Sao Google, Apple, Amazon lại cùng lao đầu vào trợ lý ảo? Họ kiếm tiền từ chúng ta như thế nào?

    Ngocmiz,  

    Những gã khổng lồ công nghệ sẽ kiếm tiền trực tiếp từ các trợ lý ảo của mình hay còn có mục đích nào cao hơn nữa?

    Apple, Amazon và Google cùng các trợ lý ảo Siri, Alexa hay Google Assistant có thể khiến cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn khi làm hộ được những tác vụ như gọi xe, đặt pizza hay kiểm tra thời tiết.

    Thế nhưng cũng như bất cứ sản phẩm miễn phí nào của các ông lớn công nghệ, các trợ lý ảo này cũng sẽ phải có nguồn doanh thu nào đó để tồn tại. Tuy cả 3 công ty hiện nay đều chưa công bố những kế hoạch cụ thể cho các trợ lý ảo của mình nhưng chúng đều có mở ra rất nhiều tiềm năng thu về lợi nhuận. Một trong những tiềm năng đó là giúp các công ty trên có được nhiều dữ liệu hơn về sở thích, thói quen của người dùng trong cuộc sống hàng ngày.

    Sridhar Narayanan, giáo sư Marketing của ĐH Stanford cho rằng “Rất có khả năng các công ty này hướng đến một kho dữ liệu sâu hơn về người dùng. Mặc dù Google và các công ty công nghệ khác đã nắm trong tay khá nhiều dữ liệu về chúng ta, nguồn dữ liệu từ các trợ lý ảo này lại đáng giá theo một cách khác.”

     Siri trên iOS

    Siri trên iOS

    Cuộc đua trợ lý ảo giữa các đại gia công nghệ bắt đầu nhen nhóm từ 2011, khi Apple mới ra mắt Siri, ứng dụng thu được từ một startup mà hãng mua lại vào 2010. Ứng dụng này sau đó đã được coi là không quá tiện ích và mang tính cách mạng như những gì Apple đã khẳng định trước đó.

    Thế nhưng khi các phần mềm nhận diện giọng nói và xử lý ngôn ngữ ngày càng được nâng cấp, các công ty công nghệ lớn lại bắt đầu có nhiều tham vọng hơn với các trợ lý ảo.

     Alexa trên chiếc loa thông minh Echo của Amazon

    Alexa trên chiếc loa thông minh Echo của Amazon

    Alexa của Amazon chính là hồn sống của thiết bị trợ lý giọng nói Echo được hãng tung ra với giá 199 USD năm 2014. Echo đã gây được sự chú ý rất lớn và được ước tính là đã bán được tới 3 triệu chiếc chỉ tính riêng tại Mỹ. Ngoài xử lý giúp người dùng các tác vụ thông thường, Alexa còn chơi được nhạc, đặt lại các món đồ bạn đã mua online qua Amazon và kết nối với các dịch vụ ngoài như Uber, cho phép bạn đặt xe nhanh chóng chỉ bằng giọng nói.

    Google gần đây cũng mới cho ra mắt một thiết bị tương tự Echo là Google Home với trợ lý Google Assistant bên trong. Apple cũng được cho là đang lên kế hoạch thiết kế một sản phẩm thông minh trong nhà của riêng mình và chuẩn bị cho Siri điều khiển cả các dịch vụ của bên thứ ba trên nền tảng của mình.

    Kiếm tiền thế nào?

    Một trợ lý ảo hữu ích và được người dùng ưa chuộng có thể hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động kinh doanh chính của các ông lớn công nghệ này, dễ thấy nhất là giúp họ bán được các sản phẩm phần cứng chứa trợ lý ảo như điện thoại, loa thông minh,…Trong trường hợp của Amazon, Alexa còn giúp cho việc mua sắm trên trang thương mại điện tử của Amazon trở nên dễ dàng hơn. Và nếu các trợ lý ảo như Siri có thể giúp các công ty ngoài Apple tăng lượng người dùng (chẳng hạn như kết nối người dùng tới cho các công ty đặt món online mỗi khi họ gọi qua Siri) thì Apple hoàn toàn có thể chia sẻ doanh thu với các dịch vụ bên thứ ba này.

    Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, chúng ta sẽ thấy rằng đối với các công ty công nghệ, dữ liệu người dùng thu được từ các trợ lý ảo này thậm chí còn đáng giá hơn cả mô hình chia sẻ doanh thu kể trên.

    Hãy lấy ví dụ như mảng quảng cáo của Google – đã và đang giúp công ty thu về hàng tỷ USD bởi nhắm đúng sở thích của người dùng và khiến họ dễ dàng click vào mua hàng, bất kể là họ đang tìm kiếm món đồ gì. Có lẽ chính vì vậy mà giám đốc mảng tìm kiếm của Google John Giannandrea đã có vẻ rất lưỡng lự khi được hỏi Google Assistant sẽ giúp công ty kiếm tiền ra sao.

    Một cuộc trò chuyện với trợ lý ảo Google Assistant về kỳ nghỉ sắp tới của bạn có thể hé lộ nhiều về thói quen và sở thích của bạn hơn cả một loạt từ khóa bạn tìm kiếm rất nhiều, đặc biệt là khi kết hợp với hàng loạt các dữ liệu sẵn có khác mà Google đã nắm được về bạn. Trong tương lai, Google có thể sẽ cho phép các nhà quảng cáo, các công ty gửi cả những tin nhắn trả phí cho khách hàng tiềm năng mỗi khi họ yêu cầu Google Assistant tìm kiếm một doanh nghiệp hay dịch vụ gì đó.

    Giáo sư Narayanan cho biết những thứ như vậy đặc biệt rất hữu ích cho các nhà quảng cáo. Nhiều thông tin về người dùng hơn giúp họ quyết định tốt hơn từ chủng loại sản phẩm, mức giá nên đưa ra cho tới cách phân phối sản phẩm ở các khu vực khác nhau.

    Tương tự như vậy, Alexa cũng giúp hoàn thiện kho dữ liệu về thói quen mua sắm mà Amazon đã có về người dùng. Nắm được sở thích người dùng giúp công ty hiểu rõ hơn họ thích gì để đưa ra những gợi ý sản phẩm chính xác và cá thể hóa tới từng người dùng, cuối cùng là tăng khả năng họ mua hàng trên Amazon, hiện vẫn đang là mảng kinh doanh cốt lõi của Amazon.

    Những mục đích khác?

    Mặc dù vậy, giáo sư Steven Tadelis của ĐH California, Berkley vẫn cho rằng các đại gia xây dựng nên các trợ lý ảo này có lẽ chưa buồn lo tới mô hình kinh doanh cho chúng.

    Cụ thể, ông nhận định rằng những sản phẩm phụ thêm này có thể giúp gắn kết tốt hơn mối quan hệ giữa các công ty với người dùng của mình. Đây chính là điều phải làm để luôn theo sát các đối thủ và giữ chân người dùng ở lại nền tảng của mình. Còn về cách mà các công ty này có thể kiếm tiền từ các sản phẩm như vậy thực sự có thể rất vô vàn. Ông thậm chí còn chia sẻ “Tôi sẽ không ngạc nhiên gì nếu 2-3 năm nữa các công ty này bắt đầu thu được lợi nhuận từ các trợ lý ảo theo những cách mà chúng ta không thể tưởng tượng ra nổi.”

    Những cơ hội kiếm tiền như vậy chắc chắn sẽ rộng mở hơn với các công ty sở hữu trợ lý ảo phổ biến được nhiều người tin dùng. Hiện vẫn khó mà nói chắc được liệu người dùng sẽ thích Google Assistant hay Alexa hơn nhưng bản thân Siri đã được công nhận rộng rãi là một sự thổi phồng quá mức về tính hữu dụng từ Apple.

    Norman Winarsky, một quản lý cấp cao của quỹ Relay Venture và cũng là đồng sáng lập Siri cho rằng thiết kế nên các trợ lý giọng nói đúng với những gì các công ty quảng cáo từ trước thực ra là hoàn toàn có thể bằng cách kết hợp các nguồn dữ liệu phù hợp về người dùng cũng như những thứ xung quanh họ. Lẽ thường phần mềm không thể hiểu được các tình huống của người dùng để đưa ra các gợi ý chính xác như con người nhưng chúng có thể “ăn gian” bằng cách nhìn vào thông tin, dữ liệu về các hoạt động trước đây của họ.

    Giáo sư Narayanan cũng đồng ý với quan điểm này và nhận định rằng chính điều này sẽ làm nóng thêm cuộc đấu giữa Apple và Google (cho dù Apple vẫn khẳng định công ty luôn tránh khai thác dữ liệu người dùng). Hai hệ điều hành phổ biến của Google và Apple cùng các ứng dụng, dịch vụ đi kèm với chúng có thể cung cấp cho các trợ lý ảo một lượng dữ liệu khổng lồ để chúng có thể trở nên cực kỳ thông minh trong mắt người dùng. Trong khi đó, Amazon lại có những thông tin rất đáng giá về thói quen mua sắm của hàng triệu người dùng, dù hãng cũng sẽ có những bất lợi nhất định khi so với hai gã khổng lồ kia nếu như không có các đối tác lớn.

    Tham khảo MIT Technology Review

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ