Quán cà phê robot cho phép làm việc từ xa

    Hoài Vy,  

    TP - Thay vì thay thế người lao động, những chú robot của nhà phát minh Kentaro Yoshifuji cho phép mọi người làm việc tại quán cà phê Dawn từ bất kỳ nơi nào trên thế giới.

    Nhật Bản đang cạn kiệt nguồn lao động. Với tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,5 % dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh giảm, việc tìm người đảm nhiệm các vai trò như tài xế taxi, nhân viên pha chế và bồi bàn là thách thức lớn đối với nền kinh tế của đất nước.

    Quán cà phê robot cho phép làm việc từ xa- Ảnh 1.

    Ông Kentaro Yoshifuji

    Một nhà phát minh đã tạo ra giải pháp không chỉ cho phép người khuyết tật tiếp cận nhiều nơi làm việc hơn, mà còn giúp khắc phục cảm giác cô đơn. Tại quán cà phê Dawn ở trung tâm Tokyo, một robot chào đón thực khách bước vào cửa. Robot này có giọng nói thân thiện và khuôn mặt được mô phỏng theo mặt nạ Noh trong nhạc kịch truyền thống Nhật Bản. Một robot khác dẫn thực khách tới bàn, ghi đơn và trò chuyện thân thiện về Tokyo với khách du lịch. Cuối cùng, robot thứ ba mang cà phê cho họ trên một cái khay.

    Là một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này kể từ những năm 1970, Nhật Bản có nhiều quán cà phê robot khác nhau. Tuy nhiên, trong khi những nơi khác tận dụng sự tự động hóa của máy móc chạy bằng AI , thì mỗi chú robot tại Dawn đều được điều khiển bởi một con người.

    Sử dụng điện thoại, máy tính bảng hoặc thậm chí chỉ với cái liếc mắt, một “phi công” - theo cách gọi của nhà sáng tạo Kentaro Yoshifuji - có thể điều khiển chú robot OriHime của mình từ bất kỳ đâu trên thế giới, tương tác với khách hàng qua chúng và di chuyển trong quán cà phê.

    Ông Yoshifuji không nói đã phát minh một con robot - mà ông đã phát minh “dịch chuyển tức thời”. Mặc dù khâu chuẩn bị đồ ăn và đồ uống vẫn chủ yếu do con người thực hiện, robot và phi công chiếm một phần lớn đội ngũ nhân viên tại Dawn - với 90 người trong danh sách của công ty. Điều đó có nghĩa là nếu có khoảng năm nhân viên có mặt tại quán cà phê, thì ít nhất năm người khác cũng đang làm việc từ nhà của họ.

    Quán cà phê robot cho phép làm việc từ xa- Ảnh 2.

    Robot tại quán cà phê được điều khiển bởi người làm việc từ khắp Nhật Bản và trên thế giới

    Công ty sản xuất OryLab nhấn mạnh rằng đây không chỉ là giải pháp dành cho người khuyết tật. Một nhân viên - thông qua robot của họ - đang sống ở Ý với chồng. Sau một thập kỷ làm người Nhật xa xứ ở châu Âu, cô giải thích rằng công việc này giúp cô đỡ nhớ nhà. Gặp gỡ mọi người trong quán cà phê ở Tokyo bằng cách “dịch chuyển tức thời” đến đó vài lần một tuần, cô duy trì mối liên kết chặt chẽ với quê hương mình.

    Ông Yoshifuji nảy ra ý tưởng này từ khi ông là sinh viên học ngành robot. Kể từ khi học trung học, ông đã sử dụng xe lăn bởi một bệnh lý mà các bác sĩ phải vật lộn để tìm ra nguyên nhân.

    Nếu OriHime được tạo ra như một công cụ giúp ông Yoshifuji và những người khác đi học, ngày càng rõ ràng là chỉ mỗi vậy vẫn không đủ. “Khi người khuyết tật tốt nghiệp trường học, họ không thể tìm được việc làm. Họ không có nơi nào để đi làm sau khi tốt nghiệp và tỷ lệ việc làm của họ sau khi tốt nghiệp chỉ khoảng 5%. Tỷ lệ vào đại học là khoảng 3%.

    Các trường đại học, nơi làm việc, thành phố đều được thiết kế dựa trên khả năng di chuyển. Và nếu không thể làm vậy, chúng ta sẽ cảm thấy rằng mình không thể làm gì cả, và sau đó chúng ta sẽ suy nghĩ tiêu cực và đánh mất mục đích sống, giống như tôi hồi còn trẻ. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng giải quyết những vấn đề này thông qua OriHime”, ông Yoshifuji nói.

    Quán cà phê gặp khó khăn về tài chính trong hai năm đầu tiên do chi phí trả trước liên quan đến công nghệ quá cao và robot nảy sinh nhiều vấn đề phát sinh khác. Ông Yoshifuji cho biết, các phi công cũng được hướng dẫn không nên “quá lịch sự” - nếu không, mọi người sẽ tưởng rằng họ là AI.

    Tuy nhiên, quán cà phê hiện đã thu lãi hai năm liên tiếp, một bằng chứng quan trọng về tính khả thi của mô hình này. Công ty đã mở thành công các sạp cà phê trên khắp Nhật Bản, giúp nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho dự án này.

    Ông Yoshifuji hy vọng phát minh của ông có thể đem lại thay đổi cho xã hội Nhật Bản - ông hình dung chúng sẽ được sử dụng trong các trường học, cao đẳng và văn phòng lớn của đất nước, phá vỡ các rào cản về khả năng di chuyển hiện đang ngăn cản nhiều người khuyết tật hoàn thành việc học hoặc tham gia lực lượng lao động. Ông hy vọng sẽ thấy các phi công “tốt nghiệp” tại quán cà phê để tìm được những công việc tốt hơn, nhờ vào những cánh cửa mà OriHime đã mở ra.

    Quán cà phê robot cho phép làm việc từ xa- Ảnh 3.

    OryLab đang giới thiệu thêm nhiều chức năng hơn cho robot để nhân viên có thể pha chế cà phê từ xa

    Kể từ sự bùng nổ kinh tế sau chiến tranh của Nhật Bản, robot đã được triển khai để cải thiện năng suất trong hầu hết mọi ngành công nghiệp. Tuy nhiên, sự đổi mới này dường như có giới hạn, và tăng trưởng đã trì trệ kể từ những năm 1990. Tình trạng thiếu hụt lao động, cộng với hạn chế chặt chẽ mọi hình thức nhập cư, chỉ là một trong nhiều yếu tố kìm hãm nền kinh tế.

    Số liệu của chính phủ cho thấy có gần 10 triệu người ở Nhật Bản mắc một dạng khuyết tật, chiếm khoảng 7,6% dân số và tính đến tháng 9/2024, có 36,25 triệu người ở độ tuổi 65 trở lên.

    “Có rất nhiều người khuyết tật ở Nhật Bản và các công ty cũng phải tuân theo các quy tắc để tuyển dụng người khuyết tật, nhưng họ vẫn lúng túng”, ông Yoshifuji nói. Đó là lúc robot của ông có thể tạo ra sự khác biệt. Kể cả nếu robot chỉ có thể giúp đưa một phần nhỏ những nhóm người này vào nơi làm việc thì nó đã có thể tạo tác động lớn, với cuộc sống của họ nói riêng và đất nước nói chung.

    Giáo sư Takahiro Ueyama, thành viên điều hành Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới tại Văn phòng Nội các, cho biết những nhà đổi mới của Nhật Bản từ lâu đã quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của xã hội thay vì của cá nhân. “Chúng tôi đưa ra khẩu hiệu rằng không ai bị bỏ lại phía sau, cho dù đó là dân số già hay người khuyết tật. Và mọi người hy vọng rằng sự phát triển của khoa học sẽ cải thiện phúc lợi của những người này”.

    Ông cũng hoan nghênh các giải pháp cải thiện văn hóa nơi làm việc của Nhật Bản, nơi vốn chậm thích ứng với những thay đổi của thế giới xung quanh. Ông cho biết đây là những vấn đề “không thể giải quyết trong một tích tắc”. “Cần rất nhiều thời gian. Chúng ta không chỉ cần nhiều công nghệ mới mà còn cần tư duy của mọi người thích ứng với công nghệ mới”.

    Để đất nước có thể nhận ra tiềm năng của một công nghệ như OriHime, các tập đoàn và xã hội dân sự cần phải xem xét lại cấu trúc của họ và sẵn sàng chấp nhận những định nghĩa mới. Ông Yoshifuji nói rằng, thay đổi tư duy luôn khó hơn việc phát minh ra những chú robot - và đó là lý do quán cà phê trở nên quan trọng như vậy.

    “Về nguyên tắc, tôi tin rằng những ý tưởng mới luôn không được chấp nhận. Nhưng khi bạn tạo ra thứ gì đó, khi bạn biến nó thành hiện thực, thì một số người sẽ đón nhận nó. Và sau đó, mọi người sẽ bắt đầu hiểu”.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ