Sắp có băng tần “kim cương” để cung cấp dịch vụ 4G giá rẻ

    PV,  

    Sau khi triển khai xong Đề án số hóa truyền hình sẽ giải phóng được băng tần 700Mhz để cung cấp dịch vụ băng rộng. Băng tần này được nhiều nước trên thế giới so sánh với Kim cương vì có ưu điểm tối ưu trong truyền sóng, có thể triển khai cung cấp dịch vụ 4G giá rẻ về nông thôn.

    Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, Bộ TT&TT quyết tâm triển khai thành công Đề án số hóa truyền hình sớn hơn dự kiến. Khi số hóa truyền hình xong sẽ giải phóng được băng tần 700Mhz vào khai thác dịch vụ băng rộng.

    “Đối với các nước trên thế giới băng tần 700Mhz được coi là là băng tần quý hiếm. Nếu các băng tần khác được coi là vàng thì 700Mhz được xếp hạng là băng tần kim cương. Khi đưa vào khai thác sẽ mang lại hiệu quả to lớn không chỉ cho ngành viễn thông mà còn cho phát triển kinh tế xã hội. Với ưu điểm truyền sóng tối ưu ở băng tần này có thể cung cấp dịch vụ 4G ở nông thôn với giá rẻ. Với tiến độ triển khai Đề án số hóa truyền hình như hiện nay có thể đưa vào khai thác băng tần này sớm hơn dự kiến”, ông Hoan cho biết.

    Liên quan đến cấp phép phát triển 4G trên băng tần 2600Mhz, tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn với Cục Tần số Vô tuyến điện vào sáng ngày 6/5/2016, ông Đoàn Quang Hoan cho biết, Cục Tần số Vô tuyến điện đã trình lãnh đạo Bộ dự thảo hồ sơ đề nghị thành lập Hội đồng đấu giá băng tần theo Quyết định Thủ tướng Chính phủ, Cục cũng đã có dự thảo hồ sơ mời thầu để chuẩn bị cho việc tổ chức đấu giá băng tần 4G. Ông Hoan kiến nghị, lãnh đạo Bộ khẩn trương chỉ đạo về việc triển khai các thủ tục theo quy định để tổ chức đấu giá băng tần 4G cho các doanh nghiệp.

    “Nếu việc tổ chức đấu giá hoàn thành trong năm nay để cấp phép thì doanh nghiệp được cấp phép cũng phải mất thêm một năm để chuẩn bị đầu tư, như vậy chỉ có thể cung cấp dịch vụ vào 2018”, ông Hoan nói.

    Ông Hoan cũng chia sẻ kinh nghiệm để triển khai 4G của một số nước trên thế giới, theo đó việc phát triển lưu lượng dữ liệu di động và ARPU phụ thuộc vào thời điểm cấp phép 4G. Tại các nước đã có cấp phép 4G và triển khai 4G đều có tăng đột biến lưu lượng data dịch vụ.

    Về vấn đề triển khai cấp phép 4G, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn giao cho Cục Tần số Vô tuyến điện chủ trì, phối hợp với Cục Viễn thông, Vụ Khoa học Công nghệ và các đơn vị của Bộ khẩn trương triển khai nghiên cứu đánh giá các kinh nghiệm của các nước đã triển khai, xem xét nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, nhu cầu người sử dụng dịch vụ, tác động và hiệu quả của việc triển khai 4G tới thị trường viễn thông. Sau khi nghiên cứu, đánh giá sẽ trình lãnh đạo Bộ xem xét.

    “Phải coi việc triển khai cấp phép cung cấp dịch vụ 4G là sự phát triển lớn nhất về công nghệ. Tuy nhiên việc cấp phép phải đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số”, Bộ trưởng nói.

    Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, trong buổi làm việc sáng 6/5, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung rất quan tâm đến vấn đề phát triển 4G của Việt Nam và cho biết Samsung sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển 4G.

    Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 4G cho 4 doanh nghiệp là VNPT, Viettel, MobiFone và FPT Telecom và các doanh nghiệp này đang triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ tại một số tỉnh.

    Theo ICTNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ