Nếu thua kiện, Samsung sẽ buộc phải cập nhật cho tất cả các dòng smartphone của mình trong vòng 2 năm kể từ ngày bán.
Cái giá để Android trở thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới là không mấy dễ chịu: hệ điều hành của Google bị phân mảnh trầm trọng và người dùng thì thường sẽ phải chấp nhận tiếp tục sử dụng các bản Android cũ ngay cả khi Google đã phát hành bản vá mới.
Theo Android Authority, một tổ chức phi chính phủ đại diện cho quyền lợi người dùng tại Hà Lan cho rằng, các nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. Consumentenbond, tổ chức nói trên, mới đây đã đưa Samsung ra tòa do hãng smartphone Hàn Quốc không cung cấp các bản cập nhật kịp thời cho người dùng.
Trong thông cáo báo chí chính thức, Consumentenbond khẳng định đã liên lạc với Samsung vào ngày 2/12, song do không nhận được phản hồi thỏa đáng, do vậy tổ chức này đã đệ đơn kiện công ty Hàn Quốc. Trong vụ kiện này, Samsung bị cáo buộc thực hiện các hành vi kinh doanh không công bằng vì người dùng không được biết điện thoại vừa mua của họ sẽ được cập nhật phần mềm trong bao lâu. Consumentenbond yêu cầu Samsung phải đưa ra "thông tin rõ ràng, không úp mở" về các bản cập nhật và bản vá bảo mật và phải đưa ra các bản cập nhật cho smartphone trong vòng 2 năm kể từ ngày mua.
Tổ chức phi chính phủ này cho rằng, có khoảng 82% điện thoại Samsung hiện đang không được cập nhật trong vòng 2 năm sau khi ra mắt. Consumentenbond cũng khẳng định công ty Hàn Quốc hiện đang là "hãng dẫn đầu" tại thị trường smartphone Hà Lan.
Tuyên bố chính thức của Samsung về vụ việc này chỉ bao gồm các thông tin chung chung: "Tại Samsung, chúng tôi hiểu rằng thành công phụ thuộc vào lòng tin của người tiêu dùng dành cho chúng tôi và các sản phẩm, dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Đó là lý do vì sau chúng tôi đã đưa ra cam kết trong những tháng gần đây nhằm thông báo với người dùng về tình trạng của các vấn đề bảo mật cũng như các biện pháp chúng tôi thực hiện để giải quyết các vấn đề này. Bảo vệ dữ liệu là ưu tiên tối ưu, và chúng tôi cố gắng để đảm bảo rằng các thiết bị chúng tôi bán ra cũng như thông tin lưu trữ trên các thiết bị này được bảo vệ an toàn".
Nếu như Consumentenbond thắng lợi trong vụ kiện này, phán quyết của tòa án Hà Lan sẽ tạo ra một tiền lệ đặc biệt tại châu Âu, nơi quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ một cách quyết liệt. Người dùng smartphone Samsung sẽ được bảo đảm an toàn thông tin và quyền riêng tư với chính sách cập nhật đang được Consumentenbond yêu cầu. Mặt khác, Samsung có thể phản bác lại rằng sức ép cập nhật smartphone là không công bằng. Nếu như tòa án Hà Lan buộc công ty Hàn Quốc phải thực hiện chính sách mới, Samsung hoặc sẽ phải giảm số lượng dòng sản phẩm bán ra hoặc phải gánh chịu chi phí hỗ trợ khổng lồ từ danh mục smartphone của mình.
Lê Hoàng/ICTNews/Theo VnReview
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI