Sau 20 giờ khắc nghiệt ở Nam Cực, nhà khoa học ra cảnh báo về 'sông băng Ngày tận thế'

    Trang Ly , Tổ Quốc 

    “Chỉ cần một cú hích nhỏ đối với sông băng Thwaites cũng có thể dẫn đến một thảm họa lớn”.

    Khi hành tinh nóng lên nhanh chóng làm thay đổi cảnh quan của khu vực Bắc Cực ở phía bắc, các nhà khoa học đã phát hiện ra những dấu hiệu đáng lo ngại và đáng báo động ở cuối phía nam của hành tinh, đặc biệt là ở một trong những thềm băng bảo vệ cái gọi là "sông băng Ngày tận thế" ở Nam Cực.

    "Sông băng Ngày tận thế" của Nam Cực - sở dĩ nó có biệt danh vì nguy cơ sụp đổ cao và đe dọa đến mực nước biển dâng cao trên toàn cầu - có khả năng sụp đổ nhanh chóng trong những năm tới, làm tăng thêm lo ngại về mực nước biển gia tăng mạnh trên quy mô toàn thế giới, CNN dẫn thông tin mới nhất trên tạp chí Nature Geoscience.

    Sau 20 giờ khắc nghiệt ở Nam Cực, nhà khoa học ra cảnh báo về 'sông băng Ngày tận thế' - Ảnh 1.

    20 GIỜ KHẮC NGHIỆT TẠI NAM CỰC

    Nghiên cứu có được sau khi các nhà khoa học ghi lại trong một sứ mệnh kéo dài 20 giờ trong điều kiện khắc nghiệt nhằm lập bản đồ một khu vực dưới nước có kích thước khổng lồ của “sông băng Ngày tận thế” này.

    Theo nhận định của các nhà khoa học, sông băng Thwaites - “Sông băng Ngày tận thế”, có khả năng nâng mực nước biển lên hàng mét, đang bị xói mòn dọc theo "vùng tiếp đất" của nó (vùng băng bám vào đáy biển) trong bối cảnh hành tinh ấm lên. Nó đã đổ hàng tỷ tấn băng xuống biển và sự sụp đổ của nó có thể dẫn đến những thay đổi không thể đảo ngược trên khắp hành tinh.

    Sau 20 giờ khắc nghiệt ở Nam Cực, nhà khoa học ra cảnh báo về 'sông băng Ngày tận thế' - Ảnh 2.

    Một phần rìa băng nổi của sông băng Thwaites vào năm 2019.

    Trong một nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai ngày 5/9/2022 trên tạp chí Nature Geoscience, các nhà khoa học đã lập bản đồ lịch sử mất băng dần của sông băng Thwaites, với hy vọng từ quá khứ của nó có thể dự báo được những điều xảy ra trong tương lai.

    Họ phát hiện ra rằng vào một thời điểm nào đó trong hai thế kỷ qua, phần đáy của sông băng tách ra khỏi đáy biển và rút đi với tốc độ 2,1 km mỗi năm. Đây là con số gấp đôi tỷ lệ mà các nhà khoa học đã quan sát được trong một thập kỷ qua.

    Alastair Graham, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà địa vật lý biển tại Đại học Nam Florida, Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí rằng sự tan rã nhanh chóng đó có thể xảy ra gần đây vào giữa thế kỷ 20.

    Sau 20 giờ khắc nghiệt ở Nam Cực, nhà khoa học ra cảnh báo về 'sông băng Ngày tận thế' - Ảnh 3.

    Rán, một phương tiện tự hành dưới nước của Kongsberg HUGIN, gần sông băng Thwaites sau nhiệm vụ kéo dài 20 giờ lập bản đồ đáy biển.

    Điều đó cho thấy sông băng Thwaites có khả năng mất băng nhanh chóng trong tương lai gần, đặc biệt là khi tảng băng dưới nước của nó đang bị xói mòn mạnh mẽ khi sự nóng lên toàn cầu đang khiến con người khổ sở - Robert Larter, một nhà địa vật lý biển và là một trong những đồng tác giả của nghiên cứu từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, cho biết trong thông cáo này.

    50 TỶ TẤN BĂNG ĐỔ XUỐNG

    Sông băng Thwaites, nằm ở Tây Nam Cực, là một trong những sông băng rộng nhất trên Trái Đất và lớn hơn cả bang Florida của Mỹ hoặc Vương quốc Anh. Nhưng nó chỉ là một phần của dải băng Tây Nam Cực, nơi chứa đủ lượng băng (nếu tan) có thể nâng mực nước biển lên tới 5 mét, theo NASA.

    Thwaites đã chiếm khoảng 4% mực nước biển dâng toàn cầu hàng năm, mất đi khoảng 50 tỷ tấn băng mỗi năm và đang trở nên rất dễ bị tổn thương do khủng hoảng khí hậu. Sự sụp đổ của thềm băng có thể kéo theo sự sụp đổ sắp xảy ra của sông băng quan trọng ở Nam Cực.

    Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu sông băng Thwaites sụp đổ, sự kiện này có thể làm mực nước biển dâng cao thêm hàng mét, khiến các cộng đồng ven biển cũng như các đảo quốc trũng gặp nguy hiểm hơn nữa.

    Khi cuộc khủng hoảng khí hậu gia tăng, khu vực này (dải băng Tây Nam Cực) đã được các nhà khoa học giám sát chặt chẽ vì tốc độ tan chảy nhanh chóng và khả năng tàn phá ven biển trên diện rộng của nó.

    LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU "SÔNG BĂNG NGÀY TẬN THẾ"

    Bản thân sông băng Thwaites đã khiến các nhà khoa học quan tâm trong nhiều thập kỷ.

    Ngay từ năm 1973, các nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi liệu nó có nguy cơ sụp đổ cao hay không. Gần một thập kỷ sau, họ phát hiện ra rằng - vì sông băng nằm dưới đáy biển nên các dòng hải lưu ấm có thể làm tan chảy sông băng từ bên dưới, khiến nó mất ổn định từ bên dưới.

    Vào thế kỷ 21, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu ghi lại sự mất băng nhanh chóng của sông băng Thwaites trong một loạt các nghiên cứu đáng báo động.

    Vào năm 2001, dữ liệu vệ tinh cho thấy phần đáy của sông băng tách ra khỏi đáy biển trung bình cứ 1 km mỗi năm.

    Năm 2014, theo nghiên cứu do nhà băng học Eric Rignot dẫn đầu tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, thì sự mất mát cuối cùng của một phần lớn của dải băng Tây Nam Cực "dường như không thể ngăn cản".

    Vào năm 2020, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy nước ấm đã thực sự chảy qua đáy sông băng, làm tan chảy nó từ bên dưới.

    Một nghiên cứu năm 2020 của International Thwaites Glacier Collaboration cho thấy đáy đại dương sâu hơn các nhà khoa học nghĩ trước đây, với những đoạn sâu cho phép nước biển ấm làm tan chảy mặt dưới của băng.

    Và sau đó vào năm 2021, một nghiên cứu cho thấy Thwaites Ice Shelf - khu vực giúp ổn định sông băng Thwaites và giữ băng không chảy tự do ra đại dương - có thể vỡ trong vòng 5 năm tới.

    Sau 20 giờ khắc nghiệt ở Nam Cực, nhà khoa học ra cảnh báo về 'sông băng Ngày tận thế' - Ảnh 4.

    Thwaites đã chiếm khoảng 4% mực nước biển dâng toàn cầu hàng năm, mất đi khoảng 50 tỷ tấn băng mỗi năm.

    Nước ấm đe dọa cái gọi là "vùng tiếp đất", nơi băng gặp đáy biển. Nước biển ấm lên (do sự nóng lên toàn cầu) đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự suy thoái nhanh chóng của băng.

    Chính vì nghiên cứu đó mà các nhà khoa học bắt đầu gọi khu vực xung quanh sông băng Thwaites là "phần yếu của dải băng Tây Nam Cực", trong khi đó, dải băng Tây Nam Cực được xem là 'không ổn định' bởi đặc điểm nổi bật của Tây Nam Cực là phần lớn tảng băng được "đặt trên mặt đất" trên một lớp băng nằm dưới mực nước biển. Và khi hành tinh ngày một nóng lên, các dòng hải lưu có thể cung cấp nước ấm đến các đường tiếp đất của sông băng, vị trí mà băng bám vào đáy, khiến băng xói mòn nhanh chóng.

    "Từ dữ liệu vệ tinh, chúng tôi thấy những vết nứt lớn này lan rộng trên bề mặt thềm băng, về cơ bản làm suy yếu cấu trúc của băng; gần giống như vết nứt kính chắn gió" - Peter Davis, một nhà hải dương học thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, nói với CNN vào năm 2021. "Nó đang dần lan rộng khắp thềm băng và cuối cùng nó sẽ vỡ ra thành nhiều mảnh khác nhau".

    Ted Scambos, một nhà băng học tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ), và là lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Thwaites Glacier, cho biết: “Đây là một quá trình địa chất nhưng xảy ra ở quy mô gần như cả đời người. Mất băng là một thảm họa đối với những người còn sống ngày nay”.

    Nghiên cứu mới nhất công bố ngày 5/9/2022 càng củng cố thêm khả năng sông băng Thwaites có thể mất băng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ gần đây.

    Tác giả của công trình nghiên cứu Alastair Graham nói rằng, phát hiện này "thực sự là một nhiệm vụ chỉ có một lần trong đời" - bởi Nam Cực khắc nghiệt và xa xôi đến nỗi các nhà khoa học chỉ bắt đầu điều tra thực sự về lớp băng của nó vào những năm 1950 - nhưng nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ sớm quay trở lại để thu thập các mẫu băng từ đáy biển để họ có thể xác định thời điểm xảy ra các đợt mất băng nhanh trước đó của sông băng Thwaites.

    Điều đó có thể giúp các nhà khoa học dự đoán những thay đổi trong tương lai đối với "sông băng Ngày tận thế", thứ mà các nhà khoa học trước đây cho rằng nó sẽ thay đổi rất chậm.

    “Chỉ cần một cú hích nhỏ đối với sông băng Thwaites cũng có thể dẫn đến một thảm họa lớn” - Alastair Graham cảnh báo.

    Bài viết sử dụng nguồn: CNN, NASA

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày