Qualcomm Q4/2016: Doanh thu 6,2 tỷ USD, lợi nhuận kỷ lục 1,6 tỷ USD, nhưng gã khổng lồ chip di động vẫn đang lo sợ
Qualcomm có một quý kinh doanh thành công ngoài mong đợi, nhưng đây không phải lúc để ăn mừng.
Qualcomm đang thống trị thị trường chip xử lý di động, với dòng sản phẩm cao cấp Snapdragon 820 được rất nhiều hãng smartphone Android sử dụng. Các thỏa thuận cấp bằng sáng chế mới tại Trung Quốc cũng giúp Qualcomm đạt được một quý tài chính ngoài mong đợi.
Trong Q4 năm tài chính 2016 vừa kết thúc vào ngày 25 tháng 9, tổng doanh thu của Qualcomm đạt 6,2 tỷ USD và lợi nhuận ròng đạt 1,6 tỷ USD. Trong khi các nhà phân tích Phố Wall chỉ dự báo doanh thu 5,8 tỷ USD.
CEO Steve Mollenkopf cho biết: “Lợi nhuận của quý tài chính thứ 4 vượt xa những gì chúng tôi mong đợi. Phần lớn nhờ doanh số chip xử lý di động tăng mạnh mẽ và thị trường Trung Quốc khởi sắc”.
Bên cạnh sản xuất chip xử lý, một mảng kinh doanh khác cũng đem lại lợi nhuận lớn cho Qualcomm là cấp bằng sáng chế cho các nhà sản xuất khác. Trong quý vừa qua, Qualcomm đã đạt được thỏa thuận cấp bằng sáng chế với hàng loạt nhà sản xuất smartphone tại Trung Quốc. Hiện tại, Qualcomm đã ký hợp đồng với 9 trên 10 nhà sản xuất lớn nhất tại đây.
Qualcomm vẫn lo sợ điều gì đó
Mặc dù kết quả kinh doanh Q4/2016 vượt ngoài mong đợi, nhưng gã khổng lồ chip di động vẫn đang lo sợ một điều gì đó. Dự đoán kết quả kinh doanh quý tiếp theo của Qualcomm là thấp hơn rất nhiều so với nhận định của Phố Wall.
Qualcomm dự đoán doanh thu Q1/2017 chỉ đạt 5,7 tỷ USD, trong khi Phố Wall nhận định con số này là 6,15 tỷ USD. Sự sụt giảm phần lớn do thị trường smartphone toàn cầu đang chững lại, ảnh hưởng lớn tới mảng kinh doanh chip xử lý di động của Qualcomm.
IDC cho biết thị trường smartphone toàn cầu chỉ tăng trưởng 1% trong quý vừa qua, tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong vài năm trở lại đây. Tổng kết năm tài chính 2016 của Qualcomm cũng không thực sự ấn tượng, khi doanh thu đạt 23,6 tỷ USD và giảm 7% so với năm 2015.
Không chỉ lo sợ thị trường smartphone sụt giảm, Qualcomm còn đang phải lo lắng các đối thủ cạnh tranh của mình. Đầu tiên chính là Intel, khi mà nhà sản xuất chip máy tính này bất ngờ tuyên bố sẽ sản xuất chip di động dựa trên kiến trúc của ARM.
Intel cũng đã cướp mất thị phần chip modem của Qualcomm, khi ký được hợp đồng cung ứng chip modem cho iPhone 7 và iPhone 7 Plus của Apple.
Chưa hết, các hãng smartphone đang chạy theo xu hướng tự sản xuất chip xử lý cho riêng mình. Samsung và Huawei là một ví dụ, trong thời gian tới có thể sẽ là cả Google và LG. Con chip Kirin 960 mới của Huawei cũng được đánh giá rất cao và hứa hẹn sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh khó nhằn của dòng chip Snapdragon cao cấp.
Tương lai sẽ không phải là smartphone
Mới đây, Qualcomm đã bỏ ra tới 47 tỷ USD để thâu tóm hãng sản xuất chip NXP, hãng sản xuất chip cho các hệ thống ô tô và bảo mật. Đây là một động thái cho thấy Qualcomm đang tìm một hướng đi mới, không phải là smartphone.
Đó có thể là xe tự lái và các con chip có tính năng bảo mật cao, xu hướng công nghệ mới đang rất được quan tâm. Khi mà thị trường smartphone đang có dấu hiệu bão hòa và chững lại, việc đi tìm một hướng đi mới ngay lúc này là cần thiết.
Do đó mà ngay lúc này, Qualcomm vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Thế giới công nghệ là một thế giới luôn thay đổi với tốc độ chóng mặt. Ngày hôm nay Qualcomm là ông hoàng, có thể ngày mai đã không còn được một ai nhắc tới.
Tham khảo: sandiegouniontribune
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI