Quay lưng với hàng tỷ 'đô' từ mạng xã hội tỷ dân để khởi nghiệp từ đầu, nhà đồng sáng lập Facebook lọt top 400 người giàu nhất nước Mỹ, sánh vai cùng Mark Zuckerberg
Tổng tài sản mà Moskovitz sở hữu trước khi Facebook IPO là hơn 4 tỷ USD. Còn giờ đây, con số đó đã tăng lên 11,6 tỷ USD. Trong Forbes 400, anh và Zuckerberg đều là những tỷ phú dưới 40 tuổi đáng chú ý nhất nước Mỹ.
Tuổi trẻ với suy nghĩ táo bạo, thông thạo công nghệ và tràn trề nhiệt huyết là công thức tuyệt vời cho sự thành công. Sự thật này ngày càng trở nên rõ ràng qua nhiều thập kỉ. Trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes công bố cách đây không lâu, có 13 cá nhân đáng chú ý đều dưới 40 tuổi. 9 người trong số đó làm giàu nhờ việc thành lập những công ty công nghệ bán hàng trực tuyến hoặc tìm kiếm chỗ nghỉ.
Xuất hiện lần đầu trong danh sách Forbes 400, nhà sáng lập Asana và đồng sáng lập Facebook - Dustin Moskovitz (35 tuổi) là người có một trong những câu chuyện khởi nghiệp đáng chú ý nhất. Công ty phần mềm quản lí công việc Asana của anh hiện được định giá 1,5 tỷ USD. Mặc dù thành công rực rỡ với Asana và cũng phải trải qua không ít thử thách nhưng điều thú vị là Moskovitz thực ra lại không nhất thiết phải đương đầu với nhiều khó khăn như vậy. Nguyên nhân là vì vốn dĩ anh đã có thu nhập rất lớn từ việc đồng sáng lập Facebook và nó sẽ càng lớn hơn nếu như anh không rời khỏi đó để khởi nghiệp.
Dưới đây là chia sẻ của Moskovitz đằng sau quyết định rời bỏ Facebook để làm lại từ đầu với Asana:
Mặc dù đã trở thành tỷ phú từ năm 27 tuổi nhưng Moskovitz lại lao đầu vào cuộc chơi startup thay vì hưởng thụ tài sản sẵn có và đang ngày một tăng từ Facebook.
Moskovitz và bạn mình, anh Justin Rosenstein (cũng từng làm việc cho Facebook) là hai người cùng lãnh đạo Asana. Trong một cuộc phỏng vấn, hai cộng sự đã từng trả lời rằng mặc dù đã gây dựng công ty thành công nhưng cuộc đời vẫn còn dài và họ vẫn muốn được phiêu lưu tiếp.
Rosenstein nói: "Khi nghĩ tới công việc, chúng tôi coi đó như một hành động phụng sự, một hành động yêu thương nhân loại". Moskovitz thêm vào: "Nếu nghỉ hưu, chúng tôi sẽ không phụng sự được bất cứ ai".
Dustin Moskovitz (bên trái) và Justin Rosenstein.
Những lý tưởng như vậy nghe có vẻ quá dễ dàng khi nó đến từ hai anh chàng không bao giờ phải lo toan về chuyện tiền nong nhưng cả hai vẫn tiếp tục lao động chăm chỉ. Và giống như Mark Zuckerberg, họ dường như không quá quan tâm đến ánh hào quang mà tiền tài mang lại. Hai người cùng ngồi làm việc với nhân viên ở Asana thay vì sử dụng văn phòng riêng. Họ chẳng có đám tùy tùng nào đi cùng và Rosenstein thậm chí còn đạp xe tới chỗ làm.
Justin Rosenstein tại văn phòng Asana (ở giữa, áo đen).
Cũng giống như Zuckerberg, họ ăn mặc giản dị, Moskovitz thường mặc áo sơ mi và không bao giờ sơ vin còn món đồ Rosenstein yêu thích là áo len. Trong một đám đông, họ cũng trông như bao người bình thường khác chứ không phải ông chủ của một công ty tỷ đô.
Điều khiến họ trở nên khác biệt đó là sự tự do tuyệt đối trong việc theo đuổi tầm nhìn về cách thay đổi thế giới. Và họ dường như chắc chắn rằng phần mềm của Asana sẽ làm được điều này. Dù sao đi chăng nữa, họ cũng là người từng thấy những dòng mã lập trình của mình tại Facebook đã góp phần thay đổi thế giới ra sao.
Asana sẽ thay đổi cách mọi người làm việc cùng nhau. Họ nói rằng công ty sẽ giải phóng thời gian biểu để họ có thể làm nhiều việc quan trọng hơn. Rosenstein từng nói: "Chúng ta có thể tìm cách trị ung thư. Chúng ta có thể xây dựng tàu vũ trụ hay thực hiện các dự án nghệ thuật. Điều thú vị của Asana là chúng ta có thể làm nhiều việc cùng một lúc".
Asana giúp mọi người làm việc và kết nối dễ dàng hơn.
Giống như một số sản phẩm tương tự khác, phần mềm của họ cho phép người dùng thiết lập danh sách những việc cần làm trên web để các nhóm hay tổ chức dễ phân công công việc và theo dõi những mục tiêu đã hoàn thành.
Hai nhà sáng lập tin rằng Asana sẽ chiến thắng bằng tốc độ, tính linh hoạt và khả năng duy trì của mình. Điều này được thể hiện ngay từ cái tên của nó. Trong Yoga, "Asana" là các tư thế hỗ trợ dòng năng lượng tâm linh trong cơ thể. (Các buổi tập yoga thường xuyên là một trong những đặc quyền của nhân viên Asana).
Giờ tập yoga tại Asana.
Ngay từ đầu, một số công ty công nghệ lớn như Twitter, LinkedIn và Foursquare đã sử dụng Asana. Đặt cược vào đây là những nhà đầu tư mạo hiểm như Peter Thiel và Mark Andreessen cùng một số nhân viên thế hệ đầu của Facebook.
Theo thống kê, trước khi Facebook tiến hành IPO, Moskovitz nắm giữ gần 134 triệu cổ phiếu công ty (khoảng 7,6% cổ phần). Tổng tài sản mà anh sở hữu trước khi Facebook phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu là hơn 4 tỷ USD. Còn giờ đây, con số đó đã tăng lên 11,6 tỷ USD. Trong Forbes 400, anh và Zuckerberg đều là những tỷ phú dưới 40 tuổi đáng chú ý nhất nước Mỹ.
Hai nhà đồng sáng lập Facebook năm 2004.
Giống như nhiều tỷ phú Mỹ khác, Moskovitz đã tham gia vào tổ chức phi lợi nhuận The Giving Pledge do vợ chồng Bill và Melinda Gates cùng Warren Buffett khởi xướng để đóng góp phần lớn tài sản của mình vào các hoạt động từ thiện.
Có thể nói, việc lựa chọn đến văn phòng hàng ngày của Moskovitz không phải là do khao khát làm giàu. Anh trả lời phỏng vấn: "Nó là một loại cảm giác vô cùng hiển nhiên. Chắc chắn rằng tôi sẽ đi làm mỗi ngày. Thật may rằng chúng tôi không bị bất cứ thứ gì làm sao nhãng trong lúc hoạt động".
Nhờ lối suy nghĩ táo bạo và nhiệt huyết của anh, Asana đã thành công rực rỡ. Startup này hiện đang đứng thứ 41 trong danh sách The Cloud 100 của Forbes (100 công ty tư nhân dẫn đầu trong mảng điện toán đám mây). Điều đó đã tạo tiền đề cho sự xuất hiện của Moskovitz trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ năm 2019. Hiện anh đứng vị trí thứ 40 trong Forbes 400.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI