Sẽ ra sao nếu một ngày bạn biết mình mắc ung thư, và sẽ không sống qua hết tuổi thanh xuân của mình?
Vào thời điểm nhận chẩn đoán ung thư, Rufus còn chẳng biết ung thư thực sự là gì.
*Rob Rufus đang sống trong những năm tháng trung học tươi đẹp nhất cuộc đời. Cậu 17 tuổi, đang hẹn hò với một cô gái trong đội nhảy cổ động. Ban nhạc Rufus sáng lập cùng người anh trai sinh đôi vừa được mời tham gia một chuyến lưu diễn xuyên quốc gia.
Thế nhưng đùng một cái, Rufus đi khám và phát hiện mình bị ung thư. Các bác sĩ nói vào thời điểm mà tuổi teen của cậu kết thúc, căn bệnh cũng sẽ đi đến cái đích cuối cùng của nó.
Die Young With Me (tạm dịch là: Đây là cách tôi chết khi còn trẻ) là cuốn tự truyện đầy cảm xúc nhưng cũng rất thẳng thắn của Rufus. Trong đó, cậu chia sẻ cảm giác và suy nghĩ của việc mắc ung thư khi còn rất trẻ. Dưới đây là những dòng mà Rufus đã viết, về ngày đầu tiên cậu nhận chẩn đoán ung thư:
Sẽ ra sao nếu một ngày bạn biết mình mắc ung thư khi còn rất trẻ?
Bố chưa bao giờ đưa tôi đến gặp bác sĩ. Từ trước tới nay, chưa từng một lần. Đối với ông ấy, đưa con đi khám được xếp cùng hàng với việc gặp cố vấn học tập, mua sắm và nhà thờ, toàn những việc của đàn bà.
Bởi vậy mà, chuyến đi khám lần này khiến cả hai đều cảm thấy là lạ.
Văn phòng của bác sĩ Hallbeck được đặt trong bệnh viện, tôi chưa một lần đặt chân đến đó. Lần đầu tới đây có vẻ như một chuyến đi thị sát. Phía ngoài phòng chờ của cô chứa đầy những người phụ nữ trông có vẻ đáng ngờ.
Lúc mà cô y tá gọi đến lượt, bố đã nhìn tôi.
"Bố có vào không?" Tôi hỏi.
"Bố đoán mẹ mày sẽ gầm lên nếu bố không vào, nhỉ?"
"Chắc chắn là thế rồi, bố"
Ông đặt tờ tạp chí đang đọc xuống rồi theo sau tôi.
Tôi nhận ra bác sĩ Hallbeck vì trước đó từng gặp cô một lần. Cô là một phụ nữ trung niên, tóc điểm bạc nhưng vẫn rất xinh đẹp nếu bỏ mắt kính xuống. Mắt kính của cô thậm chí còn lớn hơn cả của tôi.
Hallbeck là vị bác sĩ đầu tiên cho tôi cảm giác ân cần thực sự, không chỉ bởi những gì cô làm cho tôi. Cô ấy nhắc nhở cả các bác sĩ khác trong phòng khám, những người từng suồng sã trong việc điều trị.
"Phổi của cậu nghe kinh thật đấy," Hallbeck nói khi ống nghe còn đang áp vào. "Tôi sẽ cho cậu chụp X-quang ngực ngay bây giờ. Nếu nó là viêm phổi thì bệnh của cậu thuộc loại nghiêm trọng rồi. Còn nếu phim X-quang đúng như điều tôi đang nghĩ, chúng ta cần phải điều trị ngay lập tức".
Khi chúng tôi rời khỏi phòng khám, bố và tôi lần lượt bắt tay cô ấy.
"Cuối cùng, chúng ta vẫn đang trên đường chữa nó nhỉ", bố tôi nói.
"Vâng, bốn tháng rồi".
Ông vỗ lưng tôi và cười. Chúng tôi đi tìm phòng chụp X-quang.
***
Phòng X-quang nằm ở tầng hầm của bệnh viện, cùng khu với các phòng chẩn đoán và trị liệu tia xạ khác. Ở đây không có tạp chí, chỉ là một phòng chờ trống trơn với ghế nhựa cứng. Mọi thứ trong này đều chỉ đủ dùng. Rõ ràng là nó thực dụng đến nỗi, trừ khi bệnh nhân nằm trên sàn thì cái phòng chờ này mới vô dụng.
Một y tá gọi tên tôi, lần này tôi bảo bố đợi mình ở ngoài.
Phòng chụp X-quang này tối và bẩn hơn tôi tưởng. Có một cái bàn trắng dài ở giữa phòng và một bảng trắng đặt ở góc của nó. Cô kỹ thuật viên yêu cầu tôi cởi áo sơ mi và kính rồi ra đứng trước chiếc bảng trắng.
Tôi cảm thấy hơi ngại khi cởi trần trước mặt cô ấy. Vai và ngực tôi xệ xuống như một que kem ốc quế đang tan chảy. Cô ấy bảo tôi đứng thẳng lưng lên, sau đó hai tay nắm lại rồi giơ cao lên quá đầu.
Tôi nghe thấy tiếng máy X-quang đang nạp năng lượng. Một luồng sáng chiếu lên bụng tôi nhợt nhạt. Tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ phải cảm thấy một thứ gì đó khi tia X xuyên qua mình, nhưng sự thực thì chẳng thấy gì cả.
“Hít một hơi vào”, cô kỹ thuật viên nói. “Tốt đấy, bây giờ giữ hơi đó nhé, giữ… đó…”.
Máy chụp X-quang phát ra một âm thanh êm ái. Cố ấy nói rằng tôi có thể bỏ tay xuống nghỉ 1 phút và thở bình thường. Sau đó, tôi đứng nghiêng người sang phải và lặp lại một lần nữa. Cuối cùng lại quay sang chụp nốt bên trái. Vậy là xong.
“Chụp nhanh đấy nhỉ”, bố nói khi tôi quay ra phòng chờ. “Mọi thứ thế nào?”.
“Ổn ạ, con đoán vậy. Họ bảo con ra ngoài và đợi”.
“Được rồi, chàng trai – Đợi xem”.
Die Young With Me, tự truyện của Rob Rufus, chàng trai 17 tuổi mắc ung thư, một tay trống sáng lập ban nhạc rock Blacklist royals
Chúng tôi đã ngồi đó hàng giờ. Từng đợt bệnh nhân khác đã xuống đây và ngồi cạnh chúng tôi. Họ đứng dây, chụp xong rồi lấy kết quả. Chúng tôi chẳng thấy họ quay lại nữa. Tôi tự hỏi liệu bác sĩ đã quên mất tôi rồi và có nên rời khỏi phòng chờ này hay không.
Không nhẫn nại được, tôi đứng dậy và đi xuống phía sảnh, cố gắng tìm hiểu xem điều gì đã giữ kết quả X-quang của tôi lại. Toàn bộ tầng nhà này đều vắng tanh. Tôi men theo bức tường, hồi hộp đi đến phía cuối hành lang.
Một trong những căn phòng có người, tôi thấy một ông lão đang nằm trên giường bệnh. Một tấm chăn mỏng màu trắng phủ lên người ông ta. Ông ấy không động đậy. Một người y tá ngồi cùng ông ở đó.
Đằng sau tấm cửa hai lớp, những cỗ máy vẫn gầm gừ liên hồi. Tôi rời mắt khỏi căn phòng rồi chậm rãi trở lại.
“Có thấy gì không?”, bố hỏi. Tôi ngồi xuống cạnh ông, thở hổn hển.
“Không… thế còn bố?”.
“Một vài y tá đi ngang qua đây. Bố đã hỏi nhưng họ chẳng biết gì. Họ nói rằng chúng ta sẽ phải tiếp tục đợi”.
“Chúng ta đã đợi cả ngày trời rồi”.
“Bố biết, bố biết”, ông nói rồi tựa lưng vào ghế. Ông cởi chiếc áo ngoài, cổ áo trong đã mở phanh ra.
Ba mươi phút sau, hai y tá đi ngang qua chỗ chúng tôi. Bố ra hiệu với họ. Ngần ngừ rồi họ dừng lại. Bố tôi tiến đến. Lúc mà ông nói chuyện với hai cô y tá này, họ không nhìn thẳng vào mắt ông.
“Rufus, tên con trai tôi. Chúng tôi đã chụp X-quang mấy tiếng trước. Tôi chỉ muốn biết rằng bây giờ chúng tôi có thể đi được chưa…”
Tôi để ý một trong hai y tá, cô gái trẻ hơn, nhìn chằm chằm vào tôi. Mắt chúng tôi chạm nhau rồi đột nhiên, môi cô run lên. Trông như thể là cô ấy sắp khóc đến nơi vậy. Rồi cô ấy đi một mình xuống sảnh. Bố vẫn nói chuyện với cô y tá còn lại.
“Chúng tôi thực sự xin lỗi anh vì sự chờ đợi này”, cô ấy nói thẳng thừng, chẳng như cô y tá rưng rưng kia. “Một lúc nữa bác sĩ sẽ gặp anh, đừng đi đâu cả cho đến khi anh gặp bác sĩ”.
“Tất nhiên rồi, cảm ơn cô”, bố tôi nói lẩm nhẩm, mặt ông ấy lúc này tái mét lại.
Ông tiến lại phía tôi rồi ngồi xuống.
“Có chuyện gì hả bố?”, tôi hỏi.
Ông không trả lời mà chỉ nhìn chằm chằm vào cửa phòng chụp X-quang. Vài phút sau, cô y tá quay lại dẫn chúng tôi rời khỏi đó.
***
Chúng tôi đi theo cô vào trong phòng chụp, đi xuyên qua đó và vào một căn phòng khác đầy bảng điều khiển lẫn màn hình máy tính. Sau đó, cô lại dẫn chúng tôi vào một căn phòng cạnh đó. Rõ ràng, căn phòng này chẳng đón khách lạ bao giờ. Nó bừa bộn giấy tờ, phim X-quang và cốc cà phê.
Một chiếc bàn lớn đặt dọc theo tường, một người đàn ông đang ngồi sau đó. Những đống giấy tờ trên bàn gần như che lấp tầm nhìn, người đàn ông đẩy một vài chồng tài liệu xê ra.
Bác sĩ Houston, trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện, ông tự giới thiệu. Chúng tôi ngồi đối diện ông, lo lắng. Tại sao chúng tôi lại được dẫn vào đây? Tôi chờ đợi ông nói gì đó. Tôi thấy chân mình hơi giật giật.
“Chúng tôi đã xem xét phim X-quang của cậu. Lúc đầu là để tìm dấu hiệu viêm phổi. Nhưng thứ mà chúng tôi thấy... lại không phải”.
Bác sĩ Houston nhấn vào một cái nút, cả bức tường phía xa sáng lên như một chiếc đèn bắt côn trùng. Phim X-quang, chắc là của tôi, được gắn chặt vào bức tường sáng. Tôi nhìn vào bên trong cơ thể mình – thấy một bóng tối ở giữa ngực.
Ung thư hạch bạch huyết là một loại ung thư phổ biến ở trẻ em và người trẻ tuổi
Vẫn tiếp tục, bác sĩ Housting nói: “Những gì chúng tôi thấy là một khối gì đó đang nằm giữa lồng ngực. Nó là nguyên nhân khiến cậu có hơi thở ngắn và kèm cả những cơn ho”.
“Khối ư?”, tôi nói. “Nó có nghĩa là gì?”.
Bác sĩ Houston day nhẹ hai bên thái dương. “Được rồi, chúng ta sẽ không biết nó là gì cho đến khi hoàn thành thêm vài xét nghiệm nữa. Nhưng từ quan điểm của tôi, cũng như nhìn vào tuổi của cậu để nói thẳng ra, thứ đầu tiên mà tôi nghĩ tới có thể là một dạng u lymphoma”.
Bố tôi ngồi sát lại, ra tận phía cạnh ghế.
“Nói mẹ nó bằng tiếng Anh đi”, ông ấy cáu lên.
Bác sĩ Houston hắng giọng. “Tôi không nên đưa ra bất kể một giả định nào, cho đến khi chúng tôi thực hiện thêm các xét nghiệm”.
“Lymphoma?” tôi nói. “Đó là, thứ gì đó giống như ung thư máu?”.
“Đại loại thế, hai bệnh này thường đi đôi với nhau”.
“Chờ đã”, bố tôi ngắt lời. “Ông đang nói nó là ung thư đấy à?”
Bác sĩ Houston không đáp lại. Ông thở dài và nhìn chằm chằm xuống bàn làm việc như thể đang tìm kiếm một từ nào đó trong đống tài liệu lộn xộn.
Ung thư?
“Có phải thứ đó – cái khối- nằm trong lồng ngực cháu giống như một khối u hay cái gì đó tương tự?”.
Vị bác sĩ lấy vạt áo lau mắt, rồi ông nhìn thẳng vào tôi. “Chúng tôi cũng không biết, Robert, nhưng chúng tôi sẽ tìm ra- nhanh thôi. Cậu rất may mắn khi chụp X-quang ở thời điểm này. Phổi của cậu gần như sắp sụp hẳn lại rồi”.
“Con trai tôi bị ung thư?”, bố tôi nói. Giọng ông ấy đầy vẻ bực bội.
Tôi chưa từng thấy ông như vậy bao giờ. Lo lắng. Sợ hãi.
“Rufus…” giọng nói xen vào tiếng thở dài và tạm ngưng lại. “Tôi rất lấy làm tiếc. Ung thư hạch bạch huyết là một loại ung thư phổ biến ở trẻ em và người trẻ tuổi. Như cậu thấy trên phim X-quang, khối u này đang nằm ở…”.
Những lời nói ấy cứ dần trôi dạt ra xa, ra xa khỏi tai tôi.
Họ tiếp tục nói chuyện, bác sĩ Houston chỉ vào phim X-quang. Tôi cảm thấy mình đang lơ lửng, chìm vào chính bản thân mình. Tôi cảm thấy trống rỗng. Tôi nghĩ về tất cả những cỗ máy ở ngoài kia, tiếng ồn của chúng đang gọi tôi – lênh đênh và trống rỗng. Tôi ngồi đó vô cảm, chìm vào tiếng o o của những cỗ máy.
***
Chẳng ai muốn chúng tôi rời khỏi bệnh viện, nhưng chúng tôi chẳng còn lý do nào để ở lại. Đã gần 8 giờ tối rồi, hầu hết nhân viên ở đó đã tan ca. Cuối cùng, họ bảo chúng tôi hãy trở lại phòng khám của bác sĩ Hallbeck vào sáng mai. Cô ấy sẽ dẫn chúng tôi đến khoa ung bướu.
Tôi không quan tâm về việc đó. Tôi đã bình tĩnh trở lại, trôi vào một giai đoạn sau cơn sốc. Tôi sẽ có cả đêm nay để định hình lại mọi thứ, nếu thực sự chúng là một thực tế rõ ràng và có thứ tự.
Trên đường về nhà, cả bố và tôi đều không biết nói gì với nhau.
“Con đói không?”, cuối cùng bố tôi đã lên tiếng trước.
“Vâng, chắc rồi”.
“Ăn gì nào chàng trai? Bất kể thứ gì con muốn”.
Tôi không muốn ăn thứ gì đó đựng trong một hộp xốp mang về nhà, bởi vậy tôi nói pizza cũng được.
Chúng tôi về tới nhà, khoảng 9 giờ. Người giao pizza đang đứng trước cửa như một chú hề trong bộ đồ vàng đỏ. Anh ta giữ một chồng hộp pizza trên đầu. Bố tôi nhìn lại đống bánh mà ông đã đặt.
“Được rồi, anh bạn, đợi tôi lát nhé”. Ông rút tất cả tiền trong ví ra và đưa cho người giao hàng.
“Thật ư?”, anh ta hỏi lại. Bố gật đầu. “Anh chỉ cần giúp tôi mang đống chết tiệt này vào nhà”.
Vào thời điểm nhận chẩn đoán ung thư, Rufus còn chẳng biết ung thư thực sự là gì
Chúng tôi có cả thảy 7 chiếc pizza, 3 chiếc bánh mỳ tỏi và 2 chai nước ngọt 2 lít – nhưng không ai biết nên nói gì với Nat, anh trai song sinh của tôi. Anh ấy đứng nhìn đống hộp pizza, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Bố đã cố gắng giải thích những gì mà bác sĩ đã nói, không nhắc đến hai từ “khối u” và “ung thư”. Bố gọi nó là “tình trạng với các hạch bạch huyết”, nói với anh ấy rằng cả hai chúng tôi sẽ trở lại bệnh viện vào sáng mai.
Tôi không thể nghe thêm được nữa. Tay tôi đang run lên.
Tôi quẳng 5 miếng pizza vào đĩa của mình và đi xuống tầng hầm. Chẳng còn biết đi đâu nữa.
Tôi ngồi dưới đó một mình, ăn pizza ngay trên bậc cầu thang, cố gắng xếp lại những suy nghĩ của mình. Qua cánh cửa, tôi biết bố và Nat vẫn còn đang nói chuyện. Tôi không biết bất cứ điều gì về ung thư –ngoại trừ việc rất nhiều người đã chết vì nó. Tôi biết đó là một thứ gì đó rất rất tệ.
Những người mắc ung thư phải hóa trị, rụng hết tóc và sụt cân – Tôi chỉ có thứ hiểu biết căn bản đó, thứ mà bất kể một người xem TV nào ở Mỹ cũng biết.
Tôi không biết ung thư thực sự nghĩa là gì.
Nó giống như một căn bệnh bí ẩn; người ta nói về điều trị ung thư, nhưng họ không nói về ung thư. Ung thư có đau không? Tôi có cảm thấy gì phía trong cơ thể mình không? Ung thư giết người như thế nào?
Cửa tầng hầm mở ra. Anh tôi từ từ bước xuống cầu thang.
"Hey", anh ngồi xuống cạnh tôi.
"Hey".
"Được rồi, chuyện này thật là bựa vật".
"Ừ, em biết".
"Em nghĩ rằng họ sẽ dùng hóa trị, hoặc đại loại cái gì đó như vậy chứ?"
Tôi lắc đầu. Chưa ai biết chắc điều gì sẽ đến cả. Nat đứng dậy và bắt đầu đi xung quanh căn phòng, anh đập tay liên tục vào đùi.
"Được rồi, nhìn anh này, ngay cả khi em phải hóa trị- ** má nó. Em biết không? Ý anh là em không thể mắc căn bệnh đó được - chúng ta chỉ đang trong một chương trình TV mà người ta dựng ra thôi, man!".
"Ừ, em đoán vậy".
“Nhìn này! Ngay cả khi em phải hóa trị, anh cá rằng nó sẽ không phải vấn đề quá lớn. Em biết không? Chết tiệt, em sẽ phải nghỉ học dài dài ở trường, có thể em sẽ gầy đi. Nhưng đến dịp mà Warped Tour diễn ra, tóc em sẽ mọc trở lại và em sẽ thực sự khỏe rồi”.
Tour lưu diễn – Tôi thậm chí đã không nghĩ về nó nữa rồi.
Die Young With Me, Rob Rufus và anh trai song sinh Nat
“Có lẽ vậy. Em hi vọng là thế”.
Tôi đứng lên khỏi bậc cầu thang. Nat tiến lại gần tôi hơn.
“Em sẽ khỏe trở lại thôi, chàng trai. Mọi chuyện rồi sẽ ổn”.
Tôi gật đầu. “Vâng, được rồi. Sẽ ổn”.
“** má nó”.
“** má nó”.
Cánh cửa tầng hầm mở ra một lần nữa. Bố đã đứng ở cầu thang, nhìn xuống phía cả hai chúng tôi.
“Mẹ đang đợi trên điện thoại”, ông nói. “Mẹ hỏi mẹ có thể nói chuyện với con không?”.
Tôi lên khỏi cầu thang và nhấc máy. Tôi đã thở rất nặng. Mẹ không khóc. Mà nếu bà khóc lúc đó, chắc là tôi đã chẳng thể nhận ra nữa”.
Bà nói sẽ về nhà.
***
Đó là khoảng 10 rưỡi. Ali vẫn đang trong ca làm việc. Tôi biết rằng mình sẽ phải nói cho cô ấy về căn bệnh, hoặc ít nhất cũng nói một điều gì đó.
Tôi tìm số của cửa tiệm cô ấy làm trong danh bạ. Một giọng nịnh bợ nhấc máy, tôi bảo hắn ta gọi Ali vào, nói rằng đây là một cuộc gọi khẩn cấp.
Em nhận máy ở trạm điện thoại trong bãi đậu xe. Tôi tưởng tượng ra cảnh em đứng đó, dưới ánh đèn đường. Em nhìn chằm chằm vào khoảng không trống rỗng, nơi lẽ ra tôi phải đang đậu xe vào đó và tới bên em. Tôi bất ngờ nói thật dõng dạc – Họ nghĩ rằng anh bị ung thư.
Ali đã hét lên không ngừng. Tôi cố gắng trấn tĩnh cô ấy, nói với cô rằng mọi thứ sẽ ổn thôi. Tôi nói với Ali những gì mà Nat vừa nói với tôi. Nhưng cô ấy cứ khóc mãi, liên tục nói xin lỗi chẳng vì lỗi lầm gì cả. Giọng Ali nghe rất tệ, tôi cảm thấy cô ấy run rẩy trong giọng nói ấy.
Cuối cùng, em cũng không khóc nữa. Em im lặng. Chúng tôi chỉ ngồi mãi, vẫn giữ điện thoại. Tôi thì ở trong phòng, em ngồi một mình trong bãi đậu xe, rũ rượi trong bao nhiêu nước mắt em đã dành cho tôi.
“Em yêu anh Em yêu anh Em yêu anh Em yêu anh”, cô ấy thề rằng như vậy.
“Anh biết”, tôi nói. “Anh biết. Mọi thứ sẽ ổn – anh hứa. Bình tĩnh lại. Anh sẽ gọi em sau cuộc hẹn ngày mai với bác sĩ. Nó không vấn đề gì đâu – oke? Cuộc hẹn rất sớm, nên có khi anh sẽ gặp em ở trường”.
“Được rồi. Nó sẽ không vấn đề gì. Em sẽ gặp anh ở trường”.
Tôi không biết liệu có ai trong hai chúng tôi thực sự tin vào cuộc gặp đó hay không.
***
Tôi nghe thấy tiếng xe của mẹ ở ngoài vào khoảng 3 giờ sáng. Vài tiếng vừa rồi, tôi đã chơi mấy game linh tinh trên mạng, gửi email cho Paul và vài người bạn khác mà tôi có. Tôi nói với mấy đứa ít nhất những gì có thể. Sau cuộc điện thoại với Ali, tôi không gọi cho bất kể ai nữa.
Mẹ và bố đang cắm đầu vào chiếc máy tính, trong góc văn phòng nhỏ phía bên kia phòng ngủ của tôi. Qua khe cửa, tôi vẫn có thể nghe thấy họ. Bố kể về những gì đã diễn ra ở bệnh viện. Ông ấy chửi rủa liên tục. Rồi tôi nghe thấy cánh cửa văn phòng đóng sập lại.
Tôi nằm trên giường, run bần bật. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bố tôi buồn đến vậy.
Họ đã đọc được gì trên máy tính? Họ đã nhìn thấy những gì?
Không thể ngủ được.
"Nếu bạn phải chết khi còn trẻ, bạn không thực sự muốn điều đó phải không?"
Tôi ra khỏi giường, đeo kính, đi đến bàn học và bật đèn. Tôi ngồi xuống sàn và mở chiếc ba lô đặt cạnh mình. Bất kể chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai, tôi biết mình sẽ phải nghỉ học vài tuần nữa. Tôi nghĩ mình nên học đuổi theo các bạn càng nhiều càng tốt - tôi cần phải làm chủ lại tâm trí của mình.
Tôi quyết định làm bài luận tiếng Anh, về chủ đề nhạc punk rock. Tôi đã hoàn thành phần lớn bài luận, nhưng vẫn cần chốt lại nó một lần cuối. Cô Ray là giáo viên tuyệt vời nhất của tôi, dù chuyện gì có xảy ra đi chăng nữa, có thể cô ấy sẽ đánh giá cao nỗ lực của tôi và không cho thêm bài tập khi tôi bị ốm.
Tiêu đề của bài luận của tôi là "Những ngôi sao punk rock". Trang đầu tiên kể về lịch sử của nhạc punk rock- từ MC5 và Stooges, sau đó tới Ramones, Sex Pistols và Clash. Tôi cũng đã nói về làn sóng thứ hai và thứ ba của punk, về cách thứ âm nhạc này thay đổi theo thời gian.
Nửa còn lại của bài luận, phần mà tôi từng tự hào nhất, giờ đọc lại thật khác:
Khi punk rock trở thành một thể loại âm nhạc thành công, các tập đoàn, hãng thu âm, đại lý quảng cáo và nhiều thể loại người đáng khinh khác đã cố gắng biến nó thành một kiểu âm nhạc dễ sản xuất và bán được trên thị trường doanh thu cao.
Trên nhiều phương diện, nỗ lực này là một sự thành công.
Tuy nhiên, dù các phiên bản punk pha loãng và đại chúng của họ, giữ được tính thuần khiết đến đâu đi chăng nữa cũng chẳng quan trọng. Luôn có một thứ gì đó thiếu thiếu trong âm nhạc ấy.
Bởi vì punk rock không phải việc bạn chơi nhanh đến đâu và tóc bạn xù lên cỡ nào. Punk rock là thái độ - thái độ của bạn là thứ không thể sản xuất được, hoặc nghĩ ra trong phòng họp.
Punk là thái độ vượt xa hơn cả sự nổi loạn để chống lại nhạc disco hay đảng phái chính trị. Punk chống lại mọi thứ! Và kì quặc thay, tôi thấy mình được an ủi vì điều đó.
Punk khiến tôi cảm thấy mình có thể làm bất cứ điều gì. Bởi vì với punk, những bức tường mà tôi thấy xung quanh mình đều không có thật. Tôn giáo, chính trị, chuẩn mực và mọi hiện trạng xã hội - punk rock đập tan mọi nền tảng quyền lực ấy. Nó phỉ nhổ vào mặt mọi thứ, thậm chí cả cái chết.
Giống như Dead Boys đã từng hát:
"Không vui sao?
Khi bạn biết rằng mình sẽ chết khi tuổi còn trẻ
Thật là vui..."
Ý tôi là, bạn có thể tưởng tượng ra Avril Lavigne đang hát những ca từ này không?
Đó là sự khác biệt giữa punk rock và mọi thể loại nhạc khác – punk rock là một lối sống.
Bản live bài hát Die Young With Me - Blacklist royals, Rufus là tay trống trong ban nhạc của anh
Tôi nhìn chằm chằm vào những từ mình đã viết. Cảm thấy kinh tởm nó.
Thật là một thứ nhảm nhí. Người ta nghĩ mình sẽ chết trẻ ư – vì lý do nào vậy? Họ tự tàn phá bản thân, hay tự tưởng tượng ra điều đó? Chẳng bao giờ người ta hiểu được, nếu cái chết không thực sự tìm đến.
Có tay chơi punk rock trẻ nào từng bị ung thư chưa? Có ai trong số họ chết dần chết mòn, trong bộ đồ mặc ở bệnh viện mà không phải chiếc áo da? Nếu họ nhìn thấy cái chết đến, họ vẫn thấy nó lãng mạn chứ? Chết trẻ có phải là một điều tuyệt vời và thật ngầu nữa không?
Tôi ném bút chì vào tường, nghe thấy tiếng nó gãy đôi trong bóng tối. Đứng dậy tắt đèn bàn rồi tôi đã khóc.
“Không vui sao…”, tôi thốt ra nhẹ nhàng.
Tôi đã khóc trong cô đơn, cho đến khi giấc ngủ là thứ cuối cùng thương hại lấy tôi, thương đủ bởi cuối cùng nó cũng đã tới.
Theo Tonic
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"