Poster mới cho bộ phim Spider-Man: Homecoming dở thậm tệ, và đây là ý kiến của chuyên gia thiết kế nổi tiếng về vấn đề này

    Dink,  

    Chắc hẳn không ít rạp phim ... xấu hổ khi treo tấm poster này lên để quảng cáo.

    Chẳng lâu sau khi trailer của Spider-Man: Homecoming được chính thức lên sóng, Sony và Marvel tung ra poster quảng cáo cho bộ phim này, cho ta thấy mặt của những diễn viên chính góp mặt trong phim. Nghe đã thấy đông rồi, và đúng là cái poster này … đông diễn viên thật.

    Peter Parker, Tony Stark và phản diện Vulture xuất hiện đến hai lần (dù là một lần “ở trần” còn một lần mặc áo), dì May do Marisa Tomei thủ vai bay lơ lửng ở góc dưới bên trái và cô là người duy nhất … nhe rằng cười, đằng sau họ là đủ thứ hổ lốn từ lửa, pháo hoa cho tới địa danh nước Mỹ, …

    Xét tới thói chọc ngoáy và bản chất đanh đá của mạng Internet, ta đã có ngay những lời phàn nàn. Không đổ lỗi cho họ được, poster này tệ quá, trông như tôi làm hồi mới biết đến Photoshop vậy …

     Poster nguyên bản của Spider-Man: Homecoming.

    Poster nguyên bản của Spider-Man: Homecoming.

     Và một phiên bản poster khác ... đông vui hơn.

    Và một phiên bản poster khác ... đông vui hơn.

    Poster phim lần này trông quá ư chật chội và nghiệp dư nhưng đó mới chỉ là một trong vô vàn vấn đề mà bộ phim sẽ có thể gặp phải. Theo chuyên gia thiết kế và vẽ tranh minh họa Tommy Lee Edwards nổi tiếng, vấn đề lớn hơn đó chính là quyết định tung ra poster chính thức của các hãng làm phim, chứng tỏ rằng họ chẳng quan tâm mấy tới việc cái poster này có đủ đẹp cho khán giả thưởng thức hay không.

    Theo một cách nào đó, chiếc poster Spider-Man kia trông giống kiểu ‘Đây là một đống những thứ liên quan tôi thấy trong phim. Hãy nhét tất cả chúng nó vào với nhau để xem kết quả như thế nào’. Từ đó một tác phẩm như thế, người ta sẽ có thể có chút cảm hứng để làm ra một poster thực sự. Thay vào đó, họ dừng lại ngay ở cái bước nhét tất cả vào một. Trông poster kia giống một sản phẩm dang dở vậy”, Edwards trả lời trang tin The Verge.

     Tommy Lee Edwards.

    Tommy Lee Edwards.

    Anh Edwards đã có hơn 20 năm kinh nghiệm của một người vẽ tranh minh họa và nghệ sĩ ý tưởng, đã thiết kế và điều hướng nghệ thuật cho những bộ phim nổi tiếng như Harry Potter và Hòn đá Phù thủy, Superman Returns, Batman Begins, và một số series truyện tranh của cả DC và Marvel.

    Anh cũng làm việc với cả gã khổng lồ LucasFilm để thiết kế poster và sách cho Star Wars. Chắc chắn, ý kiến của anh về poster Spider-Man kia có đủ trọng lượng để ta tin tưởng. Bạn cũng có thể tự tin vào bản năng của mình, khi thấy rằng poster này được làm … xấu quá.

     Tác phẩm của anh Edwards, vẽ về toàn bộ 6 phần phim Star Wars.

    Tác phẩm của anh Edwards, vẽ về toàn bộ 6 phần phim Star Wars.

    Edwards tin rằng người ta có thể làm ra được những tấm poster đẹp, dù là nhét vào đó rất nhiều yếu tố khác nhau của một bộ phim. Một poster hoàn toàn có thể đông đúc các nhân vật, chỉ cần sản phẩm cuối cùng có thể cho người xem thấy poster ấy bảo vệ những vẻ đẹp nguyên gốc như thế nào.

    Một bộ phim là một thứ gì đó mà rất nhiều người tốn rất nhiều công sức làm ra sau một khoảng thời gian rất dài”, anh Edwards nói. “Tôi cảm thấy rằng một chiếc poster nên vinh danh lượng thời gian và tình cảm chứa đựng trong tác phẩm nghệ thuật ấy. Nếu một chiếc poster có thể cho thấy bộ phim nói về cái gì, không chỉ là ba cái đầu diễn viên lơ lửng trên phông nền, tôi nghĩ đó mới là điều quan trọng”.

    Vì thể loại phim, sắc thái của bộ phim, câu chuyện của phim đều quan trọng. Không phải mọi poster phim đều là tổng hợp của các yếu tố trong phim, nhưng nếu bạn làm loại poster như vậy, nó vẫn có thể được làm một cách đẹp đẽ”.

    Với Edwards, một ví dụ hoàn hảo cho việc một poster phim dù rất nhiều chi tiết nhưng vẫn hiệu quả, chính là poster cho bộ phim My Fair Lady của cố nhà thiết kế Bob Peak. “Nó nắm bắt được cảm xúc của bộ phim, mà lại có thể đứng riêng rẽ với tư cách của một tác phẩm nghệ thuật”, anh nói. “Bạn có thể ngắm nó hàng giờ liền”.

     Poster của My Fair Lady, bộ phim năm 1964 của đạo diễn George Cukor.

    Poster của My Fair Lady, bộ phim năm 1964 của đạo diễn George Cukor.

    Nhà thiết kế Peak (mất năm 1992) đã hoàn thiện nên tác phẩm của mình vào cái thời mà poster vừa giữ vai trò marketing cho phim, lại vừa đại diện cho giá trị nghệ thuật của bộ phim ấy. Ngày nay, một poster phim chỉ còn là một phần nhỏ của một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, trên YouTube hay trên những rạp chiếu phim. Bởi lẽ đó, những ủy ban đánh giá sản phẩm chứ không phải những nghệ sĩ, có tiếng nói trong việc sản xuất và đăng tải một poster phim.

    Con mắt nghệ thuật của họ không sắc xảo bằng những người nghệ sĩ, vì thế màu sắc, bố cục, cảm nhận của một tấm poster không còn được tinh tế. Như anh Edwards nói về trường hợp poster của Spider-Man, là chỉ có giá trị xem xem trên ảnh đầu ai sẽ to nhất mà thôi.

    Tuy nhiên, những “điều cằn nhằn” trên đây không mang tính quy chụp rằng poster phim hiện đại không còn được đẹp và tinh tế. Và anh Edward cũng nói rằng anh “đang chờ con con lắc của xu hướng thiết kế quay trở lại vị trí ban đầu”, quay về thời việc thiết kế quảng bá cho phim mang nhiều tính nghệ thuật hơn là phong cách lười biếng và hời hợt.

    Anh Edwards đưa ra lời kết luận, rằng “nếu người ta không quan tâm tới poster và người ta cũng vẫn cứ đi xem phim, vậy có khó gì khi ta bỏ công sức làm ra một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời để có thể treo một cách đầy tự hào lên tường những rạp phim? Rồi người hâm mộ sẽ mua về để treo lên tường nhà họ? Đó là cả một thị trường mới được mở ra”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ