(GenK.vn) - Hiện nay trên thế giới có rất nhiều mẫu họa tiết ngụy trang quân phục khác nhau như: MultiCam, Digital, Woodland, DPM, ERDL, Tiger Stripe...
Kĩ thuật ngụy trang trong quân đội xuất hiện từ thế kỷ XIX. Sự phát triển của súng đạn lúc bấy giờ với tầm bắn ngày càng xa, các cuộc đấu súng không diễn ra ở cự ly gần với đội hình như lúc trước mà chuyển sang ở cự ly xa với từng tốp lính nhỏ, đặt ra yêu cầu "ẩn mình" trong môi trường.
Sang đến thế kỷ XX, kỹ thuật ngụy trang phát triển nhanh chóng, ngụy trang được áp dụng với các khí tài quân sự như: xe tăng, pháo, máy bay, tàu chiến, quân phục ... Hiện nay, điều kiện chiến tranh công nghệ cao, sử dụng nhiều các khí tài quan sát hiện đại càng đặt ra yêu cầu cao hơn với kỹ thuật ngụy trang trong quân đội, trong đó, quân phục của mỗi người lính là một nhân tố quan trọng.
Quân phục ngụy trang (hay còn gọi là quân phục rằn ri) là loại quân phục sử dụng nhiều mảng màu xếp cạnh nhau (cách sắp xếp cũng như họa tiết từng mảng màu tùy thuộc vào mẫu ngụy trang sử dụng) nhằm giúp người lính hòa mình tốt nhất vào môi trường xung quanh, hạn chế nguy cơ bị đối phương phát hiện trong khi thực hiện nhiệm. Lực lượng lục quân cũng là lực lượng đầu tiên sử dụng quân phục ngụy trang trong lịch sử.
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều mẫu họa tiết ngụy trang khác nhau như: MultiCam, Digital, Woodland, DPM, ERDL, Tiger Stripe,... cùng nhiều màu sắc khác nhau tùy thuộc vào điều kiện môi trường của mỗi quốc gia.
Dưới đây là các mẫu quân phục ngụy trang của 7 nước: Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nhật Bản. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) năm 2012, đây đều là những quốc gia nằm trong top 10 nước có mức chi tiêu quốc phòng nhiều nhất thế giới.
Người Mỹ luôn tham vọng về một loại quân phục ngụy trang có thể hòa vào nhiều môi trường khác nhau. Hiện nay, lục quân Mỹ đang sử dụng họa tiết ngụy trang multicam trên quân phục, giáp, mũ chống đạn, áo mang trang bị... Được giới thiệu lần đầu vào năm 2002, MultiCam được thiết kế để lục quân Mỹ có thể dùng được ở nhiều môi trường khác nhau như rừng núi, sa mạc, đô thị... MultiCam được ghép từ 7 mảng màu khác nhau.
Ngoài lục quân Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng sử dụng mẫu quân phục rằn ri MultiCam này như: Anh, Úc, Grudia,...
Lục quân Nga hiện nay đang sử dụng họa tiết ngụy trang Digital Flora. Đây là kiểu họa tiết thiết kế theo kiểu Digital với các mảng màu là các ô vuông nhỏ đặt cạnh nhau như các điểm ảnh (pixel). Quân phục Digital hiện nay được nhiều quân đội trên thế giới sử dụng và có thể coi đây là "xu hướng thời trang".
Lục quân Trung Quốc hiện nay đang sử dụng mẫu quân phục ngụy trang Type 07, đây là mẫu quân phục sử dụng họa tiết ngụy trang Digital cùng 4 mảng màu ghép lại. Tuy nhiên, mẫu quân phục ngụy trang này của Trung Quốc được đánh giá là thích hợp với môi trường đô thị hơn là môi trường rừng núi.
Lục quân Pháp đang sử dụng mẫu quân phục ngụy trang CE (Centre Europe), kiểu họa tiết ngụy trang này được cho là phát triển từ họa tiết Woodland nhưng các mảng màu rộng và to hơn.
Lục quân Đức sử dụng quân phục ngụy trang với họa tiết Flecktarn, đây được coi là họa tiết ngụy trang đặc trưng của quân đội Đức khi mà họa tiết Flecktarn được thừa hưởng nhiều từ quân phục ngụy trang của Đức quốc xã. Họa tiết Flecktarn được tạo từ các chấm màu đặt cạnh nhau, phương pháp xếp mảng màu này gần tương tự như họa tiết Digital nhưng thay vì dùng ô vuông màu thì Flecktarn dùng các chấm màu như những giọt mực.
Ngoài Đức, hiện nay kiểu họa tiết Flecktarn còn được sử dụng là quân phục ngụy trang của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản.
Theo Soha
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"