Robot do Toshiba chế tạo tiếp tục "tử nạn" trên đường đi thăm dò nhà máy hạt nhân Fukushima

    Tuấn Hưng,  

    Người máy được cử vào để dọn đường tuần trước đã bị "bỏng mắt", phải rút lại. Robot thăm dò lần này cũng "chết" luôn khi đang thực hiện nhiệm vụ.

    Lại tiếp tục một chú robot nữa “chết” vì đi quá sâu vào một trong những lò phản ứng của nhà máy Fukushima, với mục đích xác định vị trí và loại bỏ lõi hạt nhân bị nóng chảy. Đây là người máy xấu số thứ hai bị hỏng khi đang thực hiện nhiệm vụ thăm dò nhà máy điện tại Nhật Bản, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân khủng khiếp do cơn động đất và trận sóng thần hủy diệt gây nên hồi năm 2011.

    Robot này được thiết kế để điều tra lò phản ứng số hai, nơi được cho là vị trí mà lõi hạt nhân nóng chảy nằm dưới đó. Tuy nhiên khi chỉ cách mục tiêu 3 mét, một trong những bánh răng di chuyển của robot bị kẹt, tờ World Nuclear News cho biết. Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị điều hành nhà máy, đã quyết định ngắt điều khiển của con robot và bỏ mặc nó bên trong lò phản ứng. Đại diện của TEPCO chia sẻ với tờ Phys.org rằng họ hiện chưa rõ do phóng xạ hay gạch vụn đã ngăn chặn không cho người máy di chuyển.

    Dài 60cm và có hình dánh như một con bọ cạp, robot này được trang bị một camera ở phía trước và một camera ở phía đuôi, có thể “ngoe nguẩy” để nhìn xung quanh. Nó cũng được tích hợp cảm biến nhiệt độ và phóng xạ. Toshiba và Viện nghiên cứu Hạt nhân Quốc tế đã thiết kế cho robot này di chuyển trên bánh răng như xe tăng rộng khoảng 10cm để có khả năng vượt qua chướng ngại vật.

    Những hình ảnh cuối cùng mà robot này ghi lại được trước khi bị bỏ rơi

    Tính tới thời điểm hiện tại, đã có 7 robot bị hỏng khi được cử vào để quan sát lò phản ứng hạt nhân của Fukushima. Vào tháng 3/2016, tờ Reuters đã thống kê được 5 con. Vào tuần trước, một robot do thám được gửi vào để dọn đường cho robot bọ cạp nói trên, tuy nhiên đội ngũ điều khiển đã phải rút lại nó ngay sau 2 giờ hoạt động: camera của robot đã bị “nướng chín” vì mức độ phóng xạ cực cao, ước tính lên tới 650 sievert/h. (Để bạn đọc dễ hiểu hơn, một lần chụp quét cắt lớp vi tính CT Scan khiến bạn bị phơi nhiễm với 0,006 sievert, và 0,5 sievert đã khiến vật thể tiếp xúc nhiễm các triệu chứng nhiễm phóng xạ.)

    Đây tiếp tục là một sự thất bại của TEPCO bởi công ty này vẫn chưa gặt hái được thành công trong việc loại bỏ lõi hạt nhân phóng xạ bị nóng chảy khỏi 3 – 4 lò phản ứng cần tiêu hủy tại Fukushima Daiichi. Tuy vậy, TEPCO cũng cho biết rằng mức độ phóng xạ bên ngoài lò phản ứng không còn nguy hiểm, và người dân xung quanh sẽ không bị nhiễm bệnh.

    Theo TheVerge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ