Samsung, LG đầu tư sâu hơn để cung ứng công nghệ, linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô
Sự tăng trưởng chậm của các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi khiến 2 công ty này tìm kiếm cơ hội mới ở ngành công nghiệp ô tô.
LG Electronics cho biết họ đã được Rheinland – một công ty Đức chuyên cung cấp dịch vụ kiểm định chất lượng và an toàn cho các sản phẩm – chứng nhận an toàn cho các thành phần dành cho xe ô tô tự lái do hãng phát triển. Điều này cho thấy LG đang dấn thân sâu hơn vào ngành công nghiệp ô tô.
Cụ thể, LG tiết lộ họ đã nhận được giấy chứng nhận an toàn cho hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến và hệ thống thông tin giải trí, hiển thị trên xe. Những hệ thống này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sự an toàn cho xe tự lái.
Đây là lần thứ hai công ty công nghệ cao của Hàn Quốc nhận được giấy chứng nhận an toàn liên quan tới xe cộ, sau chứng nhận tương tự cho xe điện vào năm 2014.
Ông Kim Jin-yong, giám đốc bộ phận kinh doanh thông minh của LG Electronics cho biết: “Chứng nhận an toàn mới sẽ cho phép chúng tôi có lợi thế cạnh tranh trong ngành công nghiệp ô tô tự lái và xe điện”.
Đây là động thái mới nhất của LG để gia tăng sự hiện diện của họ trên thị trường xe kể từ khi thành lập một bộ phận chuyên phát triển các thành phần dành cho xe vào năm 2013. Công ty này đã cung cấp các thành phần xe điện khác nhau cho các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, bao gồm General Motors. Năm nay, bộ phận sản xuất xe của hãng dự kiến sẽ đạt doanh thu 3,5 nghìn tỷ won, tăng 26% so với năm ngoái.
Vào tháng 10, LG đã hợp tác với Qualcomm của Mỹ để phát triển công nghệ mạng thế hệ thứ 5 cho xe cộ, điều này rất cần thiết cho sự phát triển của các mẫu xe được kết nối.
Đối thủ quen thuộc của LG, Samsung Electronics, cũng đang nỗ lực để phát triển các công nghệ điện tử dành cho ô tô. Một trong số những nỗ lực của Samsung là mua lại nhà cung cấp hệ thống giải trí cho ô tô Harman của Mỹ với giá 8 tỷ đô la trong tháng 3. 5 tháng sau, Harman thành lập đơn vị kinh doanh chiến lược trong công ty để tập trung phát triển công nghệ dành cho những chiếc xe an toàn và thông minh hơn. Đơn vị này được đặt trong mối quan hệ hợp tác với Trung tâm Sáng kiến và Chiến lược Samsung.
Tháng 9 vừa qua, Samsung cũng thành lập một Quỹ Đổi mới Ô tô trị giá 300 triệu USD để thúc đẩy kinh doanh điện tử ô tô. Quỹ sẽ được sử dụng để đảm bảo công nghệ trong các lĩnh vực liên quan đến xe ô tô bao gồm cảm biến thông minh, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kết nối và bảo mật.
Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới cũng có thể chuyển sang cung cấp chip nhớ cho các loại xe khi mà thị trường này ngày càng yêu cầu nhiều kết nối và dữ liệu chuyên sâu hơn.
Lee Se-chul, một nhà phân tích của NH Investment & Securities, cho biết: "Samsung sẽ có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực ôtô - nếu họ tạo ra sức ép lớn - vì các loại xe tự lái và kết nối ngày càng đòi hỏi các chip nhớ hiệu năng cao hơn”.
Theo các nhà quan sát, chính mối lo ngại về sự tăng trưởng chậm chạp của các lĩnh vực như smartphone, chip di động và màn hình hiển thị đã khiến LG và Samsung tìm kiếm những nguồn thu nhập mới.
Giáo sư Kim Pil-soo của Đại học Dealim nói: “Có lợi thế về camera, cảm biến, chip và thiết bị, Samsung và LG dự kiến sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động kinh doanh xe – một thị trường ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các công ty công nghệ”.
Ông nói thêm: “Mặc dù LG hiện đang dẫn đầu thị trường linh kiện điện tử (so với Samsung) nhưng vẫn còn phải nhìn nhận ai sẽ là người chủ động vì cả hai vẫn đang trong giai đoạn mới tiếp cận với lĩnh vực xe hơi”.
Theo công ty nghiên cứu IC Insights của Mỹ, thị trường điện tử dành cho ô tô toàn cầu dự kiến sẽ đạt 169,6 tỷ USD trong năm 2021 (từ 135,6 tỷ USD) trong năm nay với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5,4%.
Tham khảo: Koreaherald
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"