Sau Mỹ, Nhật, Úc, Huawei chuẩn bị mất thêm nhiều đối tác khác tại châu Âu

    Chíp,  

    Mất đi các đối tác tại châu Âu đồng nghĩa với việc Huawei có nguy cơ bỏ lỡ những đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ USD.

    Nhiều tháng qua, Mỹ đã thúc đẩy các đồng minh của mình ngừng sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei. Và nay, chiến lược này đã bắt đầu tác động tới châu Âu, khiến gã khổng lồ Trung Quốc mất dần những đối tác quan trọng.

    Tuần này, các quan chức và công ty châu Âu đang có những động thái nhằm từ từ loại bỏ thiết bị của Huawei. Mỹ buộc tội Huawei cho phép chính phủ Trung Quốc lợi dụng thiết bị của họ để thực hiện những hành vi gián điệp mặc dù Huawei luôn lên tiếng phủ nhận điều này. Dù chưa có lệnh cấm hoàn toàn nhưng tương lai của Huawei tại châu Âu, thị trường lớn nhất của họ bên ngoài Trung Quốc, đang ngày càng mờ mịt.

    Sau Mỹ, Nhật, Úc, Huawei chuẩn bị mất thêm nhiều đối tác khác tại châu Âu - Ảnh 1.

    "Dù kết quả thế nào chăng nữa, danh tiếng của Huawei sẽ bị thiệt hại rất đáng kể", Neil Campling, nhà phân tích viễn thông, truyền thông và công nghệ tại hãng Mirabaud Securities Ltd., tuyên bố. "Có vẻ như Huawei cũng sẽ thiệt hại đáng kể về mặt thị phần trong ba năm tới".

    Thứ Tư tuần trước tại Pháp, hãng Orange SA tuyên bố rằng sẽ không sử dụng thiết bị của Huawei để xây dựng mạng 5G sau khi BT Group Plc tại Vương Quốc Anh cũng ngừng mua một số thiết bị từ Huawei. Hôm thứ Năm tại Đức, Deutsche Telekom AG cũng ra tuyên bố ám chỉ về việc sẽ từ bỏ thiết bị của Huawei. Sau đó, hôm thứ Sáu, chính phủ Na Uy cho biết họ lo ngại về việc sử dụng thiết bị của các nhà cung cấp từ những quốc gia không hợp tác về chính sách an ninh, ám chỉ Trung Quốc.

    Theo nguồn tin nắm rõ những kế hoạch của Tổng thống Emmanuel Macron, Pháp đang thắt chặt đáng kể các quy định. Quốc gia này đã có những biện pháp bảo vệ cho những phần quan trọng của mạng viễn thông và hiện đang xem xét bổ sung một số mặt hàng vào danh sách cảnh báo cao độ của mình, và đa số là nhắm vào Huawei.

    "Tuần vừa rồi là một tuần đầy thông báo và dấu hiệu tiêu cực từ các thị trường lớn nhất ở Châu Âu - Vương quốc Anh, Đức và Pháp", Bengt Nordstrom, CEO của hãng tư vấn viễn thông Northstream, tuyên bố. "Từ nay trở đi, các nhà mạng lớn nhất của châu lục già sẽ thận trọng hơn khi mua linh kiện từ Huawei".

    Rắc rối mà Huawei đang phải đối mặt tại châu Âu tiếp nối một loạt vấn đề hãng này đã phải trải qua trong thời gian gần đây. Thiết bị của họ đã bị cấm tại Nhật, Úc, New Zealand và Mỹ. Thậm chí, Giám đốc tài chính của họ bà Meng Wanzhou, 46 tuổi, con gái của nhà sáng lập Ren Zhengfei, còn bị bắt tại Canada. Mỹ cáo buộc bà Meng lừa đảo ngân hàng nhằm che dấu hành vi bán hàng cho Iran, bất chấp cấm vận từ phía Mỹ. Hiện tại, bà Meng đang được cho tại ngoại nhưng bị theo dõi chặt chẽ, chờ dẫn độ sang Mỹ nếu cần.

    Sau Mỹ, Nhật, Úc, Huawei chuẩn bị mất thêm nhiều đối tác khác tại châu Âu - Ảnh 2.

    Mất đối tác tại châu Âu đồng nghĩa với việc Huawei có nguy cơ bỏ lỡ những đơn hàng thiết bị viễn thông trị giá hàng tỷ USD. Từ nay tới năm 2021, Deutsche Telekom, một trong những khách hàng lớn nhất tại châu Âu của Huawei, đang dự tính đầu tư khoảng 20 tỷ EUR vào mạng 5G cũng như các kết nối internet tốc độ cao khác tại Đức. Châu Âu, Trung Đông và châu Phi chiếm 27% doanh thu của Huawei.

    Mạng 5G tốc độ cao sẽ mở đường cho một loạt thiết bị kết nối internet mới, từ thiết bị trong xe hơi tới các cơ sở sản xuất. Vì thế, nó khiến các quan chức chính phủ và chuyên gia an ninh lo ngại rằng những mạng lưới chứa thông tin nhạy cảm sẽ bị đe dọa lớn hơn.

    Vương quốc Anh, một thành viên của liên minh tình báo Five Eyes, là thị trường lớn đầu tiên tại châu Âu công khai những nghi ngờ về tính bảo mật của thiết bị Huawei trong thời đại 5G. Người đứng đầu cơ quan tình báo Anh, MI6, cho rằng chính phủ Anh phải quyết định xem có cho phép Huawei là nhà cung cấp thiết bị 5G hay không.

    Theo nguồn tin của Bloomberg, Cơ quan Bảo mật Hệ thống Thông tin Quốc gia Pháp (ANSSI) đang yêu cầu các nhà cung cấp tiềm năng cho họ quyền truy cập vào toàn bộ công nghệ. Khác với Nokia Oyj, Cisco Systems Inc và Ericsson AB, Huawei không gửi thiết bị của họ cho các tổ chức kiểm tra và chứng nhận cho các thành phần quan trọng vì thế thiết bị của Huawei không đủ tiêu chuẩn.

    Tại Đức, các quan chức đang cảm thấy không thoải mái với việc sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G và đang tiến hành xem xét vấn đề này.

    Huawei luôn bị nghi ngờ hỗ trợ các hoạt động gián điệp của Trung Quốc vì công ty này được thành lập và điều hành bởi một cựu quân nhân. Huawei luôn khẳng định rằng họ độc lập và không cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập vào thiết bị của họ. Hãng này cũng tự tin rằng họ có thể tiếp tục cung cấp linh kiện cho các khách hàng rất quan trọng tại châu Âu.

    Sau Mỹ, Nhật, Úc, Huawei chuẩn bị mất thêm nhiều đối tác khác tại châu Âu - Ảnh 3.

    Thị phần của các hàng viễn thông Trung Quốc tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi tăng đều trong những năm vừa qua

    "Chúng tôi nhận ra rằng với sự xuất hiện của mạng 5G, có những mối quan tâm mới về bảo mật và chúng tôi hiểu điều đó", Vincent Pang, chủ tịch Huawei Tây Âu, tuyên bố. "Chúng tôi nghĩ câu trả lời nằm ở sự hợp tác và cộng tác toàn cầu nhằm đảm bảo mạng internet luôn an toàn nhất có thể".

    Bỏ qua hoàn toàn thiết bị Huawei là điều không hề dễ dàng với các nhà mạng châu Âu. Hầu hết các nhà mạng châu Âu đặt hàng thiết bị của Huawei bởi công nghệ của họ vượt trội hơn so với các đối thủ. Trong khi các nhà cung cấp tại châu Âu có thể hưởng lợi thì việc cấm hoàn toàn thiết bị của Huawei cũng có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, Nordstrom nói.

    "Ở đây có một câu hỏi lớn hơn nhiều: Nếu chúng ta phá vỡ thế toàn cầu của ngành công nghiệp viễn thông thì chẳng ai có thể chiến thắng", Nordstrom tuyên bố. "Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên của sự không chắc chắn".

    Theo Bloomberg

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ