Prey 2 và bài học đau xót về văn hóa trong game

    PV, Maestro 

    Việc phần 2 của loạt game này bỏ đi hình ảnh nhân vật chính là người dân tộc thiểu số của Mỹ có thể tốt cho mặt marketing. Tuy nhiên, nó lại "tình cờ" bỏ qua một mảnh ghép không nhỏ của văn hóa và lịch sử.

    Mới đây, Bethesda Softworks đã công bố những thông tin đầu tiên về dự án Prey 2. Tựa game này sẽ được phát hành trong năm 2012 trên các hệ máy PC, PS3 và Xbox 360. Những thông tin chi tiết về game sẽ được tiết lộ trong thời gian tới trên những tạp chí game của Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, tin mừng này lại đi kèm với một tin buồn.


    Nhân vật chính mới của phần 2 không có vẻ gì giống với nhân vật gốc thổ dân da đỏ Domasi “Tommy” Tawodi của phần 1 nữa. Anh ta trông giống một gã điệp viên kiểu Sam Fisher hơn. Điều này đã khiến không ít fan của phiên bản Prey đầu tiên cảm thấy thất vọng bởi bỏ đi chất “da đỏ” trong Prey là bỏ đi một trong những yếu tố văn hóa đặc biệt nhất của nó.

    Trong những tựa game trong một thập kỷ nhìn lại, ngoại trừ những trò chơi được sản xuất bởi Nhật và một vài nước châu Á, bạn đã chẳng thể tìm được nhiều nhân vật chính mà không phải người Mỹ hoặc châu Âu. Những nhân vật người châu Á, Mexico hay thậm chí là người dân tộc thiểu số của Mỹ thì lại càng hiếm hoi. Chúng ta không thể phủ nhận rằng game đang bị áp đặt bởi một tư tưởng hờ hững của những nhà làm game Mỹ và châu Âu.


    Mọi người vẫn nói rằng trong game có rất nhiều bóng dáng của văn hóa. Mặc dù vậy, đáng buồn là yếu tố này vẫn còn quá mờ nhạt để mọi người thực sự tôn trọng giá trị của nó và game vẫn dừng lại ở ngưỡng của một sản phẩm giải trí, bất chấp việc một vài trong số đó mang tới những giá trị và triết lý cao siêu. Ở Prey 2, chúng ta đang nhìn thấy một bài học đau buồn về vấn đề này.

    Trên trang web của Kotaku, một game thủ với nicknam Jezuz đã nói với tư cách của một người dân tộc thiểu số Mỹ rằng họ đang dần biến mất khỏi lịch sử của nhân loại, bất chấp việc người da đỏ mới chính là những người đầu tiên xây dựng châu Mỹ. Tất cả những gì mọi người biết về họ của ngày hôm nay chỉ là người da đỏ đã thất bại trước sự xâm lăng của những kẻ đến từ châu Âu, chưa nói đến việc hành động đó là diệt chủng.


    Chính vì thế, việc Prey của năm 2006 sử dụng một nhân vật chính là người gốc thổ dân da đỏ tuy không nói lên nhiều nhưng cũng nhắc nhở mọi người về sự tồn tại của dân tộc này. Đối với những game thủ như Jezuz, thà có một ví dụ nho nhỏ như Tommy vẫn còn hơn là không có gì. Thế nhưng, khi Prey 2 thay đổi để phù hợp với thị hiếu của số đông thì điều này đã không còn tồn tại.

    Một vài game thủ khác cũng nói lên ý kiến tương tự. Không chỉ riêng các game được làm bởi người Mỹ thể hiện sự đóng kín về văn hóa của họ mà châu Âu cũng vậy. Các tựa game nhập vai với phong cách fantasy đến từ xứ sở này cũng không chịu tiếp nhận các luồng văn hóa từ bên ngoài và “khư khư” với trí tưởng tượng vốn có trong nhiều năm liền.


    Khi nhận xét vấn đề này trên phương diện của thị trường và game nói riêng, Prey 2 không sai khi thay đổi nhân vật chính để có thể thu hút nhiều game thủ hơn. Tuy nhiên, khi đánh giá trên khía cạnh văn hóa thì đây lại là một việc đáng buồn. Nếu bạn chỉ coi game là một thứ giải trí thì sự tồn tại của thổ dân da đỏ trong Prey có hay không cũng chẳng quan trọng.

    Chỉ có điều, những nhà làm game mong mỏi đưa loại hình mà mình đang gắn bó vươn lên một tầm cao mới và hy vọng nó sẽ được xã hội đối xử nghiêm túc hơn sẽ phải thất vọng. Khi game cứ đưa ra những góc nhìn phiến diện và sai sự thật về văn hóa và những giá trị tốt đẹp đang dần bị chìm vào sự quên lãng thì sẽ không chỉ riêng mình họ là người cảm thấy đau xót.


    NỔI BẬT TRANG CHỦ