Samsung với kế hoạch xâm nhập thị trường xe hơi tự lái nhằm bứt phá lợi nhuận trong tương lai
Samsung hiện đang kiếm lời từ mảng bán dẫn và màn hình OLED. Tuy nhiên với việc nhiều nhà sản xuất bán dẫn nhỏ đang trỗi dậy mạnh mẽ, họ phải tìm một con đường mới để đảm bảo duy trì và thậm chí là bứt phá về mặt lợi nhuận trong tương lai.
Năm 2017 được dự báo sẽ là năm có mức lợi nhuận cao nhất của Samsung Electronics từ trước đến nay, và năm 2018 được cho là sẽ phá vỡ kỷ lục của năm 2017. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người, thành công này không xuất phát từ mảng điện thoại, TV hay một số sản phẩm thương hiệu khác, mà lại đến từ mảng sản xuất linh kiện bán dẫn và màn hình OLED.
Vào đầu năm nay, Samsung đã "đạp đổ" Intel để trở thành nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới. Các linh kiện của Samsung như chip và màn hình được sử dụng rộng rãi trên nhiều smartphone của các công ty đối thủ, trong đó có iPhone của Apple. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, chip và màn hình sẽ tiếp tục là dòng sản phẩm sinh lời số một cho Samsung trong những năm tới, mà theo một bản thông cáo báo chí gần đây của Samsung thì: "công ty kỳ vọng sẽ kiếm lời chủ yếu từ mảng kinh doanh linh kiện, trong bối cảnh thị trường bộ nhớ hiện vẫn khá màu mỡ, đồng thời cũng kỳ vọng rằng doanh số tấm nền OLED dẻo cũng sẽ tăng lên".
Thế nhưng Samsung sẽ không thể lệ thuộc mãi vào mảng bán dẫn được. Định luật Moore - vốn cho rằng các bóng bán dẫn trên một chip bán dẫn sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm - sẽ sớm không còn tác dụng, và trong thập kỷ tới, các nhà sản xuất bán dẫn giá rẻ hơn sẽ bắt kịp các sản phẩm cao cấp nhất hiện nay của Samsung, dẫn đến việc các công ty công nghệ sẽ không nhất thiết phải bỏ tiền mua các linh kiện do Samsung sản xuất nữa để tiết kiệm chi phí.
Thay đổi chiến thuật
Đó là nguyên nhân tại sao Samsung Electronics lên kế hoạch thâu tóm nhiều công ty hơn nữa trong năm 2018. Young Sohn - chủ tịch và là giám đốc chiến lược của Samsung Electronics - trong một bài phỏng vấn với Reuters tuần trước đã tuyên bố rằng công ty sẽ theo đuổi chiến lược Sáp nhập và Thâu tóm (M&A) trong thời gian đến.
Young Sohn - Chủ tịch, Giám đốc chiến lược của Samsung
Young Sohn đã tiết lộ một số thông tin ban đầu về chiến lược của Samsung Electronics trong năm 2018. Theo đó, Samsung sẽ tập trung mạnh vào 3 lĩnh vực chính: xe hơi, y tế kỹ thuật số (đặc biệt là y tế dự phòng), và kinh doanh phần mềm. Có thể thấy điện thoại di động và linh kiện bán dẫn - vốn được xem là hai lĩnh vực truyền thống của Samsung - không hề nằm trong danh sách này.
Mặt khác, các lĩnh vực nêu trên đều không phải là thế mạnh của Samsung Electronics, ngay cả khi họ có lãnh đạo là một cựu binh từ thung lũng Silicon như Sohn.
"Tôi không phải là một con người chỉ tập trung theo đuổi di động, bán dẫn và thông tin liên lạc" - ông phát biểu.
Mặc dù ưu tiên của Sohn ở thời điểm hiện tại là di động và chip, nhưng có vẻ cả ông lẫn công ty đều đang có chung một giấc mơ về tương lai của xe hơi.
"Chúng tôi thấy viễn cảnh của xe hơi sẽ rất khác so với ngày nay. Những gì diễn ra trong tương lai sẽ tương tự như những trải nghiệm đối với smartphone ngày nay. Và điều đó không có nghĩa chúng tôi sẽ thoả hiệp an toàn hay bảo mật, mà là đạt được sự tiện lợi và công nghệ có thể mang đến nhiều thông tin liên quan hơn đối vởi trải nghiệm lái xe của khách hàng. Và thậm chí xe hơi tự hành hoàn toàn là một thực tại có thể xảy ra, và chúng tôi rất hào hứng với điều đó khi nghĩ đến những tiềm năng nó mang lại".
Concept xe EOLAB của Renault Samsung Motors tại Triển lãm Motor Seoul 2015
Những thương vụ thâu tóm gần đây của Samsung cho thấy phần nào ý định nghiêm túc của họ đối với kế hoạch đã đề ra. Vào tháng 3, Samsung Electronics mua lại công ty chuyên sản xuất thiết bị âm thanh xe hơi Mỹ Harman với giá 8 tỷ USD - trở thành thương vụ đắt đỏ nhất trong lịch sử Samsung Electronics. Đến tháng 9, họ tuyên bố thành lập một quỹ trị giá 300 triệu USD để đầu tư vào các công ty và startup xe hơi, đồng thời thành lập một bộ phận kinh doanh tập trung vào xe hơi tự lái. Cần biết rằng, Samsung đã được cấp phép thử nghiệm xe tự lái tại Hàn Quốc và California (Mỹ).
Xe hơi do Samsung sản xuất?
Không nhiều người biết rằng công ty mẹ của Samsung Electronics đã từng sản xuất hơn 100.000 chiếc xe hơi tại thị trường Hàn Quốc. Đó chính là Samsung Motors, thành lập năm 1994, nhưng đã bị cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đánh đổ, rồi một lần nữa trỗi dậy vào năm 2000 với tên gọi mới là Renault Samsung Motors - một chi nhánh của công ty xe hơi Pháp Renault.
Phải chăng trong thời gian tới chúng ta sẽ được thấy những chiếc xe hơi tự lái của Samsung lăn bánh trên đường phố Mỹ? Có lẽ không, nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi. Young Sohn đã nhấn mạnh rằng Samsung Electronics sẽ song hành cùng các công ty xe hơi, nhằm phát triển các công nghệ để các chi nhánh của họ đưa vào xe của mình.
Công nhân tại phân xưởng lắp ráp xe hơi Renault Samsung Motors tại Busan, Hàn Quốc
Giáo sư Sangin Park đến từ Đại học Quốc gia Seoul, người đã viết một cuốn sách về Samsung, đã nói rằng Samsung có thể sẽ phát triển các bản thiết kế (xe hơi) của riêng mình chứ không chỉ "làm nền" ở phía sau.
"Nếu Samsung tiến hành nhiều thương vụ M&A như vậy, rõ ràng mục tiêu của họ không chỉ là cung ứng linh kiện".
Một điều rõ ràng là Samsung cần phải tìm ra được "bán dẫn" tiếp theo của họ - có thể là một hoặc một nhóm sản phẩm giúp họ bứt phá về mặt lợi nhuận.
"Bước đi này của Samsung là một phần trong chiến lược lâu dài của họ nhằm tìm kiếm hướng đi mới cho cả tập đoàn" - Giáo sư Park nói.
Tham khảo: Forbes
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Intel chìm trong khó khăn, buộc chính phủ Mỹ phải ra tay giải cứu, đề xuất cả một thương vụ sáp nhập "không tưởng"
Để giải cứu Intel, chính phủ Mỹ không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn nghiên cứu về đề xuất sáp nhập với đại kình địch AMD.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương