Quốc gia khiến Apple quyết đưa hàng trăm đối tác sản xuất, hàng nghìn kỹ sư rời Trung Quốc, chấm dứt kỷ nguyên 'made in China'

    Băng Băng , Nhịp sống thị trường 

    Apple đang kiến tạo giấc mơ ở một quốc gia mới nhằm chấm dứt sự phụ thuộc kéo dài với Trung Quốc.

    Quốc gia khiến Apple quyết đưa hàng trăm đối tác sản xuất, hàng nghìn kỹ sư rời Trung Quốc, chấm dứt kỷ nguyên 'made in China' - Ảnh 1.

    Anh Kevin, một quản lý của nhà máy iPhone tại Chennai-Ấn Độ thường phải thức dậy trước 6 giờ sáng để làm việc trực tuyến với các đồng nghiệp tại Trung Quốc do lệch múi giờ. Thông thường công việc của anh sẽ kéo dài đến 10 giờ tối.

    Tờ Nikkei Asian Review cho hay kể từ khi chuyển từ Trung Quốc qua Ấn Độ, anh Kevin hiếm khi có ngày nghỉ hoặc có thời gian ra ngoài giao lưu cùng người bản địa. Vị quản lý này thậm chí hiếm khi rời khu tổ hợp nhà máy của iPhone.

    Chuỗi cung ứng của iPhone tại Ấn Độ, bao gồm nhà máy của Kevin, đang cố gắng sản xuất iPhone 15 và được yêu cầu tăng sản lượng lên hơn 15 triệu chiếc trong năm nay, hơn gấp đôi so với năm 2022.

    Theo Nikkei, đây là một chiến lược của nhà táo khuyết nhằm cố gắng dịch chuyển sản xuất hoặc ít nhất giảm sự phụ thuộc từ nguồn cung ứng Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.

    Quốc gia khiến Apple quyết đưa hàng trăm đối tác sản xuất, hàng nghìn kỹ sư rời Trung Quốc, chấm dứt kỷ nguyên 'made in China' - Ảnh 2.

    Đối với những nhân viên như Kevin, đây là một kế hoạch đầy tham vọng và cũng cực kỳ áp lực của Apple. Trước đây nhà máy của Apple tại Ấn Độ phải mất nhiều hơn 1 năm so với nhà máy Trung Quốc khi sản xuất các dòng iPhone mới, thế nhưng khoảng cách này đã bị rút ngắn xuống còn 1 tháng vào năm 2022. Mục tiêu của nhà táo khuyết là hạ xuống còn 10 ngày trong năm nay.

    “Hàng ngày chúng tôi đều có cuộc họp với các đồng nghiệp ở Trung Quốc để cố gắng sao chép chuỗi cung ứng sang bên Ấn Độ và tiến trình đang cực kỳ khả quan”, anh Kevin cho biết.

    Di chuyển chiến lược

    Việc Apple di chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc không phải điều dễ dàng khi đi cùng với đó là cả một mạng lưới hàng trăm công ty hợp đồng sản xuất cho nhà táo khuyết cũng phải đi theo.

    Xin được nhắc là trong suốt nhiều năm, cường quốc Châu Á đã là công xưởng vững chắc cho Apple khi hơn 80% trong số 188 nhà cung ứng hàng đầu của hãng có ít nhất 1 nhà máy tại Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã từng chiếm hơn 95% sản lượng sản xuất iPhone toàn cầu kể từ khi chúng được ra mắt vào năm 2007.

    “Apple và Trung Quốc đang cùng nhau phát triển, đây là một mối quan hệ cộng sinh”, CEO Tim Cook nói trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 3/2023.

    Bất chấp tuyên bố đó, tờ Nikkei nhận định sự phụ thuộc thái quá của Apple vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đang dần thay đổi do áp lực từ cả địa chính trị lẫn thương mại.

    Quốc gia khiến Apple quyết đưa hàng trăm đối tác sản xuất, hàng nghìn kỹ sư rời Trung Quốc, chấm dứt kỷ nguyên 'made in China' - Ảnh 3.

    Đầu năm 2023, Apple đã nhắn nhủ với các nhà cung ứng rằng hãy chuẩn bị dịch chuyển ít nhất 20% sản lượng sản xuất iPhone sang Ấn Độ trong những năm tới. Hiện Ấn Độ mới chỉ chiếm chưa đến 10% sản lượng sản xuất iPhone.

    Theo Nikkei, Apple muốn mở rộng sản xuất cả về quy mô lẫn chất lượng ở Ấn Độ, nơi hiện vẫn chủ yếu là lắp ráp thiết bị sản phẩm cho hãng. Thay vì chỉ lắp ráp các bộ phận sản phẩm đã hoàn thiện, Apple đang có kế hoạch sản xuất nhiều linh kiện trung gian hơn như vỏ kim loại tại Ấn Độ thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc.

    Thậm chí hiện Apple đang tìm cách để đưa mạng lưới phát triển iPhone của mình từ Trung Quốc về Ấn Độ, bao gồm hàng nghìn kỹ sư cùng vô vàn những nhà máy, cơ sở nghiên cứu và chuỗi cung ứng khác.

    Nguyên nhân chính của việc này không chỉ nằm ở xung đột thương mại Mỹ-Trung mà còn do đại dịch Covid-19, khiến khẩu hiệu “thiết kế ở California, lắp ráp ở Trung Quốc” trở nên ngày càng bất lợi với chính Apple.

    Một trong những lý do khiến Apple lựa chọn Ấn Độ mà không phải Đông Nam Á là do chiến lược của Mỹ khi liên kết chặt chẽ hơn với Nam Á trong vấn đề đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên một nguyên nhân khác nữa là do giá bất động sản, điện nước tăng cao ở Thái Lan cùng nhiều nước khiến nhà táo khuyết phải suy nghĩ lại. Trong khi đó Ấn Độ với dân số đông, đủ nguồn cung cho lao động, mức lương thấp, đất rộng và trình độ tiếng Anh tốt lại trở thành điểm sáng để Apple lựa chọn.

    Thêm nữa, báo cáo của Deloitte ước tính Ấn Độ sẽ có khoảng 1 tỷ người dùng smartphone vào năm 2026, qua đó trở thành thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.

    “Chúng tôi đang ghi nhận thấy một sự dịch chuyển chiến lược của Apple”, chuyên gia phân tích Prachir Singh của Counterpoint nhận định.

    Quốc gia khiến Apple quyết đưa hàng trăm đối tác sản xuất, hàng nghìn kỹ sư rời Trung Quốc, chấm dứt kỷ nguyên 'made in China' - Ảnh 4.

    CEO Tim Cook chào đón khách hàng tại cửa hàng Apple đầu tiên tại Ấn Độ ngày 18/4/2023

    Cú sốc

    Tờ Nikkei cho hay cú sốc đầu tiên của Apple tại Trung Quốc là khi đại dịch diễn ra và lệnh giãn cách được thi hành ở Zhengzhou, nơi đặt công xưởng lắp ráp lớn nhất cho iPhone cũng như đóng vai trò quan trọng cho chuỗi cung ứng của nhà táo khuyết trên thị trường toàn cầu.

    Tháng 10/2022, nhà máy của Foxconn chuyên cung ứng cho Apple tại Zhengzhou bị giãn cách dẫn đến công nhân biểu tình, khiến hoạt động sản xuất tại đây đình trệ hơn 1 tháng đúng vào thời gian cao điểm trước lễ Giáng sinh.

    Hình ảnh công nhân ném đá vỡ cửa sổ cùng xe cảnh sát trấn áp đã khiến các lãnh đạo Apple cực kỳ sốc.

    “Apple đã sốc, chúng tôi đều sốc. Chẳng ai ngờ được sự việc lại diễn ra như thế và chẳng có phương án thay thế nào cả”, một giám đốc tại một nhà máy lắp ráp iPhone xin được giấu tên thú nhận với Nikkei.

    Đi cùng với sự phản đối lệnh giãn cách của công nhân là yêu cầu tăng lương cũng như cải thiện môi trường làm việc, khiến Apple cảm thấy áp lực cần phải tìm kiếm những chuỗi cung ứng thay thế. Vụ việc tại Zhengzhou cho các giám đốc nhà táo khuyết thấy rõ ràng chuỗi cung ứng hiệu quả 20 năm qua mà họ xây dựng đã không còn đủ sự tin tưởng.

    “Sự việc này tồi tệ hơn cả so với đại dịch nói chung và việc Thượng Hải bị giãn cách. Đây có lẽ là cuộc khủng hoảng tệ nhất trong lịch sử”, một giám đốc của một nhà máy lắp ráp iPhone nói với Nikkei khi nhớ lại về cuộc họp khẩn cùng COO Jeff Williams thuộc Apple để nói về vụ Zhengzhou.

    Quốc gia khiến Apple quyết đưa hàng trăm đối tác sản xuất, hàng nghìn kỹ sư rời Trung Quốc, chấm dứt kỷ nguyên 'made in China' - Ảnh 5.

    Sau vụ việc trên, Foxconn đã nhanh chóng thành lập một đội phản ứng nhanh để sang Ấn Độ tìm hướng phát triển, nâng cấp chuỗi cung ứng mới cho Apple. Phía nhà táo khuyết cũng gửi các nhân viên giàu kinh nghiệm đến giám sát hoạt động sản xuất.

    Tính đến tháng 1/2023, hoạt động sản xuất iPhone tại Ấn Độ đã vượt sự kỳ vọng của Foxconn lẫn Apple và trong tương lai, đây có thể trở thành một công xưởng thay thế mới cho nhà táo khuyết.

    “Điều chúng tôi không ngờ đến là cú sốc Zhengzhou lại giúp chúng tôi thúc đẩy tiến trình dịch chuyển từ Trung Quốc qua Ấn Độ”, một giám đốc nhà máy nói với Nikkei.

    Cái kết của một thời đại

    Tờ Nikkei cho hay việc Apple dịch chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ không hề dễ dàng khi dính dáng đến cả một chuỗi cung ứng. Hàng trăm nhà cung ứng sản xuất 1.500 linh kiện cho iPhone không phải cứ bảo dịch chuyển là dịch chuyển được. Thế rồi những phần như ắc quy, màn hình, vỏ điện thoại hay lắp ráp đều được thực hiện bởi doanh nghiệp bên thứ 3.

    Những nhà cung ứng này sẽ phải mở nhà máy mới tại Ấn Độ theo đề nghị của Apple, nhưng câu chuyện lại phức tạp hơn nhiều.

    Theo Nikkei, Apple đã đàm phán với các doanh nghiệp cung ứng để họ dịch chuyển sang Ấn Độ nhưng lại phải giữ mức giá tương tự như ở Trung Quốc, bất chấp các chi phí gia tăng cho Logistics hay các rào cản gia nhập thị trường mới khác.

    Thế rồi rủi ro khi mở nhà máy tại một môi trường mới không quen thuộc khiến nhiều doanh nghiệp lắc đầu từ chối đề nghị của Apple.

    Quốc gia khiến Apple quyết đưa hàng trăm đối tác sản xuất, hàng nghìn kỹ sư rời Trung Quốc, chấm dứt kỷ nguyên 'made in China' - Ảnh 6.

    Nhà máy Foxconn tại Zhengzhou-Trung Quốc

    “Kể cả khi chi phí lao động tại Ấn Độ thấp hơn Trung Quốc thì để sản xuất ở địa điểm mới, chi phí ban đầu trong vài năm cũng sẽ phải cao hơn. Ngoài ra còn rất nhiều chi phí ẩn như logistic, đào tạo nhân viên và những điểm hoàn thiện, nâng cao hệ thống sản xuất khác chưa được tính tới”, CEO Gary Cheng của Pegatron than vãn.

    “Cách đây 20 năm, chúng tôi xây nhà máy tại Trung Quốc và ít nhất có sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ. Thế nhưng lần này thì khác biệt cả về văn hóa, ngôn ngữ lẫn luật pháp tại Ấn Độ. Thậm chí đến cả các công cụ nhân viên dùng cũng phải thay đổi vì kích cỡ bàn tay của họ khác với người Trung Quốc”, ông Cheng tiếp tục nói.

    Đồng quan điểm, nhiều giám đốc hãng cung ứng khác cho Apple cũng than phiền việc Ấn Độ có nhiều bang và mỗi bang lại có một chính sách, quy định hay thậm chí là ngôn ngữ địa phương riêng của mình.

    “Các nhà cung ứng than phiền rằng việc vận hàng và giao tiếp giữa các bang ở Ấn Độ cứ như là giao dịch với nước ngoài vậy”, giám đốc Kristy Tsun Tzu Hsu của Viện nghiên cứu Chung Hua (CIER) nói đùa.

    Một chủ doanh nghiệp nói với Nikkei rằng việc kiếm người phiên dịch cho các nhà máy cũng khó khăn. Thông thường một quản lý sẽ cần đến 3 trợ lý nói 3 thứ tiếng khác nhau để có thể giao tiếp được với nhân viên nhà máy.

    Thế rồi câu chuyện visa cũng là vấn đề khi quan hệ Trung-Ấn không được nồng ấm kể từ năm 2020. Rất nhiều kỹ sư và quản lý của các nhà máy cung ứng cho Apple là người Trung Quốc và họ gặp khó khi xin visa vào Ấn Độ.

    Một CEO giấu tên nói với Nikkei rằng họ đã tốn nhiều tháng nhưng chẳng thể xin nổi visa cho nhân viên. Cuối cùng khi vấn đề được đưa lên lãnh đạo cấp cao thì Ấn Độ mới miễn cưỡng cấp visa đặc biệt cho mọi người.

    Quốc gia khiến Apple quyết đưa hàng trăm đối tác sản xuất, hàng nghìn kỹ sư rời Trung Quốc, chấm dứt kỷ nguyên 'made in China' - Ảnh 7.

    “Ngược lại, việc xin visa cho lao động Ấn Độ sang Trung Quốc đào tạo cũng rất khó khăn và tốn thời gian”, vị CEO này cho hay.

    Ngoài ra, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Ấn Độ cũng bị hạn chế. Ví dụ hãng Luxshare Precision Industry của Trung Quốc muốn mua lại một nhà máy để lắp ráp cho iPhone tại Bengaluru nhưng không được thông qua.

    “Chúng tôi đã gần như hoàn thành thương vụ nhưng lại thất bại. Chúng tôi chẳng thể làm được gì cả. Họ nói với chúng tôi rằng cách duy nhất để một nhà cung ứng Trung Quốc tiếp cận thị trường Ấn Độ hiện nay là liên doanh với công ty địa phương. Giờ thì chúng tôi chỉ còn biết ngồi chờ xem Apple muốn làm g”", nguồn tin ở Luxshare nói với Nikkei.

    Cũng theo Nikkei, Apple đã phải giao một số phân đoạn sản xuất vỏ điện thoại cho những chuỗi cung ứng địa phương tại Ấn Độ như Tata, trong khi trước đây hãng thường phải lựa chọn những nhà cung ứng có nhiều năm kinh nghiệm cũng như quen thuộc với cách làm việc của nhà táo khuyết.

    Mặc dù Tata không thuộc nhóm 200 nhà cung ứng hàng đầu cho Apple nhưng tập đoàn này lại là một trong những công ty lớn nhất Ấn Độ cùng nhiều mối quan hệ xã hội.

    Nguồn tin của Nikkei cho biết Tata đã bắt đầu sản xuất bỏ kim loại cho smartphone từ 4 năm trước nhưng hiệu quả của họ không thỏa mãn được khách hàng. Tuy nhiên tập đoàn Ấn Độ này lại được hưởng lợi từ kế hoạch dịch chuyển nguồn cung ứng của Apple trong khi chính quyền New Delhi cũng có tham vọng nâng tầm ngành thiết bị điện tử của mình.

    Quốc gia khiến Apple quyết đưa hàng trăm đối tác sản xuất, hàng nghìn kỹ sư rời Trung Quốc, chấm dứt kỷ nguyên 'made in China' - Ảnh 8.

    Đối thủ cạnh tranh

    Theo Nikkei, Việt Nam mới là địa điểm ngoài Trung Quốc mà nhiều hãng công nghệ muốn dịch chuyển sản xuất nhờ lợi thế vị trí địa lý. Riêng Apple đã tăng số nhà cung ứng của mình tại Việt Nam từ 14 cơ sở năm 2017 lên 25 cơ sở hiện nay, sản xuất các linh kiện hay lắp ráp thuê cho nhà táo khuyết.

    Tại Ấn Độ, số cơ sở mới chỉ tăng từ 4 năm 2017 lên 14 năm 2022. Thậm chí những cơ sở của Apple tại đây còn sản xuất ở mức độ kém hơn cả Việt Nam trong chuỗi cung ứng do chủ yếu lắp ráp và đóng gói thành phẩm nhập từ nơi khác về.

    “Chuỗi cung ứng ngành công nghệ thường phải mất 20-25 năm mới thực sự hoàn thiện đến độ chín tương tự như mạng lưới ở Trung Quốc. Trong khi chuỗi cung ứng ở Việt Nam đã bắt đầu từ giữa thập niên 2000 sau khi nước này gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì Ấn Độ mới chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng thiết bị điện tử được vài năm trở lại đây. Bởi vậy hạ tầng cơ sở của Ấn Độ vẫn chưa sẵn sàng và vẫn cần thời gian để xây dựng thêm”, giám đốc Hsu của viện CIER nhận định.

    Mặc dù vậy, chuyên gia Sudheer Narayan của Bain&Co cho rằng mọi yếu tố cần thiết như nhu cầu nội địa, sự quyết tâm của chính phủ cũng như nguồn vốn của các tập đoàn tại Ấn Độ đều đã sẵn sàng để đứa quốc gia này thành công xưởng sản xuất điện tử mới của thế giới.

    Phía Counterpoint cho hay thị phần sản xuất smartphone của Ấn Độ trên thế giới đã tăng nhanh từ 10% năm 2017 lên 19% năm 2023. Trái ngược lại, thị phần của Trung Quốc lại giảm từ 73% xuống còn 63% trong cùng kỳ.

    “Sản lượng thiết bị điện tử nội địa của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng nhanh với tỷ lệ bình quân 30% mỗi năm trong 5 năm tới, qua đó đạt tổng giá trị 400 tỷ USD. Ấn Độ sẽ nâng tầm không chỉ còn là lắp ráp mà cả thiết kế và sản xuất những linh kiện công nghệ cao”, ông Narayan cho biết.

    Quốc gia khiến Apple quyết đưa hàng trăm đối tác sản xuất, hàng nghìn kỹ sư rời Trung Quốc, chấm dứt kỷ nguyên 'made in China' - Ảnh 9.

    Bền vững

    Nguồn tin của Nikkei cho biết Apple không chỉ muốn tăng thị phần và sản lượng tại Ấn Độ mà còn thực sự biến nơi đây thành lựa chọn thay thế bền vững cho Trung Quốc. Bằng chứng rõ ràng nhất là nhà táo khuyết muốn dịch chuyển hệ thống phát triển sản phẩm mới (NPI) cho iPhone của mình từ Trung Quốc sang Ấn Độ.

    NPI là một khâu cực kỳ quan trọng cho Apple khi liên kết chặt chẽ giữa thương hiệu nhà táo khuyết với các nhà cung ứng, cùng tham gia phát triển sản phẩm, từ bản vẽ đến sản xuất thực tế trong nhà máy với thử nghiệm và xác minh tiêu chuẩn đồng bộ.

    Trong nhiều năm, hệ thống NPI cho iPhone của Apple là sự phối hợp giữa nhóm phát triển ở California-Mỹ và đội ngũ nhà cung ứng ở Trung Quốc. Việc nhà táo khuyết đưa NPI đến Ấn Độ cho thấy một sự cam kết của tập đoàn này với định hướng dịch chuyển sản xuất, không phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung.

    “NPI sẽ cần hàng nghìn kỹ sư, kỹ thuật viên, đầu tư cho phòng thí nghiệm, nhà máy cùng vô số những cuộc thử nghiệm. Nó đại diện cho sự nâng cấp toàn diện về công nghệ và Apple muốn làm điều đó tại Ấn Độ. Chúng tôi hoàn toàn có thể bắt chước thành công của Trung Quốc để gia tăng sản lượng tại đây, nhưng điều quan trọng hơn cả là những gì mà NPI có thể đem lại cho nền kinh tế này”, nguồn tin thân cận nói với tờ Nikkei.

    “Trong vài năm tới, chúng ta sẽ được chứng kiến những chiếc iPhone được đồng thiết kế ở Ấn Độ”, một nguồn tin riêng khác nói với Nikkei.

    *Nguồn: Nikkei Asian Review

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ