Hãng gia công bán dẫn lớn nhất thế giới, TSMC, hiện đang gặp sự cố lớn về sản lượng dây chuyền 28nm. Nhiều nguồn tin công nghiệp cho hay. Điều này dẫn đến hệ quả là nhiều sản phẩm công nghệ dựa trên các chip 28nm có thể sẽ xuất hiện với số lượng rất thấp trong thời gian tới.
Nhiều bạn đọc GenK có thể chưa từng nghe nói tới TSMC, UMC hay Global Foundries (
GF). Nhưng đấy là những cái tên quan trọng trong giới công nghiệp điện tử bán dẫn: họ là một trong các hãng gia công chip lớn nhất thế giới. Nhờ có họ, ngày nay các sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao mới có thể xuất hiện "nhan nhản" ở khắp các nơi trong đời sống thường nhật của chúng ta. Và lần này,
sự cố dây chuyền 28nm của TSMC bước đầu để lại nhiều trục trặc cho một số cái tên lớn: AMD, NVIDIA và Qualcomm.
Một mẫu thiết kế 28nm tại Fab 12 của TSMC.
Các tín đồ công nghệ đồ hoạ hẳn sẽ biết đến 2 dòng sản phẩm mới đây nhất của AMD là
Radeon HD 7000 và của NVIDIA là
GeForce 600. Cả 2 dòng sản phẩm trên đều sử dụng các transistor 28nm do TSMC sản xuất. Còn với tín đồ di động, con chip
Snapdragon S4 của Qualcomm hiện có mặt trong các dòng sản phẩm của ASUS, HTC, ZTE... cũng xuất phát từ dây chuyền trên của TSMC. Điều này có nghĩa nếu dây chuyền 28nm của TSMC "đau ốm" thì giám đốc sản xuất các dây chuyền HD 7000 hay GeForce 600 hay Snapdragon S4 đều đứng ngồi không yên.
Và trong tình cảnh hợp đồng bàn giao sản phẩm đã ký kết, nhưng chip vẫn chưa về tới kho hàng, một vài người đã bắt đầu xoay qua tìm nguồn cung khác. Được biết Qualcomm đã chuyển một số đơn đặt hàng sang UMC, hiện đang bắt đầu tiến sang gia công các chip 28nm. Song với AMD lẫn NVIDIA, các chip họ đặt hàng gia công có kết cấu hết sức phức tạp (chip Tahiti có 4,3 tỷ transistor còn GK104 là 3,54 tỷ trans - 2 chip 28nm lớn nhất hiện nay) nên không dễ tìm nguồn thay thế. Thông thường mất ít nhất 1 quý (3 tháng) để bản thiết kế chip ra được thành phẩm. Do vậy nếu AMD hay NVIDIA chuyển qua UMC hoặc GF (đều có khả năng làm chip 28nm), sớm nhất cũng phải tới Q3 năm nay, vấn đề nguồn cung mới có thể được "giải nhiệt".
UMC cũng đã có thể gia công các chip 28nm.
Thực tế vấn đề sản lượng 28nm của TSMC đã bị nghi vấn từ lâu. Từ cuối 2011, có tin cho hay Apple sẽ chuyển đơn đặt hàng
gia công chip A6 sang TSMC, nhằm "tránh va chạm" với Samsung vì cùng là đối thủ trên mặt trận di động (các chip A4, A5, A5X của Apple thực ra do Samsung sản xuất trên dây chuyền 45nm). Nhưng cho tới nay, vẫn chưa thấy dấu hiệu nào của A6. Và vấn đề sản lượng 28nm của TSMC có thể là lời giải thích hợp lý nhất trong tình huống này.
Bạn đặt câu hỏi: tại sao phải là TSMC mà không phải UMC, GF hay SMIC? Lý do: sản lượng của mỗi hãng. Theo thứ tự về sản lượng wafer 32/28nm, TSMC hiện đang ở vị trí dẫn đầu. UMC đứng thứ 2 nhưng chỉ bằng... 1/5 số lượng của TSMC. GF nằm trong liên minh Common Platform (cùng Samsung và IBM), tuy vậy phần lớn wafer GF xuất ra là 32nm, chủ yếu là CPU / APU cho AMD. Bản thân Samsung sản xuất ra chip 28nm chủ yếu dùng cho "chính mình". Còn SMIC hiện vẫn chưa có được dây chuyền 28nm, nên không cần bàn về khả năng gia công cho AMD, NVIDIA hay Qualcomm.
So sánh về sản lượng wafer 32/28nm do GF cung cấp.
Trả lời với
bit-tech, phát ngôn viên Elizabeth Sun của TSMC cho hay: "Chúng tôi đang hết sức nỗ lực giải quyết vấn đề thiếu hụt sản lượng 28nm. Không chỉ các nhà máy (fab) của chúng tôi đang vắt kiệt hết mức, mà chúng tôi còn lên kết hoạch tăng thêm chi phí đầu tư (xây dựng) cho (dây chuyền) 28nm trong năm nay".
Vấn đề là xây dựng nhà máy cần có thời gian. Sau đấy mất thêm một khoảng nữa để cài đặt thiết bị và sản xuất thử nghiệm. Rồi mới tiến hành sản xuất hàng loạt. Thông thường mất khoảng 6 tháng để các bước này hoàn tất và khoảng 3 tháng để bản thiết kế ra được con chip. Trong tình cảnh này, chúng ta không hy vọng sẽ nhiều sản phẩm công nghệ dùng chip 28nm sớm xuất hiện trong thời gian tới...
Tổng hợp