Bảy cặp tàu viên đạn Fuxing của Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động trên tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải vào ngày 21/9/2017, với tốc độ 350 km/h. Bắc Kinh – Thượng Hải là một trong những tuyến đường sắt nhộn nhịp nhất ở Trung Quốc, phục vụ khoảng 505.000 hành khách mỗi ngày.
Theo đó, Trung Quốc đã tăng tốc độ tối đa của tàu viên đạn cho tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải lên 350 km/h. Loại tàu mới này có tên gọi là "Fuxing" (tạm dịch là Phục Hưng) mang ý nghĩa "Trẻ hóa", được coi là tàu hỏa thương mại nhanh nhất trên thế giới.
Tàu Fuxing với tốc độ 350 km/h đi vào hoạt động đã giúp giảm thiểu thời gian đi lại giữa Thượng Hải và Bắc Kinh từ 4 tiếng 49 phút xuống còn 4 tiếng 28 phút. Trước kia, vào những năm 1990, chặng đường dài 1.318 km giữa hai thành phố lớn này có thể mất tới 1 ngày 1 đêm.
Được công bố hồi tháng 6/2017, loạt tàu viên đạn mới Fuxing, sản phẩm hoàn toàn do các kỹ sư Trung Quốc thực hiện, có thể đạt tốc độ cao nhất là 400 km/h.
Trung Quốc dự tính sản xuất hàng loạt tàu Fuxing trong tương lai để thay thế cho những con tàu cao tốc Hexie đã lỗi thời. Đây được coi như một bước ngoặt lớn đối với dịch vụ đường sắt thương mại của thế giới.
Nếu chạy với tốc độ tối đa 400 km/h, thì có nghĩa là hành khách chỉ mất khoảng 1 giờ 14 phút để di chuyển từ London đến Paris.
Hiện nay, Fuxing có hai mẫu tàu mang tên là CR400AF và CR400BF. Loạt tàu Fuxing siêu nhanh được thiết kế đẹp mắt, tiện nghi hơn so với các mẫu tàu trước đó. Cụ thể, Fuxing nổi bật nhờ cung cấp phủ sóng Wi-Fi miễn phí và có thiết kế thêm khoảng duỗi chân rộng rãi ở tất cả các khoang.
Hơn nữa, hệ thống theo dõi tích hợp trên con tàu Fuxing được mô tả là "tinh vi" và rất nhạy. Hệ thống đặc biệt này có khả năng tự động giảm tốc độ của tàu trong trường hợp khẩn cấp hoặc tình trạng bất thường.
Do đó, độ an toàn của con tàu được đánh giá rất cao, vượt trội hơn nhiều mẫu tàu trong quá khứ.
Hé lộ bí mật "đen tối" của con tàu mới ra mắt
Nhiều người không biết rằng để thiết kế thành công con tàu Fuxing đạt tốc độ 350 km/h như hiện nay, dịch vụ Đường sắt Trung Quốc đã trải qua sự cố đáng tiếc vào ngày 23/7/2011.
Theo đó, loạt tàu Hexie (tiền thân của Fuxing) cũng từng thử nghiệm chạy với vận tốc 350 km/h nhưng gây ra tai nạn đường sắt thảm khốc ở Ôn Châu (Chiết Giang) khiến cho 40 người thiệt mạng và ít nhất 192 người bị thương, trong đó có 12 người bị thương nặng.
Nguyên nhân xảy ra tai nạn đường sắt "rúng động" thế giới này ban đầu được cho là do tàu cao tốc D3115 đang đi từ Hàng Châu tới thành phố Ôn Châu (Chiết Giang) thì bị sét đánh trúng, gặp phải sự cố mất điện nên phải dừng đột ngột trên đường ray Shuangyu.
Trong khi đó, con tàu D302 chạy theo hướng Bắc Kinh – Phúc Châu khi tới đây đã đâm vào phía sau của tàu D3115. Do đó, tai nạn đáng tiếc đã xảy ra khiến 4 toa của đoàn tàu D301 bị văng ra khỏi cầu cạn và hai toa của tàu D3115 cũng bị trật ra khỏi đường ray.
Vụ tai nạn kinh hoàng không chỉ gây ra thương vong lớn mà còn khiến cho hàng loạt tàu cao tốc phải hủy bỏ chuyến đi. Tuy nhiên, sau khi điều tra vụ việc, nguyên nhân thực sự khiến con tàu cao tốc gặp tai nạn thảm khốc là do sai lầm trong thiết kế và công tác quản lý "lỏng lẻo".
Sự vụ này đã giáng một đòn mạnh vào việc phát triển tàu tốc độ cao ở Trung Quốc và buộc những nhà đầu tư và giới chức liên quan phải thay đổi thiết kế và coi trọng an toàn của hành khách lên hàng đầu. Sau sự cố này, những con tàu Hexie chỉ được chạy với vận tốc 300 km/h để đảm bảo an toàn.
Để đạt tới thành công của tàu Fuxing, các công ty Trung Quốc đã mất tới 13 năm học hỏi kinh nghiệm từ công nghệ sản xuất tàu cao tốc từ những quốc gia phát triển như Nhật Bản, Pháp, Đức và Canada.
Nguồn nhân lực để sản xuất tàu Fuxing cũng rất lớn với nhiều công nhân từ hơn 20 công ty hợp thành một đội ngũ nòng cốt để chế tạo tàu Fuxing. Mẫu tàu này được phát triển và hoàn thành trong thời gian ba năm. Hiện tại, đơn vị vận hành tàu cao tốc mới này là Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Sau sự cố đường sắt chấn động, các nhà chức trách Trung Quốc đặc biệt chú trọng và nhấn mạnh về độ an toàn của tàu Fuxing ngay khi ra mắt.
Tân Hoa Xã đưa tin, các tàu đạn mới được thiết kế hơn 2.500 bộ cảm biến, nhiều hơn 500 so với các mẫu tàu trước đó. Những cảm biến này rất nhạy, thu thấp 1.500 chỉ số theo thời gian thực từ tất cả các toa tàu.
Nếu xảy ra sự cố ở hệ thống phanh hoặc điều hòa nhiệt độ, chuông báo động sẽ ngay lập tức được kích hoạt và đoàn tàu cao tốc có thể tự dừng để đảm bảo an toàn.
Chính thức đi vào hoạt động vào ngày 21/9/2017, Fuxing nhận được nhiều ý kiến khen ngợi của hành khách về khả năng chạy với tốc độ cao nhưng rất êm ái.
Một hành khách chia sẻ về khả năng "tĩnh" tuyệt vời trên tàu. Cụ thể, dù đặt nhiều đồ vật bên cửa sổ, nhưng chúng vẫn đứng yên dù tàu chạy với tốc độ tới 350 km/h.
Có vẻ như sau vụ tai nạn đường sắt thương tâm vào 2011, Trung Quốc đã chú trọng hơn nhiều vào việc đảm bảo an toàn song song với việc gia tăng tốc độ cho những con tàu vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, dù tự tay thiết kế con tàu 350 km/h nhưng hình như Trung Quốc vẫn chưa hài lòng và muốn thiết kế thế hệ tàu cao tốc chạy nhanh hơn với tốc độ 600 km/h.
Trước đó, vào đầu tháng 9/2017, Tập đoàn khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) thông báo sẽ nghiên cứu phát triển một mạng lưới đường sắt trong tương lai có tên gọi HyperFlight cho phép các tàu "bay" trên đệm từ với tốc độ có thể đạt tối đa là 4000 km/h.
Nếu trở thành hiện thực, siêu xe lửa này có thể di chuyển nhanh gấp 4 lần tốc độ của máy bay thương mại như Airbus A380, Boeing 787 và gấp 3 lần tốc độ âm thanh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"