Tập đoàn công nghệ Hàn Quốc Samsung có thể sẽ sớm trở thành động lực lớn nhất thúc đẩy tiếp nhận dành cho Bitcoin, tiền mã hoá và Blockchain.
Samsung chủ động tích hợp tiền mã hoá
Trong khi giới đầu tư tiền mã hoá lúc này đang hướng mọi sự tập trung vào sự kiện giảm phần thưởng đào Bitcoin (halving) sắp tới, Samsung vẫn đang âm thầm trao sức mạnh sử dụng tiền mã hoá đến tay người dùng.
Vào tuần trước, gã khổng lồ công nghệ đang thống trị đến 19% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu đã giới thiệu những flagship mới nhất trong dòng Galaxy cao cấp, gồm 3 mẫu smartphone là Samsung Galaxy S20, S20 và S20 Ultra.
Đặc biệt, những smartphone này có thể hỗ trợ Bitcoin cùng nhiều đồng tiền mã hoá khác thông qua những tính năng tích hợp sẵn trong máy, vốn đã được Samsung triển khai cho dòng Galaxy S10 hồi năm ngoái. Trong mục mô tả sản phẩm trên website của mình, Samsung cho biết: “Chúng tôi đã tạo ra một bộ xử lý bảo mật chỉ để phục vụ mục đích bảo vệ mã PIN, mật khẩu, kiểu hình mở khoá và private key Blockchain của bạn. Kết hợp với nền tảng Knox, mọi bộ phận của thiết bị đều sẽ được bảo mật, từ phần cứng cho đến phần mềm, giữ cho dữ liệu cá nhân không bị lộ ra ngoài.”
Một tính năng nổi bật có tên là Blockchain Keystore sẽ cho phép người sử dụng lưu trữ private key đến ví tiền Bitcoin và tiền mã hóa ngay trên điện thoại.
Việc bảo quản private key để truy cập vào ví tiền kỹ thuật số thường là một trong những khía cạnh quan trọng nhưng lại hay bị bỏ qua nhất, khi đa phần nguyên nhân của các vụ hack sàn giao dịch và thất thoát tài sản đều là do người dùng không chịu trữ tiền trong các ví do mình trực tiếp quản lý hoặc hớ hênh để lộ private key.
Bên cạnh đó, cửa hàng Galaxy Store của Samsung còn cung cấp một ứng dụng ví tiền mã hoá có tên Blockchain Wallet, cho phép người dùng lưu trữ Bitcoin, Ethereum cùng một số token tiền kỹ thuật số khác ngay trên smartphone của mình.
Thái độ của các tập đoàn truyền thống đối với tiền mã hoá
Tốc độ tiếp nhận tiền mã hoá trong thời gian gần đây đã có dấu hiệu nguội lại, không còn giữ được sức nóng như thời điểm thị trường bùng nổ hồi cuối năm 2017. Nhiều người khi ấy đã tự tin vào viễn cảnh tiền kỹ thuật số sẽ được ứng dụng rộng rãi trong năm 2020, thế nhưng nhìn vào tình hình hiện tại thì dự đoán đó có vẻ như đã quá lạc quan.
Tuy nhiên, những động thái cởi mở hơn với Bitcoin và tiền mã hoá từ những tập đoàn công nghệ lớn như Samsung hay Twitter có thể sẽ giúp mang lại động lực lan tỏa các tiến bộ này đến với công chúng. Twitter hồi đầu tháng 2 này đã gây không ít sự chú ý khi giới thiệu hashtag có emoji riêng dành cho Bitcoin, tạo nên một trào lưu các bài viết đề cập đến đồng tiền mã hoá này và giúp nó lọt top các từ khóa hot.
Ngược lại, đối thủ lớn nhất của Samsung trong mảng smartphone là Apple thì lại chưa cho thấy bất kỳ động thái gì đối với cả lĩnh vực tiền kỹ thuật số lẫn blockchain. Đích thân CEO Apple Tim Cook đã bác bỏ những tin đồn rằng “nhà táo” sẽ sớm tiếp bước Facebook và phát triển một đồng tiền điện tử của riêng mình, mặc cho một quản lý cấp cao của công ty hồi năm ngoái đã khẳng định Apple đang “theo dõi” lĩnh vực tiền mã hoá.
Bên cạnh đó, một ứng dụng tiềm năng mới dành cho Bitcoin lại đang chuẩn bị thành hình ngay trong năm nay.
Bakkt, công ty con về Bitcoin và tiền mã hoá của Sàn giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), hồi tháng 10 năm ngoái tuyên bố sẽ ra mắt ứng dụng di động cho phép người tiêu dùng thông thường mua tiền kỹ thuật số vào năm 2020.
Dự kiến các đối tác đầu tiên của Bakkt sẽ là chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks, một trong những công ty đã đầu tư phát triển Bakkt từ ngày đầu, cùng tập đoàn Microsoft và Boston Consulting Group.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android