Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, đến cuối năm 2014 sẽ trình phương án cổ phần hóa MobiFone lên Chính phủ để đến năm 2015 triển khai.
Cổ phần hóa MobiFone sẽ gây áp lực cạnh tranh lên các doanh nghiệp viễn thông khác
Phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngày 6/10/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, MobiFone phải nhanh chóng xây dựng phương án cổ phần hóa. Nếu không có gì thay đổi, đến cuối năm 2014 sẽ trình phương án cổ phần hóa MobiFone lên Chính phủ để đến năm 2015 triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp này.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ tác động rất mạnh vì có số vốn thu về rất lớn trong tổng số 432 doanh nghiệp của Việt Nam phải tiến hành cổ phần hóa.
Hiện đã có một số doanh nghiệp viễn thông nước ngoài chờ đợi Việt Nam tiến hành cổ phần hóa MobiFone để họ có cơ hội làm đối tác chiến lược của nhà mạng này.
Mới đây, ông Arne Kjetil Lian, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của công ty Telenor đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT về vấn đề trên. Ông Arne Kjetil Lian cho hay, Telenor rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hóa của MobiFone. Công ty muốn tham gia vào việc cổ phần hóa MobiFone cũng như góp cổ phần chi phối nhằm tham gia điều hành và giới thiệu các dịch vụ viễn thông tại thị trường Việt Nam. Telenor đã có nhiều kinh nghiệm và am hiểu về thị trường viễn thông Việt Nam cũng như các thị trường viễn thông châu Á.
Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, ngay từ năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương cổ phần hóa MobiFone và mời các công ty tư vấn đánh giá doanh nghiệp cũng như lên kế hoạch cho tiến trình. Tuy nhiên, có một số lý do tác động đến quá trình cổ phần hóa MobiFone như vào thời điểm năm 2007 đang xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Ngoài ra, Việt Nam muốn tái cơ cấu lại thị trường viễn thông để tăng tính cạnh tranh, cũng như muốn các doanh nghiệp được cấp phép, cấp băng tần triển khai công nghệ 3G để tạo thuận lợi hơn cho việc cổ phần hóa.
Hiện tại, thị trường viễn thông Việt Nam đã có tính cạnh tranh rất cao, MobiFone cũng vừa chính thức tách ra khỏi tập đoàn VNPT và Bộ TT&TT đang xem xét cấp phép 4G. Các điều kiện này được đánh giá là thuận lợi cho việc cổ phần hóa MobiFone.
"Việt Nam sẽ thực hiện đúng cam kết với tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức viễn thông khác khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Theo đó, mức cổ phần tối đa mà một doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu trong một doanh nghiệp Việt Nam là 49%. Ngoài ra, mức cổ phần này còn phụ thuộc vào một số yếu tố và quy định khác”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
Đề cập đến sự cần thiết phải sớm cổ phần hóa MobiFone, TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích: “MobiFone phải cổ phần hóa để tìm các nhà đầu tư chiến lược có năng lực công nghệ tốt, gây áp lực cạnh tranh cho 2 doanh nghiệp còn lại, buộc các doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ tốt hơn. Đối với MobiFone thì câu chuyện cổ phần hóa và đối tác là câu chuyện quan trọng nhất”.
Bình luận về vấn đề này, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT (nay là Bộ TT&TT) cho rằng, nếu cổ phần hóa MobiFone thì đương nhiên công ty đã cổ phần hóa sẽ có động lực để thu lợi nhuận và chắc chắn khai thác tối đa hiệu quả đầu tư. Đây cũng là những thách thức đối với VNPT và Viettel. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa MobiFone đối với VNPT và Viettel cũng có lợi vì tạo sức ép cho toàn bộ hệ thống của hai doanh nghiệp này phải thay đổi để đủ sức cạnh tranh với một công ty của thị trường cạnh tranh. Bài học phát triển của Viettel cho thấy doanh nghiệp này phát triển mạnh vì luôn luôn có những thách thức. Nếu Viettel hài lòng với những thành công thì chắc chắn sẽ đi xuống.
Ông Mai Liêm Trực nhấn mạnh: Thị trường viễn thông Việt Nam tuy phát triển tốt nhưng vẫn có sự trì trệ nhất định. Trong khi đó, chúng ta cần phát huy tối đa nguồn lực của xã hội để đầu tư như nguồn lực tài chính lẫn nguồn lực trí tuệ. Trong quá trình phát triển và Luật Viễn thông ghi rõ khuyến khích các thành phần tham gia vào lĩnh vực viễn thông, Internet, nhưng đến nay chưa triển khai được bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu để các công ty vốn ít, năng lực không có mà tham gia vào thị trường thì rất khó cạnh tranh. Cho nên, phải là những công ty mạnh, mà muốn có những công ty mạnh tham gia vào thị trường thì cách tốt nhất là cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước hiện có. Chính vì vậy mà từ năm 2006 đã có đề án cổ phần hóa MobiFone, nằm trong đề án tái cơ cấu hoàn thiện. Việc cổ phần hóa MobiFone phải quyết liệt để trong vòng 2 năm, MobiFone hoàn chỉnh như một công ty cổ phần, cái đấy sẽ rất lợi cho thị trường viễn thông, nâng cao hiệu quả đầu tư, tận dụng hết nguồn lực và trí tuệ của nhà nước và xã hội.
Theo ictnews
>> 8 tháng năm 2014, MobiFone phát triển mới gần 5 triệu thuê bao
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android