Theo Nghị quyết 30/2016/QH14 vừa được Quốc hội công bố, việc thí điểm cấp thị thực (visa) điện tử được thực hiện trong thời hạn 2 năm kể từ ngày 1/2/2017. Quốc hội giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp visa điện tử.
Sau 2 năm thí điểm cấp visa điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết 30 tại kỳ họp cuối năm 2018 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 23/12 cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa công bố 4 Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, trong đó có Nghị quyết 30/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (Nghị quyết 30).
Tại Nghị quyết 30, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 2 năm kể từ ngày 1/2/2017; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018. Người nước ngoài đề nghị cấp thị thực không phải là thị thực điện tử thực hiện theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nghị quyết 30 quy định rõ, thị thực điện tử là loại thị thực do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài đang ở nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam. Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày.
Việc thí điểm cấp thị thực điện tử áp dụng đối với công dân của nước có đủ các điều kiện gồm: Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Quốc hội cũng giao Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Theo Nghị quyết, người nước ngoài được cấp thị thực điện tử phải có hộ chiếu và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử, sau khi nhập cảnh Việt Nam, nếu đề nghị cấp thị thực mới thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng. Phí cấp thị thực không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp.
Cùng với việc quy định trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử, Chính phủ cũng được Quốc hội giao bảo đảm các điều kiện để việc cấp, kiểm soát thị thực điện tử được chặt chẽ, an toàn, thống nhất, thuận lợi.
Theo ICT News
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập