Khám phá sức mạnh tàu hộ vệ tàng hình Sigma của Việt Nam

    TVD,  

    (GenK.vn) - Hà Lan đã ký kết hợp đồng đóng 2 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma 9814 cho Việt Nam với trị giá 660 triệu USD.

    Theo phương tiện truyền thông Hà Lan, nhà máy đóng tàu Damen của nước này đã đạt được thỏa thuận đóng 2 tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Sigma 9814 cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Theo một số nguồn tin, tổng giá trị hợp đồng vào khoảng 660 triệu USD. Dự kiến, hợp đồng sẽ được ký kết chính thức vào cuối năm nay.

    Cấu tạo và hoạt động cơ bản

    SIGMA là một loại tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ, do Viện nghiên cứu biển của Hà Lan (MARIN) và hãng đóng tàu Damen hợp tác chế tạo. Tuy nhiên, nó không phải là tên của một lớp tàu mà là chữ viết tắt của cụm từ Ship Integrated Geometrical Modularity Approach (Phương pháp đóng tàu modul tích hợp), tức là tàu có thể được ráp lại từ nhiều modul đóng rời nhau.

     

    Thiết kế đóng tàu kiểu modul cho phép nhà sản xuất có thể dễ dàng điều chỉnh thiết kế theo ý muốn, việc thêm, bớt 1 vài modul sẽ tạo ra những kiểu tàu khác nhau. Chính vì vậy, DAMEN có thể căn cứ vào yêu cầu đặt mua của khách hàg, nhu cầu tác chiến để cho ra đời nhiều loại tàu tuần tiễu hoặc hộ vệ hạng nhẹ, hạng trung có chiều dài từ 52 đến 104 mét và có lượng giãn nước từ 400 đến 2400 tấn.

     

    SIGMA được lắp đặt 2 động cơ Diezen công suất 23.000hp, hệ thống động lực CODAD giúp tàu đạt vận tốc tối đa 27,5 hải lý/h, vận tốc tuần hành 14 hải lý/h cho phép nó hành trình xa tới 4800 hải lý. Tàu được thiết kế tàng hình tối ưu với tầng thượng rất thấp, các góc vát làm giảm diện tích phản xạ radar, hệ thống máy chính thiết kế giảm rung chấn và tiếng ồn triệt để. Ngoài ra nó còn có 1 sàn đỗ trực thăng nhưng không có nhà kho máy bay.

    Hệ thống điện tử

    Tàu được trang bị hệ thống chỉ huy kiểm soát TACTICOS và hệ thống truyền số liệu chiến thuật LINK-Y MK2; các hệ thống tìm kiếm/đo đạc bao gồm radar đối không/hải MW08, radar mảng pha điện tử đối không SMART-SMK2, radar điều khiển hỏa lực LIROD MK2 và sonar chủ/bị động trung tần; hệ thống tác chiến điện tử bao gồm hệ thống trinh sát chi viện điện tử cùng với các ống phóng tên lửa nhử mồi và tên lửa gây nhiễu.

     

    Đối với hệ thống điện tử hàng không, các biến thể Sigma đều được trang bị hệ thống radar giám sát vùng trời, vùng biển SMART-S Mk2. Hệ thống radar này có 2 chế độ hoạt động: nếu anten quay tốc độ 13,5 vòng/phút thì có tầm xa tới 200km; nếu quay tốc độ 27 vòng/phút thì có tầm xa tới 150km với tổng số mục tiêu theo dõi là 500 (trên không và trên biển). Theo Thales, SMART-S Mk2 có thể phát hiện máy bay tàng hình ở cự ly 50km.

     

    Ngoài ra tàu hộ tống Sigma còn được trang bị các hệ thống điện tử tối tân khác, như: Hệ thống liên kết truyền thông và chia sẻ dữ liệu tác chiến và quản lý điều hành LINK Y Mk 2 datalink, Sonar sử dụng sóng siêu âm trung tần thụ động và chủ động được gắn vào thân tầu Thales UMS 4132 Kingklip ASW, hệ thống thông tin liên lạc nội bộ FOCON hoặc EID's ICCS cho phép thông tin liên lạc nội bộ của tầu và kết nối với hệ thống thông tin bên ngoài thông qua bảng kiểm soát truyền thông của hệ thống, hệ thống tích hợp la bàn và hải đồ điện tử Raytheon Anschutz, hệ thống ngụy trang tàng hình và tác chiến điện tử.

    Vũ khí

    Về mặt trang bị vũ khí, báo chí Hà Lan hé lộ một số thông tin cho biết, tàu Sigma của Việt Nam sẽ sử dụng pháo hải quân OTO Melara, hệ thống ống phóng thẳng đứng trang bị tên lửa MICA và tên lửa hành trình chống tàu.

    Riêng về trang bị pháo hạm, khả năng cao cỡ pháo trang bị là loại 76mm do Công ty OTO Melara Italy sản xuất. Pháo hải quân OTO Melara 76mm có tốc độ bắn rất cao phù hợp cho tác chiến phòng thủ điểm chống tên lửa tầm ngắn, chống máy bay, tàu mặt nước và đất liền (pháo kích bờ biển).

     

    Loại pháo này có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau (đạn xuyên giáp, đạn nổ phá mảnh và thậm chí là đạn tự dẫn), tốc độ bắn 120 phát/phút, tầm bắn xa 16km với đạn nổ phá mảnh hoặc 40km với đạn tự dẫn tăng tầm (đang phát triển).

    Về hệ thống tên lửa phòng không, Sigma sẽ được thiết kế với hệ thống ống phóng thẳng đứng. Nếu thông tin này là chính thức thì Việt Nam lần đầu tiên có tàu chiến được trang bị kiểu ống phóng đứng. Hệ thống tên lửa phòng không được sử dụng là loại tên lửa VL MICA, biến thể dùng trên hạm của tên lửa không đối không MICA do tập đoàn MBDA (Pháp) thiết kế sản xuất.

    Đạn tên lửa VL MICA nặng 112kg, dài 3,1m, lắp đầu đạn nổ phá nặng 12kg, trang bị động cơ đẩy nhiên liệu rắn SNPE cho phép đạt tầm bắn 1-10km (theo một số nguồn tin khác thì tầm bắn khoảng 20km), độ cao diệt mục tiêu 11km. Về hệ thống dẫn đường, VL MICA có 2 biến thể gồm: VL MICA RF dùng đầu tự dẫn radar chủ động và VL MICA IR lắp đầu tự dẫn hồng ngoại.

     

    Ngoài những “hé lộ” ban đầu về pháo hải quân và tên lửa phòng không, báo chí Hà Lan tuyệt nhiên không nhắc tới loại tên lửa hành trình chống tàu mặt nước nào sẽ trang bị cho Sigma. Dường như, việc này vẫn chưa được 2 bên quyết định.

    Vấn đề ở chỗ, hiện nay Hải quân Nhân dân Việt Nam chỉ dùng tên lửa chống tàu do Nga sản xuất, mà rộng rãi nhất là loại Kh-35 Uran E. Trong khi đó, Sigma lại là thiết kế của Hà Lan, việc tích hợp một hệ thống tên lửa khác nhà thiết kế, chế tạo là điều không dễ dàng, bởi ngoài bệ phóng tên lửa người ta còn phải tính đến hệ thống radar điều khiển hỏa lực của tàu. Đó là chưa kể tính tương thích với các hệ thống quản lý chiến đấu trên Sigma.

     

    Trong các hệ thống vũ khí được trang bị trên tàu chiến SIGMA 9814 sắp được đóng cho Hải quân Việt Nam, ngoài tên lửa chống hạm, pháo hạm, có thể cả ngư lôi... thì VL MICA là hệ thống vũ khí được trông đợi nhất, bởi 2 tàu chiến mạnh nhất của HQVN hiện nay là HQ-011 và HQ-012 (lớp Gepard 3.9) chỉ trang bị vũ khí thiên về chống hạm, khả năng phòng không yếu, 2 tàu Gepard thứ ba và thứ tư cũng được Nga tiết lộ là bổ sung vũ khí chống ngầm (không có thông tin về hệ thống phòng không).

    Chính vì thế, một hệ thống phòng không như VL MICA được trang bị trên tàu chiến SIGMA 9814 sẽ giúp Việt Nam lấp được kẽ hở về khả năng phòng không khi tác chiến trên Biển Đông.

    Ngoài ra theo nguồn tin mới nhất, hai tàu hộ tống tàng hình SIGMA của Việt Nam có thể được trang bị tên lửa chống tàu tiên tiến Exocet Block 3. Exocet là tên lửa hành trình chống tàu mặt nước tốc độ cận âm được thiết kế để chống tàu nhỏ và vừa (như tàu tên lửa, tàu khu trục, tàu hộ tống..). Trong thực tế, nó còn được sử dụng và chứng tỏ hiệu quả chống tàu lớn như tàu sân bay khi phóng với số lượng lớn.

     

    Tên lửa có khối lượng 670 kg, dài 4,7 m, đường kính 35 mm, khối lượng đầu chiến đấu 165 kg, vận tốc hành trình cận âm 315 m/s, sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính trong giai đoạn hành trình và radar chủ động trong giai đoạn cuối. Để vượt qua hệ thống phòng thủ của đối phương, ở giai đoạn cuối, tên lửa hạ xuống độ cao cực thấp ở 1-2 m so với mặt biển. Do ảnh hưởng của đường chân trời radar, tên lửa chỉ có thể được phát hiện với khoảng cách nhỏ hơn 6.000 m.

     

    Sau khi được nâng cấp, tên lửa Exocet Block 3 mới có tầm bắn gấp đôi (180 km) so với phiên bản Block 2. Cùng với đó, Exocet Block 3 cũng linh hoạt hơn trong việc chọn chế độ bay và quỹ đạo tấn công để nâng cao khả năng đánh trúng mục tiêu. Ngoài ra, Exocet phiên bản mới cũng có khả năng tấn công các mục tiêu hoạt động ở vùng biển gần bờ theo tọa độ được nạp trước.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ