàng đang sử dụng xe xăng sẽ cân nhắc việc sử dụng xe điện hơn. Tại thời điểm công bố, NIO vận hành 143 trạm đổi pin khắp Trung Quốc và kế hoạch xây dựng hàng trăm trạm đổi pin mới trong những năm tiếp theo. NIO niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York, hiện có mức vốn hoá thị trường gần 47 tỷ USD.

    "Trạm xăng" của xe điện

     - Ảnh 2.

    Mô hình công ty cho thuê pin xe điện

    Quay trở lại với VinFast, mô hình cho thuê pin sẽ cần có một công ty đảm nhiệm vận hành dịch vụ và chăm sóc khách hàng, bao gồm: cho thuê pin, nhận thanh toán từ khách hàng, xem xét tình trạng của pin, đưa ra tư vấn… Nói dễ hiểu, công ty này sẽ đóng vai trò không khác gì các công ty vận hành trạm xăng như hiện nay (ở Việt Nam nổi tiếng nhất là Petrolimex).

    Với khách hàng, ngoài việc chi phí nhiên liệu cho xe hàng tháng ở mức thấp, họ cũng cần làm sao tra nạp nhiên liệu cho xe một cách thuận tiện, ít nhất là bằng xe xăng hiện nay. Nhưng ở xe điện, khách hàng cũng có thêm các lựa chọn sử dụng trạm sạc, cũng như dịch vụ đổi pin tận nhà…

    Mô hình đổi pin đã được VinFast vận hành thử nghiệm với xe máy điện. Tuy nhiên, để áp dụng đối với các sản phẩm ô tô điện, mức độ hoàn thiện của hệ thống trạm sạc và đổi pin sẽ phải nâng lên rất nhiều. Trong báo cáo cập nhật mới nhất đến với nhà đầu tư, VinFast cho biết đã thiết lập 10.000 trạm sạc khắp 62/63 tỉnh thành. Các mô hình trạm sạc với công suất khác nhau sẽ đặt tại các toà nhà chung cư, khu đỗ xe; trạm nghỉ bên đường cao tốc; trạm xăng; trung tâm mua sắm và các khu đô thị lớn…

     - Ảnh 3.

    Các mô hình trạm sạc của VinFast

    Cuối năm 2018, Vingroup và Petrolimex ký một hợp tác toàn diện qua đó tập trung vào hệ thống cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên toàn quốc và hệ thống khu đô thị, khu dân cư, văn phòng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại của Vingroup. Dù chưa rõ điều khoản cụ thể, nhưng có thể sẽ không bất ngờ nếu trong tương lai các trạm xăng của Petrolimex tích hợp cả trạm sạc điện và hệ thống đổi pin của VinFast. Petrolimex đang vận hành 5.500 trạm xăng trên toàn quốc, nắm 50% thị phần xăng dầu. Do đó, công ty này có thể sẽ là đơn vị chịu ảnh hưởng tương đối lớn bởi làn sóng điện khí hoá phương tiện giao thông. Việc chuyển dịch dần dần mô hình kinh doanh có lẽ là điều không thể tránh khỏi.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ