Review Black Myth: Wukong: thiếu một chút để có thể trở thành kiệt tác của ngành trò chơi điện tử

    Kim,  

    Cống phẩm của ngành game tới đại văn hào Ngô Thừa Ân là một tác phẩm trên cả tuyệt vời, nhưng chưa thể chạm tới ngưỡng cửa “kiệt tác”.

    Ngày 20 tháng 8 năm 2024, Hắc Thần Thoại: Ngộ Không giáng thế, đất trời nứt làm đôi, internet-giới tách thành hai nửa bất cân xứng.

    Một mặt, cộng đồng âm thầm chờ xem doanh số cũng như hiệu năng thực tế của game. Một số người tỏ vẻ hoài nghi trước sản phẩm tới từ Trung Hoa, đồ rằng trò chơi được thiết kế ăn theo những tựa game lớn và sẽ flop, rồi rằng những trailer hào nhoáng trước đây chỉ là màn lùa gà không hơn không kém của Game Science -một nhà phát triển game ít tiếng tăm tới từ Trung Quốc.

    Nửa còn lại của internet không nói gì, vì họ đang tập trung đánh Nhị Lang Thần.

    Từ sau thời điểm này, bài viết sẽ sử dụng tên “Ngộ Không” hay “game Ngộ Không” để chỉ trò chơi điện tử Black Myth: Wukong.

    1 wtm.png

    Ngộ Không đối diện Tứ Đại Thiên Vương - Ảnh: Kim

    Ngộ Không mở đầu với một màn trình diễn mãn nhãn có thể thỏa mãn bất cứ ai, ngay cả khi họ không quen thuộc với nguyên tác Tây Du Ký của đại văn hào Ngô Thừa Ân. Thời điểm này, Tôn Ngộ Không đã đắc đạo với danh xưng Đấu Chiến Thắng Phật, nhưng không chịu được cảnh o ép trên thượng giới nên đã lui về Hoa Quả Sơn sống đời an lạc. 

    Nhưng yên bình chẳng được là bao. Thiên binh thiên tướng thừa lệnh những thế lực cai quản tam giới, tập hợp trước núi Hoa Quả, luận tội Tôn Ngộ Không, hòng ép con khỉ đá trở lại khuôn phép. Nhị Lang Thần Dương Tiễn xuất kích, lần thứ hai đánh bại Tôn Ngộ Không (và lần này, Dương Tiễn cũng hạ khỉ đá với sự giúp sức của vòng kim cô).

    Ngay trong đoạn cắt cảnh đầu game, chúng ta có thể thấy ngay nhà phát triển Game Science đầu tư lớn vào tác phẩm của mình. Ngộ Không sở hữu những trường đoạn đẹp và hoành tráng tới ngoạn mục; Tề Thiên Đại Thánh ra oai trước Tứ Đại Thiên Vương, giao chiến một mất một còn với Nhị Lang Chân Quân, chuốc lấy thất bại ê chề rồi lục căn văng ra khắp chốn.

    Cắt cảnh ấn tượng mở đầu game Ngộ Không: Tề Thiên Đại Thánh tái đấu Nhị Lang Thần Dương Tiễn - Video: Game Science.

    Bối cảnh chính của game diễn ra nhiều năm sau sự kiện Tôn Đại Thánh hồn bay phách lạc. Người chơi vào vai một con khỉ trẻ tuổi, lãnh trách nhiệm thu thập hương hồn Đại Thánh về một mối mà mang về Hoa Quả Sơn. Khỉ ta sẽ phải phiêu lưu qua các vùng đất, đối đầu với những con trùm (boss) mạnh mẽ, trong quá trình đó giúp người chơi khám phá cốt truyện bí ẩn và trả lời câu hỏi lớn: tại sao Đấu Chiến Thắng Phật lại bị Thiên Đình thất sủng?

    Sở hữu một nội dung phong phú, giàu bản sắc văn hóa Trung Hoa vốn rất đồ sộ, Ngộ Không mang tới cho người chơi một nguồn nội dung lớn để người chơi thưởng thức. Và nếu không sở hữu Hỏa Nhãn Kim Tinh để nhận ra những tiểu tiết, có lẽ game thủ sẽ phải … đọc hướng dẫn hay xem YouTube để có thể trải nghiệm trọn vẹn những nội dung Ngộ Không mang lại.

    Phần cứng phải tài phép nhường nào để thu phục Ngộ Không?

    Ngay trong đoạn mở đầu game, chúng ta thấy rõ sức mạnh cũng như ... sức nặng của Unreal Engine 5, công cụ giúp Game Science tạo tác ra siêu phẩm mới của ngành trò chơi điện tử. Những chi tiết nhỏ như tác động vật lý của nhân vật tới môi trường (như mây trời, cây cỏ, nước, cát và tuyết) đều được thiết kế tỉ mỉ, giúp người chơi nhập tâm hơn với thế giới của Ngộ Không.

    yy wtm.png

    Nỗ lực vẽ biểu tượng âm dương của tôi không thành công cho lắm. Nhưng nó có thể chứng minh cho bạn thấy rằng hiệu ứng vật lý trong game được làm chi tiết nhường nào - Ảnh: Kim.

    Tuy nhiên, một thế giới chi tiết đến vậy sẽ khiến game Ngộ Không vô cùng tốn tài nguyên phần cứng. Khi test game ở cấu hình gần mức tối thiểu bằng phần mềm benchmark chính thức, cho phép tải về không lâu trước ngày Ngộ Không ra mắt, game chỉ có thể đạt trung bình 69 fps khi các tinh chỉnh được đặt ở mức Trung bình/Medium. Theo nhà phát triển Game Science, Ngộ Không yêu cầu tối thiểu RAM 16GB, Intel Core i5-8400 hoặc AMD Ryzen 5 1600, GPU NVIDIA GeForce GTX 1060 6GB hoặc AMD Radeon RX 580 8GB.

    Trong video dưới, bạn có thể nghe rõ tiếng quạt của GTX 1660 Ti đang chạy vù vù để có thể tải được hiệu ứng nước, cây cối và phản chiếu.

    NVIDIA GeForce GTX 1660 Ti chạy ngang ngửa ... máy cày khi cố tải Ngộ Không ở mức đồ họa Trung bình - Video: Trần Hoàng.

    Trên cỗ chiến mã của tôi với CPU Intel i5-13400F, 32GB RAM và GPU NVIDIA 3070 Ti 8GB, kết quả benchmark khả quan hơn chút khi đạt mức trung bình đạt 75 fps ở mức cài đặt cấu hình đề nghị của nhà phát triển.

    Khi tôi “cố đấm ăn xôi” đẩy một số cài đặt lên mức cao nhất, vừa để thử sức phần cứng lại vừa muốn trải nghiệm Ngộ Không ở mức cao nhất có thể, thì game kết quả benchmark chỉ đạt trung bình 55 fps. Tôi chấp nhận con số 55 để chơi game, và phải đến Hồi thứ Ba thì mới cần giảm cấu hình xuống chút đỉnh để đảm bảo hiệu năng game khi đánh boss.

    Screenshot (1).png

    Ở mức đồ họa Cao, tôi có thể thưởng thức Ngộ Không ở mức fps tương đối ổn - Ảnh: Kim.

    Screenshot (2).png

    Muốn thưởng thức Ngộ Không ở mức đẹp nhất có thể, tôi muốn vắt kiệt sức chiếc GPU NVIDIA 3070 Ti 8GB và hy sinh vài fps - Ảnh: Kim.

    Trong quá trình trải nghiệm Ngộ Không, hiện tượng tụt khung hình xuất hiện tại một số đoạn yêu cầu tài nguyên phần cứng lớn, đơn cử như khi nhân vật chính và yêu quái cùng lúc biến hình. Với một tựa game với cả ta và địch đều rất linh hoạt, yêu cầu game thủ phản xạ nhanh nhạy, thì việc tụt khung hình có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

    Hiệu năng game tụt sâu tại Hồi thứ Ba, khi game thủ tham chiến trên núi cao, nơi tuyết trắng phủ đầy. Số khung hình/giây giảm rõ rệt khi máy tôi phải cùng lúc tải hiệu ứng tuyết rơi cũng như tương tác vật lý của tuyết trên nền đất. 

    Đã có lúc, số fps giảm xuống chỉ còn trên 40 fps. Tôi đã phải giảm một số cài đặt xuống mức High/Cao để có thể tiếp tục chơi trong yên bình.

    Khác biệt về hiệu năng game ở ba môi trườngkhác nhau là rừng trúc, hoang mạc và núi tuyết

    Việc đẩy cấu hình tới mức giới hạn có thể gây ra nhiều hệ lụy. Nhẹ thì bị yêu quái hạ gục khi fps tụt sâu, mà nặng thì có thể khiến game văng đột ngột (crash). Thảm hơn nữa thì cháy card: Ngộ Không tận dụng tới 98% sức mạnh của chiếc NVIDIA 3070 Ti, đồng thời khiến nó nóng tới hơn 80 độ C. Trong video trên, bạn có thể thấy nhiệt độ GPU chênh lệch 10 độ C giữa Hồi thứ Nhất - rừng già và Hồi thứ Ba - núi tuyết.

    May mắn thay, trong hơn xấp xỉ 30 tiếng trải nghiệm Ngộ Không và có lúc fps tụt thấp như trên, tôi chưa một lần chứng kiến cảnh văng game. Muôn phần trộm vía.

    Nỗ lực làm game quá chi tiết cũng tiếp tục khiến Ngộ Không gặp phải một số lỗi khôi hài. Hiện tượng “clipping” trong game, là khi một tài nguyên đồ họa bị đè lên tài nguyên khác, khiến trải nghiệm không được như ý. Khi thế giới trong game có quá nhiều đồ vật đặt rải rác, khó có thể tránh trường hợp này xảy ra.

    Ví dụ trực quan: clip dưới đây cho thấy khi biến hình thành cơn gió đen, Hắc Phong Vương đã … đâm đầu vào khung gỗ và bị kẹt ở đó.

    Hắc Phong Vương kẹt trong tường, trở thành mồi ngon của khỉ đói.

    Định hướng nghệ thuật làm xao xuyến người trần mắt thịt

    Ngộ Không theo đuổi lối đồ họa chân thực như ảnh chụp (photorealistic). Tận dụng sức mạnh của Unreal Engine 5, Game Science vẽ nên một thế giới thượng thừa chi tiết. Từ lá trúc rơi trong rừng, tác động của vũ khí tới môi trường, cho tới hiệu ứng nước, cát và tuyết rất thực: Ngộ Không sở hữu một thế giới chân thật đến khó tin.

    Ngoài ra, thế giới Ngộ Không tồn tại một dàn nhân vật đặc sắc với nhiều hình hài, chẳng khác gì khả năng biến hóa thần thông của Tôn Đại Thánh. Nhóm thiết kế của Game Science đã rất chăm chút cho những vẻ ngoài của tất cả các nhân vật trong game, từ những con tiểu yêu thấp hèn cho đến những đại vương mạnh mẽ, từ nhân vật chính của chúng ta cho tới những vị thần phật toàn năng.

    Yêu tinh lẩn rừng trúc thì nhan nhản sói già, rắn độc, còn yêu quái ngụ miền hoang mạc thì là đất đá thành tinh. Tiểu tiết nhỏ này khiến quang cảnh cũng như nhân vật thế giới của Ngộ Không phong phú đa dạng, không bị nhàm chán.

    Review Black Myth: Wukong: thiếu một chút để có thể trở thành kiệt tác của ngành trò chơi điện tử- Ảnh 5.
    Review Black Myth: Wukong: thiếu một chút để có thể trở thành kiệt tác của ngành trò chơi điện tử- Ảnh 6.
    Review Black Myth: Wukong: thiếu một chút để có thể trở thành kiệt tác của ngành trò chơi điện tử- Ảnh 7.
    Review Black Myth: Wukong: thiếu một chút để có thể trở thành kiệt tác của ngành trò chơi điện tử- Ảnh 8.
    Review Black Myth: Wukong: thiếu một chút để có thể trở thành kiệt tác của ngành trò chơi điện tử- Ảnh 9.
    Review Black Myth: Wukong: thiếu một chút để có thể trở thành kiệt tác của ngành trò chơi điện tử- Ảnh 10.
    Review Black Myth: Wukong: thiếu một chút để có thể trở thành kiệt tác của ngành trò chơi điện tử- Ảnh 11.
    Review Black Myth: Wukong: thiếu một chút để có thể trở thành kiệt tác của ngành trò chơi điện tử- Ảnh 12.

    Tạo hình đa dạng của các nhân vật trong game Ngộ Không - Ảnh: Game Science.

    Một khía cạnh rất quan trọng khác mà Ngộ Không làm rất tốt, là chuyển động của quái vật được làm rất rõ ràng. Với một game thiên hướng tránh đòn nhiều như Ngộ Không, việc xác định rõ động tác của yêu quái để tránh né cho chuẩn là một điều tối quan trọng.

    Tiếp tục nói về định hướng nghệ thuật. Khác với nhiều những tác phẩm game AAA cùng thời, những đoạn phim cắt cảnh không phải những “tác phẩm điện ảnh” duy nhất hiện hữu trong Ngộ Không.

    Cuối Hồi thứ Nhất, người chơi được thưởng thức một đoạn phim hoạt hình được dàn dựng rất công phu, cũng như một bức tranh mô tả lại những gì đã diễn ra tại chùa Quan Âm, tức là nội dung của các hồi mười sáu, mười bảy và mười tám của kiệt tác Tây Du Ký.

    Nội dung của các hồi như sau:

    Hồi thứ mười sáu: Viện Quan Âm, các sư lừa bảo bối - Núi Hắc Phong, yêu quái trộm cà sa.

    Hồi thứ mười bảy: Tôn Hành Giả đại náo núi Hắc Phong - Quan Thế Âm thu phục yêu tinh gấu.

    Hồi thứ mười tám: Chùa Quan Âm, Đường Tăng thoát nạn - Thôn Cao Lão, Đại Thánh trừ ma.

    Đoạn phim hoạt hình ở cuối Hồi thứ Nhất trong game Ngộ Không - Video: Game Science.

    Bất ngờ hơn, đoạn kết Hồi thứ Hai cũng trình chiếu một bộ phim hoạt hình ngắn, tuy nhiên với phong cách nghệ thuật khác hẳn phần phim trước. Ngoài đa dạng nhân vật, đến phim hoạt hình trong game cũng đa dạng về phong cách.

    Tổng kết lại, Ngộ Không sở hữu một loạt những định hướng nghệ thuật tách biệt, dành riêng cho từng loại hình nội dung có trong game. Thứ nhất, là phong cách thực tế của đồ họa game. Thứ hai, là phong cách hoạt hình của những cắt cảnh cuối mỗi hồi. Và thứ ba, một bức họa lột tả những sự kiện đã xảy ra trong nguyên tác.

    Từ quyết định này, ta có thể … tưởng tượng ra phần nào quy trình phát triển game Ngộ Không.

    "Ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, đội ngũ Game Sciene ngồi lại với nhau, bàn về việc có quá nhiều thứ để làm và quá nhiều định hướng nghệ thuật để theo đuổi. Cuối cùng, họ quyết định thực hiện tất cả những gì họ cho là hay, và chúng ta có game Ngộ Không của ngày hôm nay".

    Thanh âm khiến Lục Nhĩ Mỹ Hầu cũng phải rung động

    Lời tán dương cho âm thanh trong game phải được chia thành hai mảng: hiệu ứng âm thanh và âm nhạc trong game.

    Đầu tiên, để game thủ Việt có thể thẩm thấu hết cái hay cái đẹp của Ngộ Không, tôi khuyên các bạn nên để thoại tiếng Trung, phụ đề tiếng Anh để chơi cho nhập tâm. Các diễn viên lồng tiếng thực hiện rất tốt vai mình được giao, giọng của các nhân vật - dù là tiểu yêu hay cho tới những nhân vật “có số má” như Tề Thiên Đại Thánh, Thổ Địa, Nhị Lang Thần - đều lột tả rõ các cung bậc cảm xúc nhân vật.

    Trong khi đó, lồng tiếng tiếng Anh lại không đạt được điều này. Một điều đáng tiếc, là tâm trí một game thủ Việt Nam trung bình khi trải nghiệm Ngộ Không sẽ phải cùng lúc lọc qua nhiều lớp nghĩa (sẽ được làm rõ hơn tại phần chỉ trích), điều này làm giảm thú vui trải nghiệm xuống đôi phần.

    Về phần game, hiệu ứng âm thanh được thiết kế rõ ràng, mạch lạc. Tiếng nhân vật chính chạy trên nền đất, dưới nước nông, hay trên nền đất ẩm đều riêng biệt, tiếng yêu quái rõ mồn một có thể giúp người chơi nhanh chóng nhận biết hiểm nguy.

    Trong khi đánh boss, người chơi có thể nhận ra rõ những âm thanh rất đặc trưng, dễ nhận biết có thể dễ dàng tránh được sát chiêu của yêu quái.

    Game thủ có thể dễ dàng né đòn nhờ quan sát đường đi nước bước cũng như tiếng kêu của yêu quái.

    Còn về mặt âm nhạc, Game Science đã “gẩy đúng nốt nhạc hoài niệm” khi làm lại nhiều những bản nhạc kinh điển từng xuất hiện trong phim truyền hình Tây Du Ký khi xưa. Bên cạnh những nốt nhạc hoài niệm hay những bản nhạc hào hùng vang lên mỗi khi người chơi đánh boss, đây đó còn tồn tại những nhạc phẩm ấn tượng.

    Bản nhạc huyền thoại "Vân Cung Tấn Âm" được tái dựng lại trong game Ngộ Không.

    Đơn cử, mỗi khi nhân vật mất nhưng đầu quyền phép ở Hồi thứ Hai cất tiếng hát, nhân vật chính cũng như người chơi lại hiểu thêm về bối cảnh miền đất hoang vu, lầm than muôn phần dưới ách thống trị của Hoàng Phong Quái.

    Một vài thông tin thú vị xoay quanh vị nhạc sĩ không đầu này. Nhân vật đang hát loại hình dân ca đặc trưng của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Địa hình của miền đất xa xôi này cũng tương tự vùng hoang mạc tại Hồi thứ Hai của Ngộ Không, càng khiến giai điệu thêm hợp cảnh.

    Tiếng hát và lời nhạc được soạn thảo bởi Xiong Zhuying, một nghệ sĩ chuyên dòng nhạc này, và cũng là phó chủ tịch Hiệp hội Âm nhạc tỉnh Thiểm Tây.

    Nhạc sĩ Xiong Zhuying đang soạn nhạc cho Hồi thứ Hai của game Ngộ Không.

    Nhập vai khỉ đá, hàng yêu, diệt quái

    Khoác áo cà sa, Hùng Tinh kinh sợ

    Trước tiên, phải làm rõ: lối chơi của Ngộ Không mang lại cho người chơi cảm giác thỏa mãn của việc vượt qua kiếp nạn.

    Trong đoạn dạo đầu, người chơi đã được sử dụng một Tôn Ngộ Không toàn năng để "tay bo" với Nhị Lang Thần. Ngay trong Hồi đầu tiên, người chơi chạm trán tổng cộng 2 con boss lớn, 2 con boss ẩn, và 1 con boss cuối. Hồi thứ Nhất lột tả chính xác hoạt động chính của bạn trong game, đó là đánh boss.

    kt twm.png

    Kim Trì trưởng lão - boss ẩn của Hồi thứ Nhất, sẽ xuất hiện khi bạn gióng cả 3 quả chuông- Ảnh: Kim.

    Ngộ Không thuộc dòng game nhập vai hành động. Nhưng trái với nhiều kỳ vọng ban đầu, nhân vật chính không sở hữu cá tính ngang tàng của Tề Thiên Đại Thánh (chủ yếu là vì không đàm thoại với ai bao giờ), mà giống một phiên bản đơn sắc của Tôn Hành Giả. Nhiệm vụ của nhân vật chính là thu thập đủ lục căn của Tôn Ngộ Không, đã tản ra về các phía sau khi trúng đòn kết liễu của Dương Tiễn trong đoạn mở đầu game.

    Nhân vật chính sẽ phiêu lưu qua các vùng đất, đối đầu những con yêu tinh đang tác oai tác quái tại địa phương, hạ bệ chúng và chiếm lấy những vật phẩm, những phép thần thông mạnh mẽ. Lấy đánh boss làm trọng tâm, dường như một game thủ có thể không quan tâm tới cốt truyện mà cứ thừa thắng xông lên, cầm gậy vụt bất cứ kẻ nào ngáng đường.

    Đối thủ chính của người chơi là yêu ma, từ hàng tiểu yêu cho tới những đại vương khét tiếng trong vùng. Trong số những yêu quái mà người chơi chạm mặt, rất nhiều con đã xuất hiện trong nguyên tác Tây Du Ký.

    Cho tới thời điểm hiện tại, những con boss tôi đã chạm trán đều có ngoại hình đa dạng và những bộ kỹ năng dễ quan sát (nhưng tương đối khó né tránh). Với một tựa game lấy đánh boss làm hoạt động chính, Ngộ Không đã làm rất tốt.

    Gặp khỉ đá, hổ dữ cũng hóa thành mèo con.

    Tuy lối chơi không thực sự đổi mới sáng tạo - xoay quanh né đòn (đúng thời điểm thì càng tốt) và kiên nhẫn cấu máu kẻ địch - nhưng nhờ khả năng di chuyển nhanh nhẹn của Ngộ Không và bộ kỹ năng bổ trợ “sát với nguyên tác”, hoạt động đánh boss muôn phần thú vị.

    Để có thể đả bại một con yêu quái hùng mạnh, người chơi sẽ phải tận dụng tất cả những kỹ năng mình có: từ bộ phép bổ trợ cho nhân vật chính, cho tới phản xạ né đòn thuần thục.

    Không chỉ dừng lại ở bộ kỹ năng. Một game thủ khám phá kỹ càng mỗi Hồi sẽ nhận được bảo bối để khắc chế chính con yêu quái cuối mỗi chương. Ví dụ như ở Hồi thứ Nhất, nếu người chơi gióng đủ ba quả chuông, bạn sẽ đối mặt với Kim Trì trưởng lão. Đánh bại con yêu quái này, người chơi sẽ có cho mình áo cà sa kháng lửa, một món bảo bối giúp việc hàng phục Hắc Hùng Tinh dễ hơn muôn phần.

    Một câu chuyện làm say đắm lòng người, ít ra là tôi nghe kể thế

    Để không làm lộ thêm về cốt truyện Ngộ Không, và cũng vì chưa trải nghiệm hết, tôi sẽ chỉ nói những gì bản thân cảm nhận được cho tới thời điểm bài viết được đăng tải.

    Điểm cộng:

    - Sở hữu một loạt nhân vật quen thuộc với những người biết tới Tây Du Ký cũng như văn hóa Á Châu. Điều này khiến một game thủ quen thuộc với nguyên tác sẽ dễ thấm nhuần cốt truyện của game Ngộ Không.

    - Cốt truyện đặc sắc, rẽ nhánh từ cái kết của nguyên tác thành một “dị bản” vô cùng độc đáo. Thậm chí một số trường đoạn lấy được cả nước mắt của những game thủ đam mê thế giới màu nhiệm mà bi tráng của Tây Du Ký.

    - Hai Hồi đầu là một phần hậu truyện, viết tiếp từ những kiếp nạn ta đã quen thuộc nếu biết tới nguyên tác: sau khi chùa cháy, Kim Trì trưởng lão trở thành yêu tinh; sau khi bị thu phục, Hoàng Phong Quái vẫn tìm được cách lừa Linh Cát Bồ Tát để xuống trần làm loạn.

    Điểm trừ:

    - Yêu cầu trải nghiệm với tâm thế “đọc sách” thay vì “nhập vai”.

    - Sẽ được làm rõ tại phần “Chỉ trích” dưới đây.

    Chẳng viên ngọc nào không có vết

    Ngộ Không hay, nhưng chỉ ở mức siêu phẩm, chưa thể được mô tả bằng khái niệm kiệt tác.

    Điều đáng tiếc đầu tiên, và hoàn toàn có thể được cải thiện bằng những bản vá (bản patch) về sau: đó là rào cản ngôn ngữ. Điểm trừ này chắc chắn đúng với cả game thủ quốc tế lẫn game thủ Việt Nam - những người vốn đã quen, biết tới nguyên tác Tây Du Ký.

    Bạn cứ thử nghe Tề Thiên Đại Thánh nói tiếng Anh mà cảm nhận:

    Mỹ Hầu Vương, hay tiếng Anh gọi là "Handsome Monkey King", đang nói tiếng Anh.

    Để tôi vào vai một game thủ Việt Nam mà nhận định. Não người chơi Ngộ Không sẽ phải cùng lúc bật vô số bộ lọc mỗi khi trải nghiệm cốt truyện. Chúng ta nghe thoại tiếng Trung/tiếng Anh (không phải ai cũng hiểu hết), rồi đọc sub bằng tiếng nước ngoài, rồi đôi chút ngập ngừng ở những danh xưng lạ lẫm như Great Sage (Đại Thánh) hay Erlan Sang (Nhị Lang Thần), rồi mới hiểu ra bằng tiếng Việt và tấm tắc khen hay. Với một số người, sự “hay” đã bị lọc mất.

    Những bộ lọc này khiến toàn bộ quá trình chơi game Ngộ Không chẳng hề xuyên suốt. Cứ như bạn đang đọc một cuốn tiểu thuyết cực kỳ cuốn hút, nhưng mỗi trang lại có tới vài chục từ mới lạ, và qua đó trải nghiệm đọc không còn mượt mà. Làm gì có ai thích chạy xe trên đường nhiều ổ gà?

    nam mo wtm.png

    Linh Cát Bồ Tát nói "A-di-đà Phật" bằng tiếng Anh? Quá thực không thuận tai - Ảnh: Kim.

    Thứ hai, và như đã nói ở trên, việc nhân vật chính đơn sắc cũng làm ảnh hưởng tới trải nghiệm cốt truyện. Dường như nhân vật của chúng ta là “mẫu khỉ” hành động, ít nói siêng làm, chỉ gặp yêu quái là đánh chứ không “mồm mép” như vị Đại Thánh chúng ta thân thuộc.

    Đây quả là một điều đáng tiếc, khi dàn nhân vật của game Ngộ Không đa dạng vô cùng. Tất cả nhân vật đều trực tiếp tương tác với khỉ ta, nhưng khỉ ta không đáp lời một ai cả. Cách thức làm game này (là sử dụng nhân vật chính không có thoại hay lời cảm thán) vốn được dùng từ xa xưa, với mục đích lớn nhất là giúp người chơi nhập vai dễ dàng vào nhân vật.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh game Ngộ Không và trong xu hướng chung của game hiện đại, việc sử dụng nhân vật chính thầm lặng không còn được trọng dụng. 

    Trong game Ngộ Không, cũng chẳng có lý do rõ ràng nào giải thích cụ thể việc nhân vật của chúng ta không nói được cả. Có lẽ Game Science không tìm được lối xây dựng cá tính cho nhân vật chính, nên đã chọn phương án dễ thực hiện hơn, là tạo ra một hình tượng Ngộ Không thiên về hành động.

    Review Black Myth: Wukong: thiếu một chút để có thể trở thành kiệt tác của ngành trò chơi điện tử- Ảnh 15.

    Con khỉ già nấu rượu là tiền bối của nhân vật chính, tuy nhiên chúng ta không hỏi chuyện được "cụ khỉ" - Ảnh: Kim.

    details wtm.png

    Con chuột luyện đan là một NPC khá thú vị, tuy nhiên nhân vật chính của chúng ta không đàm đạo với nó câu nào - Ảnh: Kim.

    Trải nghiệm game Ngộ Không giống như đọc một cuốn truyện tranh hay vô cùng về thế giới Hậu Tây Du Ký. Chúng ta lật từng trang (đánh từng con boss) vì tò mò diễn biến tiếp theo, nhưng lại không nhập vai hay thông cảm được với nhân vật chính, vốn đơn sắc nên không thể cộng hưởng được với một dàn nhân vật phụ đa sắc màu, nhiều cá tính.

    Đáng lẽ Ngộ Không đã có thể làm được điều đó. Nó khiến tôi cảm thấy tiếc nuối vô cùng, khi lỗ hổng trong định hướng nội dung này không thể được vá lại.

    Nó cũng phần nào lý giải được những khác biệt trong cảm nhận game. Những game thủ “trải nghiệm qua YouTube” sẽ ngả người ra để thưởng thức game Ngộ Không như một bộ phim bom tấn hoành tráng. Còn tôi, một game thủ may mắn được chơi và chơi được game, thì lại cảm thấy thiếu thốn chút gì đó.

    Sau khi bị đả bại, Hắc Hùng Tinh quỳ xuống lạy lục, gọi tên Ấu Thánh, nhưng nhân vật chính của chúng ta không hề bộc lộ cảm xúc.

    Lời chỉ trích tiếp theo liên quan tới thế giới của game. Vì là game thuần hành động, nên yếu tố khám phá không được chăm chút. Dù rằng cảnh trí trong game đẹp vô cùng nhờ sức mạnh của Unreal Engine 5 cũng như tính tỉ mỉ cần cù của đội ngũ thiết kế đồ họa, nhưng việc nhân vật chính không thể di chuyển tự do trong thế giới ngăn người chơi có một trải nghiệm xuyên suốt.

    Để làm rõ, trong thiết kế game, thủ thuật “tường vô hình” được sử dụng nhằm ngăn người chơi đi vào những khu vực không có tác dụng gì ngoài để cho đẹp. Tuy nhiên, Ngộ Không lạm dụng thủ thuật này và xây nên rất nhiều những bức vách ngăn game thủ di chuyển tự do trong thế giới.

    Theo nhận định một nhà phát triển game Việt giấu tên, thì hành động này có lợi cho đại cục, khi giảm thiểu số bug một lập trình viên có thể gặp phải khi làm thế giới mở quá rộng. “Đến bé như Thần Trùng còn chặn đủ đường”, nhà phát triển này bình luận.

    Tường ẩn ở khắp nơi, khiến trải nghiệm "du ký" không được trọn vẹn.

    Trên đây một số lỗi đồ họa cũng như những yếu tố nội dung không ưng ý trong quá trình trải nghiệm game Ngộ Không. Nhưng nếu đặt lên bàn cân, thì rõ ràng cảm xúc vui vẻ và thỏa mãn vẫn có sức nặng hơn những phần mà Game Science còn làm chưa tốt. Một game thủ dễ tính có thể dễ dàng tha thứ cho Ngộ Không, một phần vì game là sản phẩm đầu tay của một nhà phát triển trẻ tuổi, phần lớn là vì đây là ... game Ngộ Không.

    Nhìn chung, trải nghiệm tốt mà Ngộ Không mang lại - bao gồm choáng ngợp trước cái hùng vĩ, bất ngờ trước đồ họa tuyệt đẹp, thỏa mãn trong giao chiến với yêu quái - đã lấn át những phần dở của game - bao gồm lỗi vặt, thiết kế bản đồ chưa tốt và nhân vật chính thiếu kết nối với người chơi.

    Hồi kết cho bài review

    Ở thời điểm bài viết này được thực hiện, tôi mới đi được gần nửa đường của cốt truyện bao gồm sáu Hồi; hiện tôi còn chưa biết liệu mình sẽ đạt được cái kết nào cho nhân vật chính. Theo những gì nghe ngóng được, cái kết của game Ngộ Không sẽ phụ thuộc vào những vật phẩm bạn thu được, cũng như những con trùm bạn đã đối phó.

    Black Myth: Wukong quả thực là tấm chân tình mà Game Science gửi tới người đam mê Tây Du Ký nói riêng và toàn bộ giới game thủ nói chung. Người ta so sánh Ngộ Không với series Dark Souls của Nhật Bản, với series God of War của Mỹ, hay với series The Witcher của Ba Lan. Nhưng thực tế, Ngộ Không sở hữu một nét rất riêng, cả về lối chơi lẫn bối cảnh. Ngộ Không hoàn toàn có thể trở thành một series Black Myth riêng tới từ Trung Quốc.

    Ngộ Không đã đủ mạnh mẽ để hiên ngang sánh vai với những tuyệt phẩm khác của làng trò chơi điện tử, mà cũng đã đạt được nhiều kỷ lục về số người chơi cùng lúc cao nhất, nhờ đó mãi mãi lưu danh trong cuốn lịch sử ngành game.

    Dựa trên bộ tiểu thuyết đồ sộ của Ngô Thừa Ân, Game Science đã thiết kế nên một tác phẩm đặc biệt. Vừa làm nức lòng những những con người quen thuộc với nhân vật Tề Thiên Đại Thánh, lại vừa “chèo kéo” được những game thủ chưa biết gì về Tây Du Ký đi tìm hiểu về sự phong phú của văn hóa Trung Hoa.

    Sự hiện diện của những nhân vật quen thuộc với văn hóa Châu Á như các vị Bồ Tát, Tứ Đại Thiên Vương, Nhị Lang Thần, hay những con yêu quái từng cản đường thầy trò Tam Tạng như Hắc Hùng Tinh, Kim Trì trưởng lão, sẽ khiến game thủ Châu Á hồ hởi đón nhận game Ngộ Không, như giang tay đón một người bạn thuở ấu thơ đi xa trở về.

    Ngộ Không đã trở thành mốc son mới của ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Trung Quốc. Thành tựu game đạt được ngày hôm nay không khác nào hành trình thỉnh kinh của thầy trò Tam Tạng: họ vượt ngàn chông gai - trải qua khó khăn của việc lập trình game trên một engine rất mới, thân cô thế cô - hoàn thiện Ngộ Không với đội ngũ khi mới thành lập chỉ vỏn vẹn vài chục người, thỉnh thoảng nhờ vả được thần tiên giúp đỡ - là chiêu mộ được nhân tài từ khắp chốn, là nhận nguồn vốn từ các bên, cũng như thu thập thành ý của những người tin tưởng Game Science sẽ làm nên chuyện.

    Hắc Thần Thoại: Ngộ Không đang được bán trên các nền tảng PC và PlayStation 5. Hiện Microsoft đang nỗ lực làm việc với Game Science để tối ưu game cho hệ máy Xbox nên chưa thể ấn định ngày ra mắt. 

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ