'Rủ nhau' phá hoại cột phát sóng 5G vì COVID-19, dân Ireland và New Zealand đốt nhầm luôn cả cột phát 4G

    Anh Việt,  

    Trớ trêu thay, có không ít cột phát sóng 4G lại là…’nạn nhân’ bị đốt phá bởi những người phản đối công nghệ 5G.

    Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang lan rộng trên toàn thế giới, thuyết âm mưu ‘5G gây ra COVID-19’ lan truyền trên mạng đã kích động một làn sóng phá hoại các cột viễn thông tại Phương Tây. Sau khi 20 cột phát sóng 5G bị đốt phá tại Anh, các quốc gia khác như Hà Lan, Ireland hay New Zealand cũng ghi nhận các vụ việc phá hoại tương tự.

    Video: Một cột phát sóng 5G bị đốt cháy tại Hà Lan

    Theo lập luận của những người quá khích, COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán vì thành phố này gần đây đã triển khai mạng 5G và đang lan sang các thành phố khác -  những nơi cũng đang sử dụng 5G. Trong khi đó, một số thuyết âm mưu khác lại cho rằng mạng 5G phát ra bức xạ làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến con người dễ nhiễm virus hơn. Chính những tin tức giả kiểu vậy đã càng làm bùng thêm sự phẫn nộ của một bộ phận công chúng luôn phản đối 5G từ vài năm trở lại đây, với lý do 5G gây hại cho sức khỏe con người so với sóng 4G.

    Trớ trêu thay, có không ít cột phát sóng 4G lại là…’nạn nhân’ bị đốt phá bởi những người phản đối công nghệ 5G.

    Theo Vice, những người phản đối 5G tại Ireland đã đốt cháy 2 cột phát sóng di động của nhà mạng Eir tại khu vực Tây Bắc nước này vào Chủ nhật tuần trước. Đại diện của nhà mạng Eir sau đó xác nhận đây thực chất là những cột phát sóng 4G.

    Rủ nhau phá hoại cột phát sóng 5G vì COVID-19, dân Ireland và New Zealand đốt nhầm luôn cả cột phát 4G - Ảnh 2.

    Không ít cột phát sóng 4G đã bị những kẻ quá khích 'đốt oan'

    Tại New Zealand, những kẻ quá khích cũng đã phá hoại nhầm một cột phát sóng 4G tại khu vực Waiharara vào cuối tháng 3 vừa qua. Đáng nói, cột phát sóng này thuộc về chiến dịch Rural Airband Initiative – một chương trình hợp tác giữa Microsoft và nhà cung cấp Internet địa phương nhằm cải thiện tối đa tốc độ Internet không dây tại các vùng nông thôn hẻo lánh.

    Gần đây nhất, một đoạn video đăng tải trên Facebook cho thấy một người đàn ông ở ngoại ô thành phố Auckland (New Zealand) đã tưới xăng lên một đoạn dây cáp viễn thông của một trạm phát sóng di động. Đoạn video cũng cho thấy một người đàn ông khác đã liên tục chửi bởi, gọi 5G là ‘thứ công nghệ chết tiệt’, trước khi cả hai lái xe rời khỏi hiện trường. Cảnh sát sau đó đã xác nhận đoạn video nói trên có liên quan tới một vụ đốt phá trạm phát sóng viễn thông vào ngày 5/4.

    Rủ nhau phá hoại cột phát sóng 5G vì COVID-19, dân Ireland và New Zealand đốt nhầm luôn cả cột phát 4G - Ảnh 3.

    Các vụ đốt phá cột phát sóng viễn thông đang diễn ra nhiều hơn tại một số quốc gia Phương Tây

    Trước làn sóng đốt phá các cột phát sóng đang xảy ra tại một số quốc gia, một số mạng xã hội đã có những hành động quyết liệt nhằm loại bỏ các thuyết âm mưu ‘5G gây ra COVID-19’. Facebook mới đây đã xóa một group tập hợp những người phản đối công nghệ 5G tại Anh có tên Stop5GUK (Ngừng 5G tại Vương Quốc Anh), với khoảng 10 nghìn thành viên hoạt động tích cực. Trước đó, Youtube cũng đã xóa bỏ một số video có nội dung về thuyết âm mưu cho rằng sóng 5G là nguyên nhân gây COVID-19.

    Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của chính phủ các nước, một số diễn viên nổi tiếng John Cusack, Woody Harrelson và rapper MIA vẫn tiếp tục đăng tải các bài viết có nội dung đề cập tới mối liên quan giữa 5G và COVID-19. Tuy nhiên, những nghệ sĩ này không đưa ra bất kì bằng chứng khoa học nào để chứng minh mối quan hệ trên.

    Tham khảo Vice

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ