Sau smartphone cảm biến vân tay sẽ là gì?

    Yến Thanh,  

    Tới đây người ta sẽ mở khóa smartphone bằng vân chân hay mống mắt nhỉ?

    Kể từ khi ra đời, điện thoại nói chung và smartphone nói riêng thường chỉ được bảo vệ bởi mật khẩu là dãy số, kí tự hoặc kết hợp giữa số và chữ. Phụ thuộc vào nhu cầu của người dùng, mật khẩu này có thể dài từ 4-16 kí tự tùy ý.

    Thưở sơ khai, ngay cả những chiếc smartphone thế hệ đầu tiên của Apple là dòng iPhone danh tiếng cũng chỉ dừng lại ở mức: bảo vệ dữ liệu người dùng bằng mật khẩu. Nghĩa là chúng ta sẽ nhập tay một dãy số định sẵn để mở khóa thiết bị.

    Điểm mạnh của phương thức mật khẩu trên smartphone là dễ dùng, dễ thực hiện và ai cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, công nghệ thì luôn chuyển động và chẳng bao giờ chịu đứng im tại một chỗ. Bài toán lúc này đặt ra: làm sao để tôi có thể bảo vệ được smartphone, nhưng không cần phải nhập tay quá nhiều.

    Và đó là lúc phương thức bảo mật thông qua cảm biến vân tay ra đời.

    Dù không phải chiếc điện thoại đầu tiên tích hợp công nghệ cảm biến vân tay, nhưng người ta vẫn thường nhắc tới iPhone 5s - như một trào lưu vào năm 2013.

    Cơ chế hoạt động của cảm biến vân tay trên smartphone rất đơn giản. Các máy quét vân tay (điện dung) sẽ sử dụng một mảng các mạch tụ điện siêu nhỏ để thu thập dữ liệu về dấu vân tay, sau đó so sánh với mẫu vân tay có sẵn trên smartphone. Nếu trùng khớp, điện thoại sẽ mở khóa, bằng không máy sẽ yêu cầu người dùng thử lại.

    Ở thời điểm này, rất nhiều tín đồ công nghệ cho rằng, Touch ID tích hợp trên iPhone là một chức năng khá thừa thãi. Bởi thời gian nhận diện vân tay của Touch ID có trên iPhone 5s không nhanh hơn việc mở khóa màn hình bằng 4 kí tự là bao.

    Thế nhưng, theo thời gian, cảm biến vân tay đã trở thành một trào lưu đích thực. Minh chứng là hầu hết các smartphone thế hệ mới ngày nay đều đưa vào cảm biến vân tay trên thân máy, bất kể vị trí dù là nút Home, mặt lưng, hay cạnh bên.

    Một phần do các hãng sản xuất thi nhau chạy đua công nghệ, một phần do cảm biến vân tay ngày nay đã được ứng dụng rộng rãi hơn, như tích hợp vào hoạt động thanh toán, mua hàng trên di động là một ví dụ.

    Tất nhiên, công nghệ cảm biến vân tay hiện tại cũng chẳng chịu đứng yên. Từ công nghệ cảm biến vân tay điện dung được áp dụng rộng rãi, Qualcomm đã nâng tầm lên công nghệ cảm biến vân tay siêu âm. Nghĩa là tích hợp thêm máy quét siêu âm vào bộ phận cảm biến.

    Trong đó, mục đích của cảm biến vân tay siêu âm là tăng cường tính chính xác của công nghệ hiện có, từ đó nâng cao trải nghiệm người dùng. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, ngay cả khi công nghệ cảm biến vân tay được cải thiện, người dùng vốn mắc bệnh, hoặc có đường vân khó nhận biết vẫn "chịu thua" các cảm biến vân tay tiên tiến nhất.

    Nói cách khác, ngay cả khi đầu ra (cảm biến vân tay) được nâng cấp, nhưng đầu vào (vân tay người dùng) vẫn "mờ mịt" thì việc nâng cấp ở đây gần như bằng không.

    Vậy là một ẩn số mới được ra đời...

    Rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi: sau cảm biến vân tay, smartphone sẽ tiến tới phương thức bảo mật gì?

    Chắt lọc rất nhiều công nghệ đang nhen nhóm, các chuyên gia dự đoán rằng, cảm biến quét mống mắt sẽ sớm trở thành công nghệ kế nhiệm bảo mật vân tay.

    Trong đó, Fujitsu là đơn vị đi tiên phong trong công nghệ quét mống mắt của người dùng nhằm nhận diện và mở khóa điện thoại, hay thực hiện các giao dịch thanh toán. Fujitsu khẳng định công nghệ này sẽ đem lại độ bảo mật cao hơn, và sẽ khó bị giả mạo hơn so với nhận diện vân tay.

    Bên cạnh Fujitsu, Microsoft cũng đã lần lượt tung ra 2 sản phẩm là Lumia 950 và Lumia 950 XL chạy Windows 10 Mobile đều tích hợp công nghệ nói trên. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, cảm biến quét mống mắt vẫn chưa thực sự phổ biến và cần tới một chất xúc tác tương tự Apple iPhone 5s đã làm với cảm biến Touch ID.

    Còn theo những tin đồn gần đây, Galaxy Note7 thế hệ mới của Samsung nhiều khả năng sẽ được tích hợp một máy quét mống mắt giúp xác thực người dùng nhanh hơn so với máy quét vân tay hiện tại.

    Một số hình ảnh vừa được chia sẻ trên mạng xã hội Weibo (Trung Quốc) cho thấy máy quét mống mắt đã hoạt động trên Galaxy Note7. Cụ thể, người dùng phải cầm Galaxy Note7 cách mặt khoảng 25 đến 35 cm và nhìn trực tiếp vào màn hình. Ngoài ra, chúng ta còn phải điều chỉnh cho mắt tương ứng với vị trí 2 vòng tròn trên màn hình của thiết bị thì quá trình nhận dạng bằng phương pháp quét mống mắt mới bắt đầu làm việc.

    Đáng tiếc, hiện chúng ta vẫn chưa biết liệu máy quét mống mắt trên Galaxy Note7 có làm việc với các ứng dụng của bên thứ 3 giống như hệ thống Google Nexus Imprint và giúp xác thực khi mua ứng dụng trên Google Play hay không.

    Dù kết quả là gì, chúng ta có thể hy vọng Galaxy Note7 với thương hiệu Samsung đình đám bấy lâu sẽ một lần nữa tạo ra một cuộc cách mạng trong công nghệ bảo mật trên smartphone và cụ thể là với cảm biến quét mống mắt.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ