Trở thành sinh viên đồng nghĩa với việc tập thích nghi cùng cuộc sống chẳng thể thoải mái như ở nhà. Xa rời gia đình, các bạn trẻ đối mặt với vô số lỗi lo từ cuộc sống, học hành, tiền nong chi tiêu cho đến… chuyện dùng chung internet cùng xóm trọ.
Tìm hiểu quanh các khu trọ gần ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Xây Dựng, ĐH Kinh Tế Quốc Dân, chúng tôi được biết: Trừ những nơi chủ nhà đăng kí mạng ADSL từ trước, thông thường các xóm trọ sinh viên sẽ cử đại diện đứng ra ký hợp đồng dịch vụ mạng. Sau đó, cước phí sẽ được bàn bạc để chia nhỏ cho mọi người.
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, chính sách của các nhà mạng lớn đã thay đổi theo chiều hướng thoáng hơn. Sinh viên ngoại tỉnh không có hộ khẩu tại thành phố theo học vẫn có thể ký hợp đồng sử dụng internet. Trong đó, lựa chọn mạng của FPT và Viettel được sử dụng chủ yếu nhất (theo một khảo sát nhỏ). Dịch vụ của VNPT vẫn còn nhiều bất cập bởi từ chối cung cấp các gói cước chất lượng cao cho người có chứng minh thư ngoại tỉnh. Ví dụ, ở địa bàn Hà Nội, khách hàng không có hộ khẩu tại đây chỉ được đăng kí gói cước thấp Mega VNN Easy.
Tất nhiên, do số lượng lớn máy tính cùng sử dụng, hợp đồng trọn gói trở thành lựa chọn tối ưu trong chuyện cước phí. Thường thì chỉ có hai cách tính cước cơ bản sau đó: chia đều theo số lượng máy tính hoặc theo số phòng sử dụng. Với cách làm này, mức tiền mỗi sinh viên phải trả hàng tháng để dùng internet chỉ rơi vào vài chục ngàn đồng. Nhưng cũng từ đây, các rắc rối bắt đầu phát sinh mà chỉ có những người trong cuộc mới "thẩu hiểu" hơn ai hết.
Không thể đăng kí gói cước quá cao vì kinh tế hạn hẹp, trong khi nhu cầu sử dụng lớn, điều này ảnh hưởng đầu tiên tới tốc độ đường truyền. "Càng nhiều máy kết nối vào đường truyền thì tốc độ càng chậm, nhất là khi có ông bạn hàng xóm nào hứng lên tải nguyên vài chục link phim HD thì (chán) nản hẳn." - Phương Anh, sinh viên ĐH Xây Dựng, trọ ở khu Tân Mai, cho biết.
Cao điểm nhất về thời gian buổi tối, khi mọi người đều có mặt ở phòng, nhu cầu dùng internet tăng dễ dẫn tới cảnh nghẽn mạng cục bộ, tốc độ truy cập lúc này rớt thê thảm. “Xóm trọ chỗ mình có tới mười hai phòng sử dụng internet, đến buổi tối mọi người đi học, đi làm về thì cứ xác định chỉ ngồi lướt web giết thời gian chứ đừng mơ chơi game, xem phim.” - Phương Anh kể thêm.
Những hình ảnh quen thuộc trong những xóm trọ có
quá nhiều phòng dùng internet.
Hạn chế là vậy, nhưng do “tiền lương” gia đình gửi có định mức nên không thể sử dụng đường truyền tốc độ cao hơn, sinh viên đành bấm bụng chịu nỗi khổ “internet xóm trọ”. Cũng may, trong cái khó ló cái khôn, ở nhiều nơi, cả xóm đã ngồi lại với nhau và quy ước cụ thể về thời gian cho phép tải phim, chơi game (chỉ vào ban ngày hoặc khi đêm muộn; hay cấm chơi game online), đỡ đi phần nào cảnh mạng lag, tốc độ "rùa bò".
Một khó khăn nhỏ khác xuất phát từ hợp đồng “trọn gói". Vì cam kết sử dụng cách tính cước này, nên trong các dịp nghỉ dài ngày như Tết Nguyên Đán, nghỉ hè... mọi người vẫn phải nộp tiền để duy trì mạng. Có bạn sinh viên khi được hỏi kể với tôi: "Số tiền có thể không lớn, nhưng giữa thời buổi bão giá như bây giờ, một vài chục ngàn với bọn em cũng ra vấn đề lắm."
Nguồn cơn của những xích mích trong cuộc sống
Bực mình vì tốc độ đường truyền, đây cũng chính là nguyên nhân nảy sinh xích mích thường gặp, khi sống cảnh dùng mạng chung. "Có một buổi tối, mạng bỗng nhiên chậm, anh tầng trên chắc bực quá nên đi gõ cửa từng phòng hỏi xem có ai download gì không. Đến lúc gõ cửa phòng mình hỏi các em có dùng torrent à, chúng mình bảo có, thế là anh ta bắt đầu nói này nói nọ. Sau đó, phải lấp liếm mãi là có phần mềm torrent nhưng hôm nay không dùng, mới yên chuyện”. - Huy Hùng, sinh viên ĐH Bách Khoa, trọ ở khu Đại La, kể lại.
Rồi có trường hợp, một nhóm làm đồ án kéo về nhà nhóm trưởng để cùng học, mỗi người mang theo một chiếc laptop cho tiện việc tìm tài liệu. Cả xóm thì chỉ biết là từ lúc cái nhóm bạn kia sang thì mạng chung tự nhiên chậm đi, chuyện có thể là hiểu lầm nhưng cũng dễ làm mất lòng nhau.
Nhà trọ, nơi dây mạng chằng chịt khắp nơi. (ảnh minh họa).
Cãi cõ, lời ra tiếng vào vì tốc độ đường truyền thì cũng dễ hiểu. Cái chúng tôi kể tiếp sau đây mới đúng thực chỉ có ai từng dùng internet xóm trọ mới hiểu. Ấy là cái chuyện thu tiền cước.
Xóm nào cũng vậy, một người hoặc cũng có thể luân phiên nhau được giao nhiệm vụ thu tiền cước. Người này cũng kiêm luôn trọng trách sau đó là đóng phí dịch vụ hàng tháng cho nhà mạng. Xóm nào ít người, ai nấy đều có ý thức thì không có gì đáng nói. Nhưng chẳng thiếu nơi, xóm đã đông mà lại nhiều trường hợp "cá biệt".
Việc thu tiền mạng cũng gặp lắm gian truân. (ảnh minh họa)
Cô em gái của bạn tôi có lần kể: “Xóm trọ của em có hai anh năm thứ tư chuyển đến, dùng mạng cả tháng rồi đến lúc nộp tiền lại không đồng ý với quy định của xóm (chia theo phòng - PV), nhất quyết đòi phân chia theo kiểu khác (chia theo máy - PV). Vụ đấy em không giải quyết được, về sau cả xóm phải họp lại, hai ông ấy mới miễn cưỡng chấp nhận".
Trường hợp cá nhân đi ngược lại quy định của tập thể như trên chỉ là số ít, mà thực ra thì cũng dễ xử lý. Khổ sở nhất phải là gặp mấy anh sinh viên hay sống cảnh "viêm màng túi". Phí dịch vụ thì chẳng thể khất được nên nhiều khi chính người đi thu phải ứng tiền cho vay. "Vài chục ngàn mà sau đó đòi mãi cùng kỳ, nhưng đợi người ta tự giác trả thì không biết đến bao giờ, có khi quên luôn, mà quên ở đây là quên thật chứ chẳng phải cố tình lờ đi đâu anh ạ." - Huyền Trang, sinh viên ĐH Kinh Tế, trọ trong khu ngõ Trại Cá, chia sẻ.
Tạm kết
Không phải chuyện dùng chung internet ở xóm trọ sinh viên nào cũng phát sinh nhiều rắc rối như những chia sẻ trên đây. Có những khu trọ nhiều phòng nhưng chuyện dùng chung mạng chưa từng xảy ra bất đồng. Có cả nơi (một khu trụ 10 phòng ở phố Hoàng Mai) router được đầu tư loại có chức năng quản lý băng thông, để thiết lập giới hạn mạng công bằng cho mọi người, ai nấy đều vui vẻ.
Dùng internet kiểu sinh viên có cái "sướng" khi chi phí phải trả thực ra rất thấp (vài chục ngàn/ tháng, không kể tiền đầu tư router, switch... ban đầu). Điều quan trọng, mọi người tham gia dùng mạng cần tự ý thức được hành vi để không gây ảnh hưởng đến tập thể. Có lẽ đã đến lúc trong cộng đồng sinh viên cần hình thành một nét văn hóa mới, văn hóa "internet xóm trọ".