Samsung quyết đòi lại những gì đã mất từ Xiaomi

    Nguyễn Hải,  

    Không lâu sau khi bị Xiaomi soán ngôi vị số một về thị phần smartphone tại Ấn Độ, Samsung đang cho thấy mình không phải là người dễ chấp nhận thất bại.

    Năm 2017, Samsung đã đánh mất vị thế độc tôn của mình ở thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới vào tay các đối thủ người Trung Quốc. Giờ đây họ đang nỗ lực để giành lại nó.

    Ngày 9 tháng Bảy vừa qua, người khổng lồ về điện tử Hàn Quốc khai trương một nhà máy sản xuất mới có diện tích hơn 140.000 m2 ở Noida, gần New Delhi. Nhà máy này sẽ tăng gấp đôi năng lực sản xuất của công ty ở Ấn Độ, từ mức 67 triệu thiết bị lên tới 120 triệu.

    Việc mở cửa nhà máy sản xuất mới đến chỉ một năm sau khi Samsung cam kết về một khoản đầu tư khổng lồ trị giá 4.915 Crore (tương đương 717 triệu USD) để tăng gấp đôi năng lực sản xuất smartphone và tủ lạnh ở quốc gia này.

    Samsung quyết đòi lại những gì đã mất từ Xiaomi - Ảnh 1.

    Gia tăng năng lực sản xuất tại địa phương sẽ cho phép họ tăng khối lượng và giảm thời gian cần thiết để giới thiệu các phiên bản sản phẩm mới.

    Jaipal Singh, nhà phân tích cấp cao tại hãng nghiên cứu IDC cho biết. “Phần nhiều sức cạnh tranh của Samsung phụ thuộc lớn vào cơ sở sản xuất của họ ở Trung Quốc. Nhà máy mới này sẽ chắc chắn mang lại cho Samsung một lợi thế để giảm thời gian đưa ra thị trường và địa phương hóa khả năng sáng tạo. Một điều rất rõ ràng: Samsung không thể để thua tại Ấn Độ.” Ông bổ sung thêm rằng, trên hết, quốc gia này vẫn là thị trường lớn nhất cho Samsung nếu tính theo khối lượng.

    Chiến đấu với các mối đe dọa

    Sáu năm trước, Samsung trở thành một người dẫn đầu không thể chối cãi về smartphone ở Ấn Độ. Tuy nhiên, vào năm ngoái, vị thế của họ đã bị lung lay dữ dội.

    Ông Tarun Pathak, phó giám đốc tại công ty Hong Kong, Counterpoint Analytics, cho biết. “Trong phân khúc dưới 150 USD (mức giá phải chăng), Samsung đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ Xiaomi, bởi vì họ không thể tận dụng một cách tích cực các kênh phân phối thương mại điện tử.”

    Năm 2017, công ty tại Bắc Kinh Xiaomi đã vượt mặt Samsung để trở thành người dẫn đầu thị trường trong phân khúc giá cả phải chăng, gia tăng thị phần của mình từ mức 6% lên tới 22% trong vòng một năm. Các thương hiệu khác của Trung Quốc như Vivo hay Oppo cũng tận dụng cơ hội này, khi gặm vào miếng bánh thị phần của Samsung.

    Samsung quyết đòi lại những gì đã mất từ Xiaomi - Ảnh 2.

    Ngay cả với các phân khúc smartphone cao cấp, các thương hiệu Trung Quốc cũng đang làm Samsung phải lao đao.

    Hãng điện thoại tại Thâm Quyến, OnePlus ra mắt từ tháng Mười Hai năm 2014, thì đến tháng Hai năm 2018 họ đã chiếm lĩnh 48% thị phần phân khúc cao cấp tại Ấn Độ, thông qua mức giá hấp dẫn và chiến lược tiếp thị truyền miệng độc đáo của mình.

    Các đối thủ khác cũng đang sẵn sàng nhảy vào sân chơi này. Ví dụ như Apple, cho dù mới chỉ nắm giữ chưa tới 3% miếng bánh tại Ấn Độ, cũng đang thực hiện các bước đi để xâm nhập vào sâu hơn thị trường này. Bên cạnh việc để mắt tới các cửa hàng bán trực tiếp, công ty cho biết họ cũng đang tìm cách sản xuất iPhone 6S tại quốc gia này để giảm chi phí.

    Nhưng triều đại của Samsung tại nơi này có thể vẫn chưa đi đến hồi kết.

    Khi chính phủ Ấn Độ tăng mạnh thuế quan với các điện thoại nhập khẩu từ mức 15% lên 20% vào đầu năm nay, các công ty như Apple đã bị một cú đánh mạnh. Trong khi đó, theo Pathak, Samsung với sự hiện diện từ lâu của các cơ sở sản xuất tại quốc gia này, phần lớn sẽ không bị tổn thương.

    Đối với mối đe dọa từ OnePlus, “Samsung không hiện diện tích cực trong phân khúc từ 30.000 Rupee đến 40.000 Rupee. Có lẽ họ có thể định vị một số sản phẩm ở đó.” Ông Pathak bổ sung thêm. “Samsung vẫn có một hình ảnh thương hiệu mạnh và mức giá bán tổng thể của thị trường smartphone Ấn Độ đang tăng lên.”

    Tham khảo Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ