PS4, Xbox One giúp AMD nhìn thấy tương lai tươi sáng

    MT,  

    (GenK.vn) - AMD có lãi 89 triệu USD trên doanh thu 1,589 tỷ USD trong quý IV năm tài khóa 2013.

    2013 có thể coi là một năm đầy nỗ lực của nhà sản xuất chip AMD. Sau quý II thua lỗ 29 triệu USD, AMD đã có lãi ở quý sau đó, dù số lãi là không nhiều với 48 triệu USD. Sang quý VI năm 2013, nhờ những bản hợp đồng sản xuất phần cứng cho các máy chơi game Wii U, Xbox One, và PS4, AMD đã có một bản báo cáo tài chính đẹp hơn. Công ty lãi 89 triệu USD trong quý trên doanh thu 1,589 tỷ USD. So với quý IV năm 2012, đây là một nỗ lực không nhỏ của công ty. Cách đây 1 năm, hãng đang thua lỗ tới 422 triệu USD trên doanh thu 1,155 tỷ USD.

    Theo công bố tài chính của AMD, mảng Graphical and Visual Solutions (tạm dịch: Đồ họa và giải pháp hình ảnh) bao gồm các sản phẩm GPU cho laptop, desktop, máy trạm, console, đã giúp AMD lãi 121 triệu USD (trên doanh thu 865 triệu USD). Trong quý III, mảng này lãi 79 triệu USD trên doanh thu 671 triệu USD, còn năm ngoái mảng Graphical and Visual Solutions chỉ lãi 22 triệu USD trên doanh thu 326 triệu USD.

    Trái ngược với thành công ở mảng GPU, mảng CPU của AMD lại đi xuống. Bộ phận Computing Solutions (tạm dịch: Giải pháp điện toán) bao gồm các sản phẩm chip x86, APU, chipset, chip nhúng, microserver, thua lỗ 7 triệu USD trên doanh thu 722 triệu USD. Mặc dù lỗ 7 triệu USD nhưng so với khoản lỗ 323 triệu USD cách đây 1 năm, thì đây có thể cũng được xem là một nỗ lực của mảng Computing Solutions.

    Quý IV/2013 cũng là quý thứ 2 liên tiếp AMD có lãi. Trong quý III hãng cũng lãi 48 triệu USD trên doanh thu 1,461 tỷ USD. Tuy nhiên tính tổng cả năm tài khóa 2013, AMD vẫn lỗ 74 triệu USD (trên doanh thu 5,299 tỷ USD). CEO Rory Read của AMD cho biết mục tiêu của hãng là sẽ có lãi trong năm tài khóa tiếp theo. Và AMD tin rằng họ sẽ làm được bằng cách tiếp tục đầu tư vào các thị trường hiện tại đồng thời tìm kiếm các thị trường mới. Một trong các thị trường mới này sẽ là sản xuất các mẫu chip ARM dòng Opteron sẽ ra mắt trong 2014.

    Theo: Arstechnica