Playboy bán mình với giá 500 triệu USD, vì không thể cạnh tranh với các trang web người lớn

    TVD,  

    Đế chế hùng mạnh Playboy đã đến lúc suy tàn, khi mà ngày nay bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy những nội dung tương tự trên mạng internet và hoàn toàn miễn phí.

    Playboy đã từng là một đế chế mà bất kỳ người đàn ông nào cũng thèm muốn. Đi lên từ một tờ tạp chí dành cho đàn ông, Playboy đã trở thành một phần văn hóa của người Mỹ. Những năm 1960 đến 1990, cứ 4 sinh viên tại Mỹ thì có một người sở hữu tờ tạp chí Playboy.

    Tờ tạp chí này đã giúp Hugh Hefner chỉ với hơn 1.000 USD vay từ mẹ và những người bạn của mình, xây dựng cả một đế chế với giá trị có lúc đã chạm mốc 1 tỷ USD. Ông nhanh chóng trở thành tỷ phú mà nhiều người còn phải gọi là ông hoàng, vì Hefner còn sở hữu cả một dinh thự rộng lớn với rất nhiều người đẹp sinh sống cùng.

     Hugh Hefner, người biến tạp chí Playboy thành đế chế hùng mạnh.

    Hugh Hefner, người biến tạp chí Playboy thành đế chế hùng mạnh.

    Tuy nhiên đế chế hùng mạnh đến mấy thì cũng có thể bị diệt vong. Và đây chính là thời điểm đó, khi mà Playboy đã phải rao bán mình với cái giá 500 triệu USD. Sau một khoảng thời gian dài kinh doanh yếu kém, doanh số xuất bản giảm sút một cách nặng nề.

    Thậm chí, ông hoàng Hefner cũng đã phải bán cả dinh thự của mình vào hồi đầu năm với giá 200 triệu USD.

    Thời kỳ hoàng kim nhất của tờ tạp chí này là vào năm 1972, lúc đó Playboy đã bán được hơn 7 triệu bản trong 1 năm. Đến năm 2000, công ty này đã được định giá lên đến 1 tỷ USD, với một loạt các nhà hàng, khách sạn được mở ra và hơn 900.000 nhân viên trên toàn thế giới.

    Tuy nhiên đó cũng là lúc Playboy bắt đầu lao dốc, khi mà mạng internet bắt đầu phát triển từ những năm 2000. Số lượng tạp chí xuất bản năm 2014 đã giảm xuống chỉ còn 800.000 bản mỗi năm, bằng 1/10 so với năm 1972.

     Doanh số xuất bản của tạp chí Playboy đã sụt giảm nghiêm trọng.

    Doanh số xuất bản của tạp chí Playboy đã sụt giảm nghiêm trọng.

    Giá trị của cả công ty trên thị trường chứng khoán cũng tụt xuống chỉ còn 84 triệu USD trong năm 2009. Đó cũng là lý do vì sao những người chủ của Playboy quyết định mua lại toàn bộ cổ phần và biến nó thành một công ty tư nhân.

    Lúc đó, Hefner đã từng nhận được lời đề nghị mua lại Playboy với cái giá 300 triệu USD. Nhưng vị tỷ phú này đã từ chối, trong khi trên thực tế giá trị của công ty đã không còn cao đến mức đó.

    Những con số trên đã cho thấy sự lụi tàn của cả một đế chế hùng mạnh một thời. Playboy đã không thể thích nghi kịp với sự phát triển của mạng internet, khi mà tất cả mọi người có thể tìm kiếm thứ họ muốn một cách nhanh chóng và miễn phí.

    Playboy cũng đã cố gắng bằng cách đăng tải một số nội dung của mình lên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Instagram. Nhưng vẫn không đem lại các kết quả khả quan, vì lợi nhuận chính của Playboy vẫn là bán tạp chí xuất bản và bán quảng cáo trên tạp chí đó, chứ không phải trên mạng internet.

    Và đó chính là sai lầm của tờ tạp chí này, khi coi nhẹ mạng internet và các trang mạng xã hội. Ngay cả CEO của Playboy, ông Scott Flanders cũng phải thừa nhận sự bất lực của công ty khi cạnh tranh với các trang web người lớn miễn phí trên mạng internet: “Bây giờ, bạn chỉ cần một cú nhấp chuột là có tất cả những nội dung mình muốn, tất cả đều miễn phí”.

    Với mạng internet tốc độ cao hiện nay, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và truy cập vào những trang web người lớn, thậm chí là trên các mạng xã hội như Facebook hay Instagram chúng ta cũng có thể dễ dàng thấy những hình ảnh mát mẻ.

     Playboy vẫn trung thành với kiểu tạp chí một tháng ra một bản.

    Playboy vẫn trung thành với kiểu tạp chí một tháng ra một bản.

    Không chỉ có các trang web và mạng xã hội, sự phát triển của các ứng dụng nhắn tin như Snapchat - ứng dụng nhắn tin có khả năng tự xóa, càng làm cho thói quen của người dùng thay đổi. Giờ đây không còn ai cần đến những tạp chí đàn ông nữa, tất cả đều có trên mạng internet.

    Hơn thế nữa, việc trung thành với truyền thống một tháng mới ra mắt một ấn phẩm mới cũng góp phần khiến cho Playboy tự giết chính mình. Xã hội hiện đại ngày nay có thể cập nhật thông tin mới một cách nhanh chóng và ngay lập tức, họ luôn muốn những điều mới mẻ hàng ngày và hàng giờ. Việc chờ đợi một cuốn tạp chí cứ mỗi tháng mới ra mắt được một bản là điều không thể chấp nhận được, nó khiến họ tìm đến những thứ mới lạ hơn trên mạng internet, khi mà chỉ vài phút trôi qua là bạn đã có thể tìm được những nội dung mới.

    Playboy đang đi theo vết xe đổ của tạp chí truyền thống và báo giấy, chính vì vậy mà nó phải chịu chung số phận. Trong khi thế giới công nghệ đang phát triển một cách rất nhanh chóng, nhiều tờ báo giấy truyền thống đã cố gắng thích nghi bằng cách đưa các nội dung của mình lên mạng internet.

    Một số đã thành công và có thể tiếp tục tồn tại. Còn đối với Playboy, chúng ta lại có thêm một bài học nữa của kẻ không biết thay đổi để thích nghi và kết cục là thất bại.

    Tham khảo: nydailynews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ