Để chuẩn sạc không dây này trở nên phổ biến hơn tới người dùng, có lẽ vẫn phải cần ít nhất là một năm nữa.
Qi2, thế hệ tiếp theo của chuẩn sạc không dây, từng được kỳ vọng sẽ mang đến sự thống nhất cho ngành công nghiệp di động. Tuy nhiên, hai năm sau khi được công bố, Qi2 vẫn chưa thể hiện được những lợi ích mà nó từng hứa hẹn. Ngay cả khi có sự tham gia của hai thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới là Samsung và Apple, tình trạng phân mảnh và thiếu nhất quán của Qi2 vẫn khiến thị trường rơi vào hỗn loạn.
Sự phức tạp của chuẩn Qi và sự ra đời của Qi2
Qi là tiêu chuẩn sạc không dây chung mà hơn 300 công ty đã đồng thuận. Tuy nhiên, cũng giống như chuẩn USB-C, việc đồng thuận trên lý thuyết không đồng nghĩa với việc tất cả các thiết bị đều hoạt động giống nhau. Các nhà sản xuất có xu hướng tùy chỉnh công nghệ của riêng mình, dẫn đến sự thiếu nhất quán trong tốc độ sạc và cách thức vận hành.
Qi2 ra đời với hy vọng giải quyết vấn đề này. Một trong những điểm nổi bật nhất của Qi2 là Magnetic Power Profile (MPP), tính năng dựa trên MagSafe của Apple, giúp thiết bị tự căn chỉnh với bộ sạc bằng nam châm để tăng hiệu suất sạc. Tuy nhiên, quá trình triển khai Qi2 đã không diễn ra suôn sẻ.

Chuẩn sạc không dây Qi2 lấy cảm hứng từ công nghệ sạc MagSafe của Apple - Ảnh: MacWorld
Ba cấp độ Qi2 và sự "lúng túng" của các nhà sản xuất
Thay vì đơn giản hóa, Qi2 hiện tại lại bị chia thành ba cấp độ khác nhau:
1. Thiết bị hỗ trợ Qi2 đầy đủ: có nam châm tích hợp và hỗ trợ tốc độ sạc nhanh nhất theo tiêu chuẩn.
2. Thiết bị hỗ trợ Qi2 nhưng không có nam châm: vẫn đảm bảo tương thích nhưng không có lợi ích về căn chỉnh từ tính.
3. Thiết bị "Qi2-Ready": tức là chỉ hỗ trợ khi kết hợp với vỏ ốp có nam châm tương thích.
Samsung là một ví dụ điển hình của cấp độ thứ ba. Dòng Galaxy S25 dù được quảng bá là hỗ trợ Qi2 nhưng thực tế chỉ là "Qi2-Ready", yêu cầu người dùng phải sử dụng ốp lưng có nam châm mới có thể tận dụng các lợi ích của Qi2. Trong khi đó, OnePlus 13 lại sử dụng công nghệ AirVOOC 50W, có nam châm tương thích nhưng không được chứng nhận Qi2, khiến người dùng càng khó phân biệt.

Galaxy S25 series không hỗ trợ Qi2 hoàn toàn mà chỉ là "Qi2-Ready" - Ảnh: Internet
Tốc độ sạc không dây: Apple và OnePlus vẫn dẫn đầu
Một trong những kỳ vọng lớn của Qi2 là tốc độ sạc nhanh hơn. Tuy nhiên, ngoài iPhone 16 (hỗ trợ sạc 25W qua MagSafe), hầu hết các điện thoại hỗ trợ Qi2 đều chỉ đạt tốc độ 15W, một con số quá khiêm tốn so với các công nghệ độc quyền.
Ví dụ, OnePlus 13 và OPPO Find X8 Pro với sạc AirVOOC 50W có thể sạc đầy pin trong 70 phút, nhanh gấp gần 3 lần so với tốc độ sạc không dây của Galaxy S25 Ultra. Dù không đạt chuẩn Qi2, công nghệ của OPPO và OnePlus vẫn mang lại trải nghiệm tốt hơn nhiều so với những gì Qi2 đang cung cấp.

Điện thoại OnePlus hỗ trợ sạc không dây lên tới 50W, nhưng là sử dụng công nghệ sạc nhanh riêng chứ không phải chuẩn chung - Ảnh: Digital Trends
Tương lai của Qi2: Cần một hướng đi rõ ràng
Dù Qi2 mang đến những lợi ích nhất định, nhưng thực tế vẫn chưa đạt được sự thống nhất cần thiết. Việc một số hãng như Apple và Samsung tham gia không đồng nghĩa với việc tiêu chuẩn này sẽ sớm trở nên phổ biến hay thực sự tối ưu.
Với tình trạng phân mảnh như hiện nay, nhiều khả năng Qi2 chỉ có thể thực sự phổ biến nếu Samsung hoặc một thương hiệu lớn khác chấp nhận tích hợp hoàn toàn vào thế hệ flagship tiếp theo của họ. Nhưng với tốc độ triển khai chậm như hiện tại, viễn cảnh đó có thể sẽ phải chờ thêm ít nhất một năm nữa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Kỷ lục: Bệnh nhân ung thư di căn xương vẫn sống khỏe sau 19 năm nhờ liệu pháp đột phá này, Việt Nam cũng có thể điều trị, giá chỉ 1,5 tỷ đồng
Tại Mỹ, những liều thuốc này đang được bán với giá lên tới 475.000 USD, tương đương hơn 12,1 tỷ VNĐ.
Hóa ra iPhone cũng có Circle to Search, nhưng mà dùng thì hơi... lạ