Quyết tâm chống phân mảnh Android, Google sẽ "bêu tên" các nhà sản xuất chậm cập nhật
Google đã dùng các chiến thuật mạnh mẽ hơn để gây áp lực cho các nhà sản xuất điện thoại.
Việc khiến các nhà sản xuất điện thoại và nhà mạng cập nhật hệ điều hành Android lên phiên bản mới nhất đã và đang là thử thách khó nuốt đối với Google, trong nỗ lực nới rộng chức năng của hệ điều hành và kiếm thêm doanh thu từ ứng dụng của họ. Giờ đây, Google đã có những động thái cứng rắn hơn đối những đối tác chậm chạp trong vấn đề cập nhật hệ điều hành của họ.
Vấn đề phân mảnh nan giải
Vấn đề phân mảnh hệ điều hành Android đã bắt đầu xuất hiện kể từ khi nó được ra mắt vào năm 2007, vì tính 'mở' của hệ điều hành này. Gần đây Google đã nỗ lực hết mình để giúp các thiết bị chạy Android cập nhật dễ dàng hơn và giảm yêu cầu phần cứng cần thiết để nâng cấp. Việc khiến Android luôn mới và thống nhất là điều quan trọng với Google, bởi vì đó là cách Google kiếm nguồn doanh thu bằng những công nghệ mới được cập nhật trên hệ điều hành. Điều này chỉ xảy ra khi các nhà sản xuất và các nhà mạng cùng nhau nâng cấp thiết bị của họ.
Hiện tại thì không suôn sẻ như vậy, hệ điều hành phân mảnh đã hạn chế nhiều tính năng đến với 1,4 tỉ người dùng Android. Nếu Google không sớm khắc phục điều này, họ có thể bị tụt hậu so với Apple. Smartphone ngày nay đã phức tạp hơn và dễ bị hack hơn, việc nâng cấp lên hệ điều hành mới nhất là điều cực kì quan trọng. Apple nhận thức được điều đó ngay từ lúc iPhone ra mắt nên họ đã tính toán cách nâng cấp phần mềm hàng loạt. Kết quả là 84% thiết bị di động của Apple chạy phiên bản mới nhất của iOS, trong khi đó chỉ có 7,5% thiết bị Android chạy phiên bản mới nhất là Marshmallow.
"Tình thế đang không thuận lợi cho lắm", trưởng mảng Android Hiroshi Lockheimer cho biết tại sự kiện Google I/O tuần trước, ông cho rằng việc cập nhật chập chạp là "điểm yếu về bảo mật trên Android". Nhiều người dùng cũng không hài lòng, một nhóm người dùng ở Hà Lan đã kiện Samsung vào tháng 1 năm nay vì Samsung chậm chạp trong việc cập nhật hệ điều hành trên nhiều thiết bị của họ. Ở Mỹ, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC - Federal Communications Commission) gửi đơn đến các nhà mạng, nhà sản xuất, Apple và Google yêu cầu họ đảm bảo việc cập nhật phần mềm diễn ra nhanh chóng.
Google đang cố gắng để thúc đẩy các nhà sản xuất điện thoại và nhà mạng cập nhật hệ điều hành càng sớm càng tốt. Khó khăn trước mắt là ở các nhà mạng vì họ phải mất một khoảng thời gian không nhỏ để thử nghiệm hệ điều hành mới, nhằm tránh xung đột với sóng mạng. Các bài kiểm tra ở nhà mạng Verizon có thể lên đến vài tháng, việc rút ngắn thời gian này lại là rất khó vì Verizon hỗ trợ rất nhiều điện thoại chạy hệ điều hành Android. Nhà mạng Sprint đã cắt giảm quá trình thử nghiệm từ 12 tuần xuống còn vài tuần, theo chia sẻ của Phó Giám Đốc mảng phát triển sản phẩm của công ty.
Lỗ hổng Stagefright
Cách đây không lâu, lỗ hổng Stagefright nổi tiếng trên Android đã làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến toàn bộ hệ sinh thái của Google. Sau đó, công ty đã phát hành bản sửa lỗi nhưng chỉ cho các máy Nexus. Những chiếc máy này được phát triển bởi chính Google nên việc cập nhật bản vá lỗ hổng bảo mật trở nên rất dễ dàng, tương tự như cập nhật hệ điều hành ở các máy iPhone. Nhưng các nhà sản xuất Android khác như LG, Samsung vẫn rất khó khăn để đưa bản cập nhật ấy cho tất cả các thiết bị của họ.
Các nhà sản xuất điện thoại nhỏ khác cho rằng chính sách cập nhật hệ điều hành mỗi tháng một lần của Google là điều không khả thi. HTC cho biết đó là điều "không tưởng", còn Motorola có chính sách cập nhật các thiết bị mỗi năm 2 lần, và công ty đang cố gắng tăng lên mỗi năm 3 lần.
Google đang cố gắng thuyết phục các nhà mạng bỏ qua các bản vá lỗ hổng bảo mật trong những bài kiểm tra đánh giá của họ, để rút ngắn tiến trình vá lỗi. Tuy nhiên rất khó để các nhà mạng đồng ý vì họ không coi vấn đề bảo mật là thứ cần thiết, họ tập trung vào bán hàng nhiều hơn.
Gây áp lực
Google đã dùng các chiến thuật mạnh mẽ hơn để gây áp lực cho các nhà sản xuất điện thoại. Họ xếp hạng toàn bộ nhà sản xuất theo tiêu chí có cập nhật hệ điều hành (vá lỗi, nâng cấp hệ điều hành) thường xuyên không. Google đã chia sẻ danh sách này cho toàn bộ đối tác Android của họ. Thêm vào đó, Google "dọa" rằng sẽ công bố danh sách này công khai để gây áp lực những nhà sản xuất không chịu nâng cấp hệ điều hành.
Giải pháp tình thế
Google đang khiến việc cập nhật trở nên suôn sẻ hơn. Các tính năng mới, ví dụ như Allo, giờ đây là một ứng dụng riêng thay vì là một phần của hệ điều hành. Động thái này giúp Google tránh khỏi những bài kiểm tra của nhà mạng. Ngoài ra họ còn khiến các tính năng mới có thể tương thích trên phiên bản cũ của hệ điều hành. Tính năng Instant Apps vừa ra mắt tuần trước, giúp người dùng chạy thử ứng dụng trước khi quyết định tải chúng, có thể chạy trên các máy Android chạy hệ điều hành Jellybean (ra mắt năm 2012). Điều này có nghĩa 95% người dùng Android có thể sử dụng được.
Phép thử lớn tiếp theo cho Google sẽ diễn ra vào mùa thu này, khi phiên bản mới nhất của Android - có tên Android N - sẽ ra mắt. Trước đó Google đã phát hành bản preview vào tháng 3, sớm hơn nhiều so với dự kiến, để cho các nhà sản xuất thời gian tích hợp Android N lên các thiết bị của họ.
Tuy nhiên đây vẫn là một vấn đề nan giải cho Google vì việc thuyết phục các nhà sản xuất bỏ thời gian và công sức để nâng cấp hệ điều hành trên các thiết bị cũ là điều không dễ. "Cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề này là tái cấu trúc hệ điều hành", Mike Chan, đồng sáng lập hãng sản xuất điện thoại Nextbit cho biết.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"