Sau nhiều năm chinh chiến với bán hàng online, Xiaomi lại quay về với cửa hàng offline, định mở 1000 cửa hàng Mi Home mới
Một kế hoạch dài hơi vớt vát lại thị phần sau một thời gian dài suy thoái.
Sau nhiều năm tung hoành với phương thức bán online chủ yếu tại các thành phố lớn, đã đến lúc Xiaomi cân nhắc mở rộng thị phần về những vùng nông thôn với chuỗi cửa hàng offline.
“Hạt gạo nhỏ” dự kiến khai trương khoảng 1000 cửa hàng offline mang tên Mi Home trên toàn quốc trong vòng 3 năm tới – áp dụng đúng chiến lược mà hai đối thủ Vivo và Oppo đã sử dụng để vượt mặt trong những năm qua. Dự án tham vọng nhưng mới chỉ được phác thảo từ tháng trước này sẽ thực hiện bước đầu với 200 cửa hàng trong năm 2017.
Trong khi các hãng Oppo và Vivo sử dụng một hệ thống phân phối, bán lại để tiếp cận người dùng các vùng nông thôn, Xiaomi lại muốn đi theo chiến lược tự mở cửa hàng tự bán như Apple.
Trong video phỏng vấn tại một diễn đàn kinh doanh chiếu trên CCTV, CEO Lei Jun của Xiaomi cũng cho rằng việc thiếu vắng cửa hàng offline chính là một trong những vấn đề lớn nhất của Xiaomi khi người dùng đang tránh dần phương thức mua hàng online. Lei ước đoán: “Những cửa hàng offline sẽ có nhiều tiềm năng mang về mức doanh thu lên đến 10 tỷ USD cho công ty” nhưng không nói rõ trong khoảng thời gian bao lâu.
Mặc dù hiện đang đầu tư mạnh vào mảng thiết bị thông minh, tài chính online và trí tuệ nhân tạo nhưng Xiaomi vẫn kiếm phần lớn doanh thu từ smartphone.
Quay lại với Oppo và Vivo, chính nhờ chiến lược phân phối qua các chủ cửa hàng ở nông thôn để mở rộng thị trường mà hai hãng điện thoại này có thể ưu đãi chiết khấu cao các chủ buôn, khiến sản phẩm càng lan rộng hơn nữa ở các vùng miền xa xôi.
Chính điều này đã làm giảm đáng kể thị phần của Xiaomi ở thị trường quê nhà. Lượng máy xuất xưởng của Oppo trong năm qua leo lên gấp đôi năm trước đó (đạt 78,4 triệu máy), đưa thương hiệu này lên số một về thị phần (16,8%). Trong khi đó, Huawei và Vivo lại đang sở hữu mức tăng trưởng 2 con số và lần lượt chiếm vị trí thứ hai và ba tại Trung Quốc. Lượng máy xuất xưởng của Xiaomi thì lại tụt tới 23%, thị phần chỉ còn 8.9% sau 2 năm đứng top.
Việc tận dụng mạng xã hội cùng các chiến dịch flash sale (bán ra một lượng giới hạn sản phẩm trong thời gian ngắn để gây sốt ảo đã giúp Xiaomi nổi như cồn, thậm chí còn được mệnh danh là Apple Trung Quốc. Thế nhưng những điều đó cũng chẳng giúp hãng ghi thêm chút điểm nào ở các vùng nông thôn – nơi sinh sống của khoảng 600 triệu người. Khác với người dùng thành thị vốn đã quá quen với các sản phẩm công nghệ, khách hàng nông thôn chỉ muốn được tận mắt trải nghiệm sản phẩm cũng như nhận được những lời tư vấn nhiệt tìn từ người bán.
Chiến lược mở chuỗi cửa hàng riêng lần này không chỉ giải quyết được vấn đề đó mà còn giúp Xiaomi thoải mái giới thiệu nhiều sản phẩm IoT trong hệ sinh thái của mình hơn.
Tất nhiên, đó chưa phải là tất cả kế hoạch dài hơi của công ty. Không lâu nữa, tương tự như Apple, Samsung và Huawei, Xiaomi có thể cũng sẽ sử dụng chip tự thiết kế cho các thiết bị của mình để nâng cao hiệu năng sản phẩm nhờ sự đồng bộ tốt hơn giữa phần cứng và phần mềm.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời