Samsung Việt Nam: Xuất khẩu 20 tỉ USD, nội địa hoá 20%

    PV,  

    Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đang hoạt động tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) có vốn đầu tư 2,5 tỉ USD, đã giải ngân 1,2 tỉ USD, thu hút 40.000 lao động, ước tính xuất khẩu 20 tỉ USD trong năm 2013, chủ yếu là điện thoại di động.


     Tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam Shim Won Hwan

    Ông Shim Won Hwan. Tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam

    Xuất khẩu 20 tỉ USD, nội địa hoá 20%

    Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đang hoạt động tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) có vốn đầu tư 2,5 tỉ USD, đã giải ngân 1,2 tỉ USD, thu hút 40.000 lao động, ước tính xuất khẩu 20 tỉ USD trong năm 2013, chủ yếu là điện thoại di động.

    Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng, SEV chưa đóng góp nhiều cho kinh tế Việt Nam, thể hiện từ việc thúc đẩy công nghệ phụ trợ, đóng góp vào ngân sách nhà nước… Hôm qua, 9.7.2013, tổng giám đốc SEV Shim Won Hwan đã có cuộc gặp giới truyền thông để giải đáp những bức xúc của dư luận.

    Dư luận cho rằng SEV đã có nhiều ưu đãi về chính sách nhưng đóng góp của SEV còn quá ít. Ông giải thích vấn đề này như thế nào?

    Theo quy định của Nhà nước Việt Nam, vì được xếp vào doanh nghiệp công nghệ cao nên SEV được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, trong đó sẽ được miễn thuế trong bốn năm đầu, giảm 50% trong chín năm tiếp theo. Ngay từ năm đầu hoạt động, SEV đã đóng thuế cho Nhà nước Việt Nam. Nếu tính cả các khoản thuế nhập khẩu, tính đến hết năm 2012, SEV đã đóng góp 3.204 tỉ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, do giá trị xuất khẩu lớn nên SEV đã được hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, đồng thời được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp nên tổng số tiền mà SEV đóng góp khoảng 680 tỉ đồng, trong đó có cả khoản thuế nộp thay nhà thầu.

    Theo quy định, năm 2013, SEV sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, nghĩa là phải đóng 5% thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong năm tháng đầu năm 2013, SEV đã nộp ngân sách 35,4 triệu USD nhưng trừ các khoản ưu đãi, được khấu trừ khoảng 18 triệu USD nên số tiền thực nộp là 17,3 triệu USD (tương đương 365 tỉ đồng). Chúng tôi làm đúng với những quy định của Nhà nước Việt Nam. Một đóng góp khác của SEV là góp phần gia tăng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thông qua các ngành công nghiệp phụ trợ với sự hoạt động của 60 đối tác nước ngoài đang sản xuất và cung cấp linh kiện cho tổ hợp SEV.

    Ông có thể cho biết các doanh nghiệp Việt tham gia vào quy trình sản xuất của SEV hiện nay như thế nào?

    Cách đây năm năm, khi giới thiệu về SEV, chúng tôi chỉ nói đến điện thoại giá rẻ nhưng hiện nay đã thay đổi. Khi xu hướng sản xuất thay đổi thì yêu cầu về linh kiện cũng phải thay đổi. Trong khi các doanh nghiệp trong nước không thể đáp ứng, chúng tôi phải nhập từ các đối tác nước ngoài nên giá trị nhập khẩu khá cao. Trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hoá. Đây là điều kiện để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. SEV có 60 đối tác, trong đó có khá nhiều đối tác Hàn Quốc vì họ là những đối tác lâu đời, đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật của Samsung trên toàn cầu. Năm 2012, tại SEV, tỷ lệ nội địa hoá là 16%, còn năm nay sẽ nâng lên 20%.

    Trong số lượng các đối tác của SEV, có năm đối tác Việt Nam. Vì trình độ chưa cao nên các đối tác Việt Nam chỉ tham gia vào những công đoạn đơn giản: đóng gói sản phẩm, bao bì, in ấn… Trong các đối tác nước ngoài, theo tôi được biết, họ cũng có các đối tác Việt Nam.

    Trước mắt, các đối tác Việt Nam chưa đóng góp nhiều nhưng trong tương lai các đối tác nước ngoài sẽ chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong tương lai, tôi tin các doanh nghiệp Việt Nam sẽ là đối tác trực tiếp của SEV.

    Cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và các doanh nghiệp. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, còn các doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm đầu tư công nghệ để phát triển công nghiệp phụ trợ. Nếu Việt Nam có công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ là yếu tố quan trọng thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.

    Ông đánh giá hiệu quả đầu tư của SEV so với các nhà máy của Samsung trên thế giới thế nào?

    SEV là nhà máy có quy mô lớn nhất của Samsung trên toàn cầu. Từ nhà máy có quy mô lớn nhất cho đến nhà máy tốt nhất cần phải có thời gian thực hiện. Là nhà máy còn non trẻ nên lượng lao động có tay nghề còn thấp, ý thức lao động chưa cao. Vì mới đi vào hoạt động nên tôi chưa thể đánh giá hiệu quả. Tôi chỉ có thể dẫn chứng, nhà máy Samsung tại Trung Quốc có tỷ lệ nội địa hoá là 40%, nên chỉ số hiệu quả sẽ cao hơn SEV khi tỷ lệ nội địa mới 20%.

    Theo Sài Gòn Tiếp Thị

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày