PowerColor R7 240 GDDR5: VGA mạnh dưới 1,5 triệu đồng, thật không thể tin nổi!

    Nội Tâm,  

    Ngoại trừ chiếc R7 250 của chính PowerColor, các sản phẩm dưới 2 triệu đồng khác đều bị R7 240 GDDR5 “đập chết ăn thịt” cả về giá, p/p lẫn thiết kế.

    Sau bài viết PowerColor R7 250: Dưới 2 triệu chiến game khủng, max setting Dota 2 và LoL, chúng tôi nhận được khá nhiều e-mail quan tâm của độc giả về sản phẩm này, hầu hết đều là đánh giá tích cực. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có 1 luồng ý kiến không nhỏ mà chúng tôi không thể không ghi nhận: Nhiều bạn “chê” rằng FPS 70 (max setting Dota 2) vẫn còn hơi cao, trong khi 1.799.000 VNĐ vẫn là số tiền cần phải cân nhắc. Các bạn mong muốn chúng tôi giới thiệu một card đồ họa yếu hơn, vừa túi tiền học sinh sinh viên hơn, tốt nhất là dưới 1,5 triệu đồng.

    Nếu cách đây nửa năm, yêu cầu này quả thực là “bó tay chấm com”. Nếu hay theo dõi các bài top list VGA của chúng tôi, hẳn bạn sẽ thấy nhận định chung cho khoảng giá dưới 1,5 triệu đồng: Yếu như sên, không đáng mua! Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, chúng ta đã có một câu trả lời tuyệt vời: Đó là một chiếc card khác đến từ PowerColor, mang tên R7 240.

    Nếu là một người hiểu về linh kiện PC, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay: “R7 240 dưới 1,5 triệu đồng thì có quái gì mà hot?”. Có đấy! Phiên bản tôi đang nhắc tới khác với tất cả những chiếc R7 240 khác từng xuất hiện tại Việt Nam, đó chính là được trang bị bộ nhớ GDDR5 thay cho GDDR3!

    Giá bán lẻ tham khảo:
    - PowerColor R7 240 1 GB GDDR5: 1.399.000 VNĐ
    - PowerColor R7 240 2 GB GDDR5: 1.499.000 VNĐ

    Các sản phẩm VGA của PowerColor hiện được phân phối bởi Công ty TNHH Công nghệ Đạt Khang - nhà phân phối được biết đến với thương hiệu Zotac.

    PowerColor R7 240 GDDR5

    Cả 2 phiên bản 1 GB và 2 GB đều sử dụng chung thiết kế cũng như bo mạch, được ký hiệu rõ ràng bằng tem gắn ở lưng card.

    PowerColor R7 240 sử dụng chung thiết kế với chiếc R7 250 của chính họ. Mặt nạ tản nhiệt đẹp khó chê, chắc chắn hơn hẳn các card đồ họa cùng phân khúc. Ở tầm này thường đều thiết kế low profile, tản nhiệt 1 slot xấu xác xơ.

    Đường nét trên mặt nạ không cầu kì nhưng vẫn có thể nhìn ra đây là sản phẩm hướng tới game thủ, dù rằng giá của nó cực kỳ thấp.

    Card có 3 cổng xuất hình là Dsub, DVI và HDMI với khả năng xuất cùng lúc 2 màn hình, hỗ trợ độ phân giải 4K.

    Board mạch cũng như tản nhiệt gần như bưng nguyên si từ R7 250 sang. Khác biệt duy nhất là số phase điện cho GPU giảm còn 1 vì R7 240 tiêu thụ rất ít điện, chỉ 30W.

    Sản phẩm giá rẻ nhưng chip nhớ thì chơi hẳn của Samsung:

    Cả 2 bản 1 GB và 2 GB đều có chung xung nhịp 880/1150 MHz, cao hơn khá nhiều so với mặc định 730/900 MHz của AMD đưa ra.

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4

    Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K

    Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866

    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

    Nguồn: 660W

    Card đồ họa:
    - Nvidia GT 730 GDDR5 64 bit (xung nhịp 902/1253 MHz)
    - Nvidia GT 740 GDDR5 (xung nhịp 993/1250 MHz)
    - AMD HD 7730 GDDR3 (xung nhịp 800/800 MHz)
    - AMD HD 7730 GDDR5 (xung nhịp 800/1125 MHz)
    - PowerColor R7 250 (xung nhịp 1100/1150 MHz)
    - PowerColor R7 240 1 GB GDDR5 (xung nhịp 880/1150 MHz)
    - PowerColor R7 240 2 GB GDDR5 (xung nhịp 880/1150 MHz)

    Phần mềm và game thử nghiệm

    - Nvidia Driver 347.88 WHQL
    - 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024)
    - 3DMark 11: Thiết lập Extreme Preset (1920 x 1080)
    - 3DMark 2013: Fire Strike
    - Batman: Origins (DX 11)
    - BioShock Infinite (DX 11)
    - Crysis 3 (DX 11)
    - Dirt 3 (DX 11)
    - Hitman Absolution (DX 11)
    - Metro: Last Light (DX 11)
    - Total War Rome 2 (DX 11)
    - Sleeping Dogs (DX 11)
    - Sniper Elite V2 (DX 11)
    - Tomb Raider (DX 11)

    Kết quả thử nghiệm

     

     

     

    Dota 2

    Một câu hỏi lớn được rất nhiều người quan tâm: Khả năng chiến Dota 2 và LoL thì sao? Rất tiếc tôi không chơi LoL nên phần hiệu năng game eSport tôi chỉ test với Dota 2. Các bạn game thủ LoL cứ xác định là FPS sẽ cao hơn vì LoL nhẹ hơn Dota 2.

    Háo hức thử ngay setting cao nhất: 100% Render Quality, Shadow High, Texture High, bật tất cả hiệu ứng (trừ khử răng cưa), độ phân giải 1920 x 1080. Tôi vẫn biết tầm này ít bạn dùng màn hình Full HD, thường chỉ là 1366 x 768 (18,5”) hay 1600 x 900 (20”) nhưng tôi lại dùng màn to, để phân giải thấp thì toét mắt mất.

    Max setting, độ phân giải Full HD mà khung hình không hề cùi chút nào! Phần lớn thời lượng game FPS đạt trên 50 kể cả combat đánh nhau. Phải đến cuối game đánh nhau trong Throne mới bị sụt xuống 36, vẫn chơi được ok. Lưu ý rằng tôi đang để phân giải Full HD, nếu hạ xuống 1600 x 900 hay 1366 x 768, FPS chắc chắn cao hơn.

    Nhiệt độ - Độ ồn

    Vào thời điểm test, nhiệt độ phòng đang là 30 độ C. Nhiệt độ hoạt động của PowerColor R7 240 GDDR5 trên benchtable:
    - Idle: 32 độ C.
    - Game: 56 độ C, fan 44%.

    Nhiệt độ như thế này là quá đạt yêu cầu đối với VGA rồi. Bên cạnh nhiệt độ tốt, quạt tản nhiệt không cần quay nhanh nên hoàn toàn êm ái.

    Kết luận

    Biểu đồ so sánh hiệu năng của PowerColor R7 240 GDDR5 với các card đồ họa trong tầm giá dưới 2,5 triệu đồng:

    Giá tham khảo (chọn phiên bản rẻ nhất):
    - PowerColor R7 240 1 GB GDDR5: 1.399.000 VNĐ
    - PowerColor R7 240 2 GB GDDR5: 1.499.000 VNĐ
    - PowerColor R7 250: 1.799.000 VNĐ
    - HD 7730 GDDR3: 1.499.000 VNĐ
    - HD 7730 GDDR5: 1.859.000 VNĐ
    - GT 730 GDDR5 64 bit: 1.659.000 VNĐ
    - GT 740: 2.189.000 VNĐ

    Lần đầu tiên ở phân khúc dưới 1,5 triệu đồng, có 1 card đồ họa mà tôi khuyên dùng tới độc giả. Ngày trước với những câu hỏi thế này, tôi thường tư vấn phương án mua đồ 2nd hoặc “cố” thêm vài trăm ngàn để có thể chơi game mà không bị toét mắt.

    Ngoại trừ chiếc R7 250 của chính PowerColor, các sản phẩm dưới 2 triệu đồng khác đều bị R7 240 GDDR5 “đập chết ăn thịt” cả về giá, p/p lẫn thiết kế. Hiệu năng sản phẩm có thể thỏa mãn đa số game trên độ phân giải 1366 x 768, thiết lập medium -> high. Với các game eSport như Dota 2 và LoL, game thủ có thể chiến max setting trên màn Full HD mà không gặp hiện tượng sụt khung hình nào đáng kể.

    PowerColor R7 240 GDDR5 có 2 phiên bản 1 GB và 2 GB, giá chênh lệch 100.000 VNĐ. Theo thử nghiệm của tôi, hiệu năng của R7 240 không cần đến bộ nhớ 2 GB, các bạn nên chọn bản 1 GB cho tiết kiệm.

    Giá bán lẻ tham khảo:
    - PowerColor R7 240 1 GB GDDR5: 1.399.000 VNĐ
    - PowerColor R7 240 2 GB GDDR5: 1.499.000 VNĐ

    Ưu:
    - Thiết kế đẹp.
    - Hiệu năng ngon, p/p tốt.
    - Tạm đủ chiến max setting Dota 2 và LoL.
    - Nhiệt độ mát, tản nhiệt êm.
    - Giá vừa tầm tay học sinh, sinh viên.

    * Xin cám ơn Công ty Máy tính Hà Nội (Hanoicomputer, 43 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) đã hỗ trợ linh kiện cho bài viết.

    Inno3D GTX 970 iChiLL Hybrid S tản nước: Hơn cả card đồ họa, đó là một thú chơi

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ