Theo ghi nhận, vị trí đầu bảng của những đại gia trong làng di động thế giới gần như không có nhiều sự thay đổi so với năm 2014.
Có thể nói, 4 tháng đầu năm nay được coi là một trong những thời điểm sôi động nhất của năm 2015 với sự thoát xác của nhiều thương hiệu lớn nhỏ. Trong đó, vị trí đầu bảng của những đại gia trong làng di động thế giới gần như không có nhiều sự thay đổi so với năm 2014. Vậy thực hư cuộc đua này ra sao, đâu là những điểm nhấn của các công ty như Apple, Samsung, Sony, HTC và Microsoft trong Q1/2015 này?
1. Apple: vẫn là kẻ dẫn đường
Có thể nói, 2014 là một năm cực kỳ thành công với Apple và cả chiếc iPhone 6 thế hệ mới, đặc biệt, cho tới tận Q1/2015 này, thiết bị vẫn được suy tôn làm "ông trùm" trong làng di động thế giới. Cụ thể, báo cáo Mobility Index của công ty quản lý thiết bị di động Good Technology cho biết, tính cho tới thời điểm Q4/2014, các sản phẩm chạy iOS được bán ra đã gấp 3 lần các thiết bị chạy Android, trong khi đó, số còn lại là từ Windows Phone và BlackBerry OS.
Chưa hết, nếu Apple iPhone 6 là chiếc điện thoại được bán ra nhiều nhất trong năm 2014 thì Q1/2015 cũng không phải là ngoại lệ. Các số liệu chỉ ra rằng, iPhone 6 và iPhone 6 Plus đã chiếm khoảng 30% doanh số các thiết bị được kích hoạt kích hoạt mới chỉ trong 4 tháng cuối năm ngoái, trong đó tỷ lệ giữa 2 đại diện này là 1:4. Do đó, sang tới đầu năm 2015, cục diện thị trường di động sẽ rất khó có chuyển biến dù bộ đôi Galaxy S6 và S6 edge đã chính thức được lên kệ.
Còn như Apple Watch, không lâu sau khi được bán ra, chiếc smartwatch này đã ngay lập tức cháy hàng. Hiện tại, mua được Apple Watch là điều bất khả thi, bởi các website bán lẻ của Apple đã đưa ra thông báo rằng nếu muốn mua các mẫu Apple Watch Sport của Apple, người dùng sẽ phải đợi tới tháng 6. Thậm chí tại Trung Quốc, phiên bản Apple Watch đắt nhất với giá 20.000 USD đã nhanh chóng hết hàng chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ, dù trước đó, đã xuất hiện rất nhiều chỉ trích xung quanh sản phẩm này.
2. Samsung: ve sầu thoát xác
Nếu nhìn lại những báo cáo tài chính trong năm ngoái, chúng ta sẽ thấy năm 2014 không phải là thời điểm đáng để vui với Samsung. Thế nhưng, có vẻ như mọi chuyện sẽ khác khi nhà sản xuất Hàn Quốc tung ra bộ đôi smartphone siêu phẩm Galaxy S6 và Galaxy S6 edge với thiết kế kim loại hoàn toàn mới, đi kèm với những nâng cấp cấu hình đáng giá. Và minh chứng là ngay sau khi được công bố, hãng đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới công nghệ và phía người dùng.
Với những tín hiệu đáng mừng trong dịp đầu năm, mới đây, hãng đã kỳ vọng sẽ cán mốc 55 triệu chiếc trong năm nay. Còn theo ghi nhận, Galaxy S6 và Galaxy S6 edge đã được bán ra tại 20 quốc gia vào ngày 10/4 vừa qua, trong khi đó thị trường Trung Quốc sẽ phải đợi đến ngày 17/4. Samsung kỳ vọng với việc thay đổi thiết kế truyền thống của dòng smartphone Galaxy sẽ giúp thu hút khách hàng hơn, đặc biệt là chiếc Galaxy S6 edge với màn hình vát vong ở cả hai cạnh.
Không chỉ vậy, với việc tự sản xuất các bộ vi xử lý và chip modem riêng cho cả hai chiếc flagship này, Samsung sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận do không phải nhập các linh kiện này từ nhà cung cấp khác, trước đây là Qualcomm. Giám đốc kinh doanh mảng điện thoại di động của Samsung, ông Lee Sang-Chul cho biết: "Với các phản hồi tích cực từ thị trường và người tiêu dùng, chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được doanh số bán hàng kỷ lục với Galaxy S6 so với các sản phẩm Galaxy S trước đây".
3. Sony: khẳng định không "bán mình"
Theo những báo cáo mới đây, có vẻ như Sony đã và đang hạ chỉ tiêu bán hàng trong năm tài chính 2015 xuống còn 38 triệu chiếc smartphone, sau những sóng gió với mảng di động. Theo đó, nếu so sánh với năm 2014, con số kỳ vọng mà hãng này đặt ra đã giảm khoảng 1,2 triệu thiết bị. Được biết, đây chính là kế hoạch tái cấu trúc Sony được CEO Kazuo Hirai đặt ra nhằm duy trì sự ảnh hưởng của các smartphone Sony trên thị trường di động thế giới.
Đặc biệt, trong năm 2015 này, hãng sẽ tập trung vào những sản phẩm cao cấp, như chiếc Xperia Z4 thay vì các smartphone tầm trung và giá rẻ, nơi không được coi là thế mạnh của hãng. Tuy nhiên, mới đây, Phó chủ tịch Global Communications & PR tại Sony Mobile, Tim Harrison cho biết rằng: "Chúng tôi muốn công ty phát triển trong thời kỳ khó khăn này, do đó tất cả các ý kiến đều được đưa ra tham khảo. Nhưng trên hết Sony Mobile không phải để bán".
Trên thực tế, Sony đang gặp rất nhiều khó khăn khi các sản phẩm cao cấp như Xperia Z không thể cạnh tranh được với iPhone, trong khi đó các dòng sản phẩm tầm trung vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất smartphone giá rẻ đến từ Trung Quốc, như Huawei, Xiaomi và Lenovo. Sony gặp phải tình trạng giống với Samsung hiện nay, tuy nhiên Samsung còn có mảng kinh doanh chip xử lý và màn hình vẫn có doanh thu tốt.
4. HTC: năm mới khởi sắc
Những tưởng HTC sẽ trở nên lép vế so với các đối thủ như Apple hay Samsung trên thị trường di động, nhưng theo báo cáo mới đây, có vẻ Q1/2015 lại là thời điểm vàng đối với nhà sản xuất đến từ Đài Loan. Được biết, trong 3 tháng đầu năm 2015, doanh thu mà HTC đạt được là vào khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kì năm ngoái. Còn nếu xét về lợi nhuận ròng sau thuế, thì HTC cũng thu về khoảng 11,6 triệu USD, khởi sắc hơn so với khoảng lỗ 60 triệu USD so với cùng kì năm noài.
Tất nhiên, với những con số khả quan này, nhà sản xuất Đài Loan đã cho thấy bộ mặt khác của mình, vùng lên sau những năm tháng bị "xếp vào hạng 2". Đặc biệt, cũng nhờ có Q1/2015 "ăn nên làm ra", HTC mới chính thức có quý tăng trưởng sau 3 năm lợi nhuận giảm mạnh. Được biết, một phần của những thay đổi đáng mừng này là nhờ có xuất hiện của chiếc siêu phẩm một thời là HTC One M8 và người kế nhiệm được ra mắt cách đây không lâu là One M9.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nói rằng, chính bởi kế hoạch chuyển trọng tâm từ smartphone sang các sản phẩm công nghệ đi kèm như camera selfie cầm tay RE hay kính thực tế ảo Vive VR, HTC đã thoát khỏi "kiếp nghèo" ba họ. Thế nhưng, nói vậy không có nghĩa nhà sản xuất Đài Loan có thể gác tay mà thoải mái hưởng thụ, trong bối cảnh mà hãng này liên tục đưa ra các động thái thay "tướng" như trường hợp của cựu CEO Peter Chou và Jonah Becker, người đứng đầu bộ phận thiết kế của công ty.
5. Microsoft: chờ đợi một cơn mưa
Hiện tại, mỗi cổ phiếu Microsoft trên thị trướng có trị giá 40 USD. Các nhà đầu tư đang lo lắng và tự hỏi tại sao giá trị của gã khổng lồ phần mềm này liên tục tụt dốc không phanh kể từ tháng 11 năm ngoái. Khi mà mỗi cổ phiếu của Microsoft có giá 50 USD, cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Chưa dừng lại ở đó, các chuyên gia của Công ty đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs tin rằng giá cổ phiếu của Microsoft sẽ còn tiếp tục giảm và chạm mốc 38 USD trong vòng 1 năm tới.
Trước tiên đó là hệ điều hành Windows đang đối mặt với nhiều khó khăn so với năm ngoái, khi các doanh nghiệp phải đổ xô đi cập nhật cho hệ điều hành XP cũ, sau khi Microsoft chính thức không hỗ trợ cho hệ điều hành này. Việc bán các phần mềm doanh nghiệp cho các công ty chính là nguồn lợi nhuận chính của Microsoft, khi mà chiếm tới 51% doanh thu và 66% lợi nhuận của công ty này. Thì hiện nay việc bán các phần mềm doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, sau khi Microsoft tăng giá khá cao đối với các sản phẩm này.
Với việc ra mắt Windows 10 dù rất được mong đợi và dự đoán đem lại nhiều dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, quyết định cho phép nâng cấp miễn phí lên Windows 10 của Microsoft sẽ khiến cho công ty mất đi một khoản doanh thu khổng lồ như trước đây. Trong khi doanh thu đang đi xuống, Microsoft không có bất kỳ kế hoạch cắt giảm chi phí hoạt động nào nhằm bù đắp lại. Công ty không thể sa thải các nhân viên, mà ngược lại còn phải tăng lương để giữ chân những chuyên gia công nghệ của mình.
Tổng hợp
>> CEO Tim Cook: Apple luôn dẫn đường, đừng bao giờ hỏi chúng tôi tại sao bạn cần sản phẩm này
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"