Theo những báo cáo mới đây từ TrendForce, thị phần smartphone của Huawei tại Trung Quốc đã cán mốc 18,7%, tăng nhẹ so với quý tài chính trước.
Có một thực tế không thể phủ nhận, thị trường Trung Quốc đã và đang trở thành mảnh đất rất màu mỡ đối với nhiều hãng điện thoại trên toàn cầu. Sau sự thống trị của Apple, Samsung, thị trường này chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các đại diện trong nước như Huawei, Vivo hay Xiaomi.
Liên tục trong thời gian gần đây, ngôi vương của làng di động Trung Quốc đang được chuyển giao cho 2 nhà sản xuất là Xiaomi và Huawei. Vào Q2/2015, Xiaomi đã nhanh chóng vươn lên ngôi vị đầu bảng, vượt qua lần lượt Huawei, Apple hay Samsung, với thị phần lên tới 18%.
Thế nhưng, theo những báo cáo mới đây từ TrendForce, một lần nữa, Huawei lại khẳng định mình là nhà sản xuất hàng đầu tại quê nhà. Cụ thể, trong Q3/2015 vừa qua, thị phần của Huawei tại Trung Quốc đã cán mốc 18,7%, gần tương đương với con số mà Xiaomi đạt được trong quý tài chính trước.
Về cơ bản, đây là một tín hiệu vui cho thương hiệu Hoa Vĩ, tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, đây lại là vấn đề đáng quan ngại cho toàn thị trường di động tỷ dân. Bởi mức độ tăng trưởng giữa các quý tài chính gần đây của thị trường Trung Quốc là không đáng kể.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng không thấy được sự bứt phá nào trong danh sách 5 nhà sản xuất Trung Quốc lớn nhất. 5 cái tên hàng đầu trong Q2/2015 là Xiaomi, Huawei, Lenovo, TCL và OPPO. Tương tự trong quý này, thứ tự top 5 gần như được giữ nguyên.
Nhận định về tình hình kinh doanh trong Q3/2015, chuyên gia của TrendForce khẳng định: "Huawei đang cho thấy tiềm lực của một ông lớn trong làng di động Trung Quốc. Với mục tiêu vận chuyển khoảng 100 triệu thiết bị mỗi năm, sẽ không bất ngờ gì khi Huawei đồng thời là một 1 trong 5 nhà sản xuất lớn nhất thế giới."
Hiện nay, thương hiệu smartphone Huawei đã có mặt tại hơn 74 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ cũng như các quốc gia châu Âu. Mục đích là để nhà sản xuất này tăng cường sự hiện diện trên thị trường hiện có, hơn là tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động.
Bởi theo các chuyên gia, Huawei chỉ thực sự có tiếng nói tại Trung Quốc và các thị trường di động mới nổi. Trong khi đó, tại nước Mỹ, một đất nước nặng về vấn đề bản quyền, cũng như những tấm bằng sáng chế danh giá, Huawei gần như lặn mất tăm bởi các rào cản về pháp lý.
Mới đây nhất, nhà sản xuất Trung Quốc còn bắt tay với Google để tạo ra mẫu Nexus 6P, nhằm đưa thương hiệu của mình tới người dùng Mỹ, vốn là thị trường rất khó tính. Theo các chuyên gia, đây được xem là một bước đi khôn ngoan của Huawei, qua đó, công ty hy vọng, sẽ sớm thuyết phục được người dùng Mỹ hướng tới các sản phẩm của mình, thay vì chỉ xoay quanh Apple và Samsung như hiện nay.
Tham khảo: Gizmochina
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?