Các tấm pin mặt trời của Tesla đã trở thành cơn ác mộng đối với một số chủ nhà, đặc biệt là với một phụ nữ ở Colorado khi nó khiến mái nhà của cô bốc cháy.
Briana Greer đã ra khỏi thị trấn khi đám cháy bắt đầu bùng lên từ các tấm mái năng lượng mặt trời thương hiệu Tesla mà cô sử dụng. May mắn thay, hàng xóm của cô ở Louisville, tiểu bang Colorado đã cảnh giác và tham gia hỗ trợ dập lửa trước khi nhân viên cứu hỏa đến.
Đó là vào ngày 1/8. Trước đó chỉ một ngày, Greer cho biết nhân viên của Tesla đã liên lạc với cô qua điện thoại để thông báo về việc phát hiện sự dao động điện áp bất thường trong vài ngày gần đó. Công ty cho biết họ sẽ cử một đoàn kiểm tra đến vào ngày 8/8. Nhưng rõ ràng mọi việc đã quá muộn.
Greer là một nhà tư vấn môi trường. Cô cho biết vẫn chưa nhận được một báo cáo giải thích lý do tại sao điều này lại xảy ra.
"Họ cố tình giữ mọi thông tin trong bóng tối. Đối với một công ty năng lượng, điều đó thật mỉa mai", Greer chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.
Mái nhà của Greer sau vụ cháy ngày 1/8 vừa qua.
Tesla không trả lời các yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Nhưng một báo địa phương ở Colorado đã báo cáo vào tháng trước rằng Tesla tuyên bố: "Các tấm pin mặt trời của hãng an toàn và rất hiếm khi bắt lửa". Báo cáo cũng cho biết Tesla đang làm việc với công ty bảo hiểm của Greer.
Tuy nhiên, công ty do Elon Musk sáng lập đã không đồng ý để cô hủy bỏ hợp đồng. Vì vậy, Greer đã thành lập một quỹ trên GoFundMe để kêu gọi ủng hộ nhằm thuê luật sư để giải quyết vấn đề.
Greer cho biết cô tin rằng Tesla đã vi phạm thỏa thuận với Xcel, một công ty điện bên thứ ba, trong việc lắp đặt đồng hồ của cô và kết nối hệ thống pin Tesla với lưới điện. Hợp đồng của cô với Tesla cho biết Tesla duy trì các tấm pin mặt trời theo thông số kỹ thuật của nhà sản xuất.
Xcel cũng không trả lời yêu cầu bình luận nào.
"Các tấm pin được chế tạo bởi một nhà sản xuất tấm pin mặt trời có tên Trina. Cuốn sổ tay hướng dẫn nói rằng chúng nên được kiểm tra vật lý hai lần một năm. Nhưng Tesla đã không làm điều đó", Greer nói.
Trina cũng không trả lời bất kỳ yêu cầu bình luận nào.
Hợp đồng của Greer cũng nói rằng Tesla nên bảo dưỡng các tấm pin theo luật tiểu bang. Vào năm 2017, khi Greer lắp đặt các tấm pin mặt trời, Colorado đã thông qua Bộ luật điện quốc gia. Nhưng Greer cho biết Tesla đã không cập nhật các tấm pin mặt trời của mình theo quy định mới. Ví dụ, các quy tắc yêu cầu tất cả các tấm pin mặt trời phải có khả năng tắt nhanh ở cấp độ mô-đun nhưng Greer cho biết hệ thống ở nhà mình không có tính năng đó.
Trong một email ngày 23/9 gửi tới Greer, một đại diện của Tesla nói rằng công ty không có trách nhiệm bảo trì "ngoài việc theo dõi từ xa và phản ứng trước các phản hồi". Công ty cũng không chủ động đến thăm và kiểm tra hệ thống tại nhà của mọi người dùng, trừ khi họ thực hiện một dịch vụ bắt buộc trong khu phố của khách hàng, theo email.
Hình ảnh về vụ cháy tại cửa hàng Walmart, tháng 3/2018.
Trước đó vào tháng 8, Walmart đã kiện Tesla, tuyên bố rằng họ đã không bảo trì các tấm pin mặt trời tại các cửa hàng trong hệ thống. Điều đó khiến các tấm pin tại 7 cửa hàng đã bốc cháy, gây thiệt hại hàng triệu USD. Và trong các khiếu nại của Walmart, giống như với các cáo buộc của Greer, Tesla không bao giờ giải thích lý do tại sao các vụ cháy xảy ra.
Nhưng không giống như Greer, Walmart có đủ nguồn lực để tự điều tra. Họ đã phát hiện rằng Tesla đã cài đặt các đầu nối Amphenol bị lỗi, khiến hệ thống không thể điều chỉnh nhiệt đi vào các tấm pin mặt trời. Kết quả là, các tấm pin gặp phải tình trạng tăng nhiệt đột biến và dẫn đến hỏa hoạn.
Sau khi vụ kiện Walmart được công khai, có báo cáo cho thấy rằng từ năm ngoái, Tesla đã bắt đầu một chương trình bí mật, được gọi là "Project Titan". Nội dung của nó là thay thế càng nhiều đầu nối Amphenol này càng nhanh và lặng lẽ càng tốt. Tuy nhiên khi trả lời, Tesla chỉ tuyên bố hệ thống phần mềm giám sát của họ đã phát hiện "một số lượng nhỏ" các đầu nối gặp phải lỗi ngắt kết nối cao hơn tiêu chuẩn cho phép, nên họ chủ trương thay thế.
Cũng trong email ngày 23/9 gửi cho Greer, Tesla nói rằng vụ hỏa hoạn tại nhà cô không liên quan tới các vấn đề với đầu nối Amphenol. Nhưng với người phụ nữ này, điều đó đơn giản là không đủ.
"Họ đang chơi đùa với cuộc sống của tôi, trong khi vẫn thu tiền đều đặn", Greer nói.
Dịch vụ của Tesla là khách hàng sẽ thuê hệ thống năng lượng mặt trời với giá 50 USD mỗi tháng. Công ty cũng kết nối để giúp khách hàng bán điện cho các công ty điện bên thứ ba, trong điều kiện dư thừa năng lượng. Tuy nhiên, khách hàng sẽ phải trả một số tiền lớn, khoảng 1.500 USD để gỡ bỏ hệ thống trong trường hợp không muốn sử dụng nữa.
Tesla như thường lệ vẫn im lặng trước mọi phản hồi và yêu cầu bình luận.
Cận cảnh nơi các tấm pin bốc cháy trên mái nhà Greer.
Một khách hàng khác của Tesla, tên là Christina Caron ở Phoenix, Arizona, nói rằng hệ thống của cô bắt đầu gặp sự cố vào tháng 8/2018. Sau đó, vào tháng 11, cô nhận được một email từ Tesla thông báo rằng hệ thống của cô đang bị lỗi hồ quang. Theo chia sẻ từ nhân viên Tesla giấu tên, lỗi hồ quang cho thấy các đầu nối đã quá nóng tại một vài thời điểm.
Các nhân viên Tesla này cũng cho biết có một hệ thống xếp hạng về mức độ nghiêm trọng của lỗi hồ quang. Dấu X có nghĩa là khách hàng cần được phục vụ ngay lập tức. Tiếp đó là lỗi được đánh số 1-2-3 theo mức độ nghiêm trọng. Caron cho biết cô không biết lỗi của hệ thống nhà mình được xếp hạng ở mức nào.
Sau khi kiểm tra, Caron được thông báo hệ thống pin mặt trời của mình đã bị hỏng và cần được thay thế. Các nhân viên kỹ thuật không nói lý do tại sao, chỉ giải thích qua loa rằng có những điểm nóng và mảng ẩm trong các tấm pin. Hệ thống đã bị tắt, theo yêu cầu của Tesla, kể từ đó.
Tuy nhiên, Caron vẫn phải trả tiền cho Tesla để thuê các tấm pin, cũng như tiền cho nhà cung cấp điện địa phương.
"Không ai có thể cho chúng tôi bất kỳ câu trả lời nào ngoài việc nói: 'Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các hóa đơn tiền điện cao sẽ xuất hiện khi hệ thống tắt'", cô nói.
Hệ thống năng lượng mặt trời đang được sử dụng ngày càng nhiều, nhưng nguy cơ cháy nổ cũng theo đó tăng cũng có dấu hiệu lên.
Trong khi đó, các nhân viên giấu tên của Tesla cho biết họ được công ty hướng dẫn rằng phải nói với người dùng không được nhắc tới từ "lửa" mà phải là "vấn đề về nhiệt".
Các nhân viên khi làm việc với khách hàng sẽ phải đọc cho họ nghe một kịch bản tương tự như sau: "Chúng tôi ở đây hôm nay để thay thế một phần trên hệ thống của bạn, thứ đã cho thấy xu hướng không hoạt động ổn định và có thể gây gián đoạn cho dịch vụ. Chúng tôi ở đây để ngăn chặn điều đó và khi công việc hoàn tất, bạn sẽ có thể tận hưởng một dịch vụ hoàn hảo, không bị gián đoạn".
Hai nhân viên hiện tại của Tesla cho biết họ được hướng dẫn không nói với khách hàng bất cứ điều gì cụ thể về lý do tại sao các tấm pin trên mái nhà của họ cần bảo trì, hoặc bất cứ điều gì liên quan đến Project Titan.
"Ban đầu, Tesla khá minh bạch về các đầu nối. Sau đó, họ bắt đầu che giấu lý do tại sao cần phải bảo trì", một người nói. "Tôi nghĩ mọi người cần phải hiểu rằng rất may mắn khi không có ai chết. Vì điều này có thể xảy ra ở trên mái nhà bạn, trên phòng ngủ của con cái bạn."
Thật vậy, tại nhà của Greer ở Colorado, ngọn lửa cũng bắt đầu ngay trên phòng ngủ của đứa con trai 16 tuổi của cô. Rất may ngọn lửa đã được dập tắt kịp thời.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương