Sau ca ghép tủy, DNA trong tinh dịch bệnh nhân bỗng biến thành DNA người hiến tặng: Đứa con sinh ra sẽ là của ai?

    zknight;Thiết kế: Jordy,  

    Mẫu tinh dịch của Chris Long chứa DNA trùng khớp 100% với người hiến tặng tủy cho anh.

    Ba tháng sau ca ghép tủy xương của mình, Chris Long biết DNA trong máu anh đã biến đổi. Và Long biết DNA đó thuộc về ai, một người đàn ông Đức mà anh chưa bao giờ gặp.

    Bốn năm trước, Long mới chỉ trao đổi tin nhắn với anh ta. Sau đó, chàng nhân viên IT làm việc cho Sở Cảnh sát Hạt Washoe, Hoa Kỳ nhận được tủy ghép từ người hiến tặng sống cách đó 5.000 dặm. 

    Ca ghép tủy nhằm đối phó với căn bệnh bạch cầu cấp tính của Long, một dạng ung thư máu khiến cơ thể anh không thể sản sinh ra những tế bào máu khỏe mạnh được nữa. Nó diễn ra suôn sẻ. Các tế bào sinh máu trong tủy của Long bị tổn thương đã được thay thế bằng tế bào của người đàn ông Đức. 

    Về mặt lý thuyết, không có gì ngạc nhiên khi chúng sinh ra những tế bào máu mới, chứa DNA của người mà chúng từng thuộc về. Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó.

    Sau ca ghép tủy, DNA trong tinh dịch bệnh nhân bỗng biến thành DNA người hiến tặng: Đứa con sinh ra sẽ là của ai? - Ảnh 1.

    Nếu tinh dịch của Chris Long chứa hoàn toàn là DNA của người hiến tặng, điều gì sẽ xảy ra khi anh có con?

    Sau ca ghép tủy, DNA trong tinh dịch bệnh nhân bỗng biến thành DNA người hiến tặng: Đứa con sinh ra sẽ là của ai? - Ảnh 2.

    Long mới chỉ phát hiện ra tình trạng của mình sau khi được khuyến khích thử máu bởi một đồng nghiệp tại Văn phòng Cảnh sát. Cô ấy có một ý tưởng mơ hồ về điều có thể xảy ra. Rốt cuộc, mục tiêu của ca ghép tủy là thay thế các tế bào máu yếu bằng các tế bào máu khỏe mạnh, bao gồm cả DNA chứa trong đó.

    Nhưng 4 năm sau ca phẫu thuật cứu sống Chris Long, không chỉ có máu của anh bị ảnh hưởng. Nước bọt và tế bào da của anh ấy cũng chứa DNA của người hiến tặng. Ngạc nhiên hơn cả, một điều làm bất ngờ cả các đồng nghiệp của Long tại phòng thí nghiệm pháp y, đó là tinh dịch của anh bây giờ cũng mang trên mình toàn bộ DNA của người hiến tặng.

    "Tôi nghĩ điều đó thật không thể tưởng tượng nổi, bản thân tôi thì biến mất còn một người khác lại xuất hiện ra trong thân thể mình", Long nói. Anh ấy đã trở thành một Chimera, một thuật ngữ khoa học đặt cho những người mang nhiều hơn 1 bộ DNA trên cơ thể mình.

    Chimera bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp, nó là một quái vật ba đầu. Sinh ra ở Tiểu Á, là con của Typhon và Echidna. Nó có họ hàng với chó ba đầu Cerberus và quái vật Hydra. Chimera có thân hình của một con sư tử, nhưng trên thân lại mọc ra một cái đầu dê và đuôi lại là một con rắn.

    Theo Trung tâm Ung thư Seattle Cancer Care Alliance, thuật ngữ "Chimera" đang được sử dụng với khái niệm về những thực thể pha trộn, đề cập đến những người đã được ghép mô dị di truyền. Kỹ thuật chẳng hạn như ghép tủy xương, các tế bào máu gốc chưa trưởng thành có thể phát triển thành tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu trong cơ thể người nhận, nhưng chúng sẽ mang DNA của người hiến tặng.

    Không chỉ có trong thần thoại và phim ảnh, bạn có tin trên hành tinh này, ngay thời điểm này, tồn tại hàng trăm ngàn người mang 2 DNA khác nhau? Thực tế, mỗi năm ở Mỹ đã có hàng chục ngàn người được ghép tủy xương. Họ là các bệnh nhân ung thư máu, hoặc mắc các bệnh về máu khác bao gồm bệnh bạch cầu, ung thư hạch và thiếu máu hồng cầu hình liềm.

    Theo thống kê tới năm 2013, cả thế giới dã ghi nhận 1 triệu ca ghép tủy, và một nghiên cứu chỉ ra rằng gần 50% những ca ghép sẽ tạo ra người Chimera.

    Những người Chimera đã gây ra đủ mọi rắc rối, từ việc những tên tội phạm thoát án tới chuyện bố đẻ không phải là cha ruột. Các nhà lập pháp vì vậy đã phải đưa yếu tố ghép tủy xương vào một trường hợp đặc biệt trong pháp y.

    Sau ca ghép tủy, DNA trong tinh dịch bệnh nhân bỗng biến thành DNA người hiến tặng: Đứa con sinh ra sẽ là của ai? - Ảnh 3.
    Sau ca ghép tủy, DNA trong tinh dịch bệnh nhân bỗng biến thành DNA người hiến tặng: Đứa con sinh ra sẽ là của ai? - Ảnh 4.

    Mặc dù không phải ai sau khi ghép tủy cũng trở thành một tên tội phạm, nhưng ý tưởng đằng sau hiện tượng này vẫn kích thích các đồng nghiệp pháp y của Long tại Sở Cảnh sát Hạt Washoe. Không để tuột mất cơ hội, họ biến Long trở thành một đối tượng thí nghiệm.

    Từ lâu, các bác sĩ và nhiều nhà khoa học pháp y đã biết một số quy trình y tế nhất định sẽ biến con người thành Chimera, nhưng chính xác thì DNA của người hiến tủy sẽ xuất hiện ở đâu trong cơ thể người nhận – ngoài máu của họ? Đó vẫn là bí ẩn hiếm khi được nghiên cứu trên khía cạnh khoa học hình sự.

    Trường hợp của Chris Long đã được trình bày tại một hội nghị khoa học pháp y quốc tế vào tháng 9, nhưng giờ nó đã chiếm được sự quan tâm của cả các nhà phân tích DNA ngoài biên giới Nevada.

    Thường thì một bác sĩ không cần biết DNA của người hiến tặng sẽ xuất hiện ở đâu trong cơ thể bệnh nhân, bởi dạng Chimera này không có khả năng gây hại. Chimera cũng không thể biến một người thành ai đó khác hẳn.

    Andrew Rezvani, giám đốc y tế của Đơn vị cấy ghép máu & tủy nội trú tại Trung tâm Y tế Đại học Stanford cho biết: "Não bộ và tính cách của bệnh nhân sẽ không thay đổi". Ông nói thêm rằng, đôi khi bệnh nhân sẽ hỏi, nếu một người đàn ông mang trong máu mình nhiễm sắc thể nữ hay ngược lại, thì điều đó có nghĩa là gì? Rezvani nói: "Nó chẳng thành vấn đề".

    Nhưng đối với một nhà khoa học pháp y, Chimera là một câu chuyện khác hẳn. Giả định trong một cuộc điều tra hình sự, khi họ thu thập chứng cứ từ hiện trường một vụ án. Mỗi nạn nhân và mỗi thủ phạm lẽ ra chỉ có thể để lại một DNA duy nhất.

    Nhưng bây giờ, một người trong số họ có thể để lại 2 DNA, một DNA của chính mình, một DNA nữa của người đã hiến tủy cho họ, trẻ hơn 10 tuổi và đang sống yên bình, lương thiện cách đó hàng ngàn dặm.

    Sau ca ghép tủy, DNA trong tinh dịch bệnh nhân bỗng biến thành DNA người hiến tặng: Đứa con sinh ra sẽ là của ai? - Ảnh 5.

    Nhận thấy đây là một vấn đề thực sự, Renee Romero, người điều hành Phòng thí nghiệm Tội phạm học tại Văn phòng Cảnh sát Hạt Washoe, đã nhìn thấy cơ hội ngay khi Chris Long, người bạn và cũng là người đồng nghiệp của cô tìm được một người hiến tủy phù hợp.

    "Chúng tôi cần phải gạc [thu thập] thứ chết tiệt ấy [DNA] ra khỏi cơ thể anh trước khi anh thực hiện thủ thuật này, để xem DNA [người hiến tặng] sẽ chiếm lấy cơ thể anh như thế nào", Romero nhớ lại những gì đã nói với Long.

    Tất nhiên, anh ấy đã đồng ý. Long cảm thấy sẵn sàng làm bất cứ điều gì khiến anh không còn nghĩ đến căn bệnh bạch cầu tủy cấp tính của mình và cả hội chứng myelodysplastic, cả hai đều làm giảm quá trình sinh máu, tạo ra các tế bào máu khỏe mạnh.

    Lúc đó, anh ấy đã nói, "Tôi thậm chí còn không biết mình có sống nổi [sau ca phẫu thuật] không".

    Nhưng bốn năm sau ca ghép tủy, Long không chỉ hoàn toàn khỏe mạnh, căn bệnh đã thuyên giảm giúp anh có thể quay trở lại làm việc. Thí nghiệm của Romero cũng vẫn tiếp tục. Vào thời điểm 4 tháng sau ghép tủy, cô thấy máu của Long đã được thay thế bằng các tế bào máu của người hiến tặng. Các miếng gạc từ môi, má và lưỡi của nah cũng cho thấy một DNA khác.

    Trong tất cả các mãu phẩm thu thập được, chỉ có DNA ở lông ngực và tóc của Long không bị ảnh hưởng. Điều làm nhóm nghiên cứu của Romero bất ngờ nhất, đó là sau 4 năm, DNA trong tinh dịch của Long đã hoàn toàn bị thay thế bởi DNA của người hiến tặng tủy.

    "Chúng tôi đã rất sốc khi [DNA của] Chris không còn hiện diện nữa", Darby Stienmetz, một nhà nghiên cứu tội phạm học tại Văn phòng Cảnh sát hạt Washoe, cho biết.

    Sau ca ghép tủy, DNA trong tinh dịch bệnh nhân bỗng biến thành DNA người hiến tặng: Đứa con sinh ra sẽ là của ai? - Ảnh 6.

    Brittney Chilton, một nhà tội phạm học tại Phòng Khoa học Pháp y Sheriff giả định, nếu bây giờ có một bệnh nhân khác cũng phản ứng tương tự với ca cấy ghép, và rồi người đó ra ngoài phạm tội, kết quả giám định DNA có thể đánh lạc hướng điều tra.

    Và đó chính là điều từng thực sự xảy ra, Chilton cho biết năm 2004, các nhà điều tra ở Alaska đã tải lên cơ sở dữ liệu DNA hình sự ở Mỹ một mẫu DNA được trích xuất từ ​​tinh dịch tại hiện trường. 

    Nó trùng khớp với một nghi phạm tiềm năng. Nhưng có một vấn đề: Người đàn ông này vẫn ở trong tù vào thời điểm vụ tấn công xảy ra. Kiểm tra lại hồ sơ ý tế, hóa ra anh ta đã được ghép tủy xương.

    Người hiến tặng chính là anh trai của anh ấy sau đó dã bị bắt và kết án.

    Abirami Chidambaram, nhà nghiên cứu làm việc cho Phòng thí nghiệm Khoa học Phát hiện Tội phạm của bang Alaska ở Anchorage, người đã trình bày về vụ án Alaska vào năm 2005 cho biết ở thời điểm đó, cô cũng đã nghe về một kịch bản gây tranh cãi khác.

    Trong đó, một nạn nhân đã khai rằng cô bị tấn công tình dục bởi một nghi phạm, nhưng phân tích DNA chỉ ra có tới 2 người. Hóa ra, DNA thứ hai đến từ người đã hiến tủy xương cho cô ấy.

    Yongbin Eom, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nhận dạng Con người, Đại học Bắc Texas cho biết thêm, các kịch bản tương tự cũng có thể tạo ra sự nhầm lẫn xung quanh danh tính nạn nhân. Năm 2008, Eom đang cố gắng xác định nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông cho Cơ quan Pháp y Quốc gia ở Seoul, Hàn Quốc.

    Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nạn nhân là nữ. Nhưng thi thể dường như lại nói đó là một nam giới. DNA ở thận nói rằng đó là một nam nạn nhân, nhưng ở lá lách và phổi lại chứa cả DNA của nam và nữ. Cuối cùng, Eom phát hiện ra nạn nhân đã được ghép tủy xương từ con gái của chính mình.

    Sau ca ghép tủy, DNA trong tinh dịch bệnh nhân bỗng biến thành DNA người hiến tặng: Đứa con sinh ra sẽ là của ai? - Ảnh 7.
    Sau ca ghép tủy, DNA trong tinh dịch bệnh nhân bỗng biến thành DNA người hiến tặng: Đứa con sinh ra sẽ là của ai? - Ảnh 8.

    Quay trở lại với Chris Long, hình huống của anh đặt ra một câu hỏi không thể tránh khỏi: Nếu tinh dịch của anh chứa hoàn toàn là DNA của người hiến tặng, điều gì sẽ xảy ra khi anh có con? Liệu Long có truyền gen của người hiến tặng ở Đức sang con, cháu và cả các thế hệ tương lai?

    Trong trường hợp này, câu trả lời không có đáp án, bởi Long đã cắt ống dẫn tinh sau khi sinh đứa con thứ hai, trước thời điểm anh ghép tủy.

    Nhưng còn những người khác thì sao? Ba chuyên gia cấy ghép tủy xương được khảo sát đồng ý rằng đó là một câu hỏi hấp dẫn. Nhưng họ cũng đồng ý rằng việc một người được ghép tủy sẽ truyền gen của người hiến tặng sang con mình là điều không thể.

    "Sẽ không có cách nào để một ai đó làm cha của một đứa trẻ do người khác sinh ra", bác sĩ Rezvani, giám đốc y khoa của Đại học Stanford cho biết.

    Nhưng những đồng thuận về trường hợp của Long không thể ngăn cản những kịch bản khó hiểu xảy ra xung quanh những người Chimera.

    Năm 2015, một người đàn ông Mỹ đã lo ngại rằng đứa con do chính mình sinh ra lại không phải con của mình. Lý do bởi, anh ấy đã chia sẻ DNA với người anh em song sinh của mình trong bụng mẹ. Tinh trùng của anh chỉ có 10% DNA của chính anh, 90% còn lại là DNA của người anh em song sinh chưa từng được sinh ra.

    Bởi họ đã "nhất thể" ngay từ trong bụng mẹ, bây giờ đứa con mà người cha này sinh ra chỉ có độ trùng lặp gen khoảng 25% với anh ta, bằng một nửa mức xác nhận quan hệ cha-con. 25% thông thường chỉ đủ để chứng minh quan hệ chú -cháu.

    "Nhưng một người hiến tặng tế bào máu không thể tạo ra các tế bào tinh trùng mới", tiến sĩ Rezvani nói. Tiến sĩ Mehrdad Abedi, bác sĩ tại Đại học California, Davis, người trực tiếp điều trị cho Long cũng đồng ý: 

    Ông tin rằng chính hoạt động thắt ống dẫn tinh đã giải thích tại sao tinh dịch của Long chứa DNA của người hiến tặng. Còn các nhà khoa học pháp y cho biết họ sẽ phải nghiên cứu thêm mới có câu trả lời cuối cùng.

    Tất cả những nhà nghiên cứu từng xem xét trường hợp của Long đều đồng ý một điều rằng: Anh ấy là một mẫu vật sống đáng để nghiên cứu. Không thể biết được hiện có ai khác cũng phản ứng với phẫu thuật cấy ghép tủy xương giống anh ấy hay không.

    Về phần mình, Chris Long cho biết anh hy vọng sẽ gặp được người đã hiến tặng tủy xương cho mình trong chuyến đi Đức sắp tới. Long đơn giản là muốn cảm ơn người đàn ông này vì đã cứu mạng anh.

    Tham khảo Nytimes, Futurism

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ