Sennheiser G4ME Zero/One – Tai nghe dành riêng cho game thủ
(GenK.vn) - Tuy có cái giá không hề rẻ, nhưng Sennheiser G4ME Zero/One vẫn là món gaming gear xứng đáng để game thủ mở hầu bao rước về sở hữu.
Không chỉ là nhà sản xuất các thiết bị âm thanh, đặc biệt là tai nghe dành cho giới mê âm nhạc đình đám trên toàn thế giới, cái tên đến từ nước Đức Sennheiser cũng không bỏ quên thị trường headset dành cho game thủ, vốn luôn rất nóng với sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu trên thị trường, từ tầm cao đến bình dân như Razer, SteelSeries hay gần đây là cả Somic…
Bản thân những chiếc tai nghe kèm mic trong series sản phẩm mang tên G4ME của Sennheiser từ trước tới nay thường hiếm khi gây thất vọng cho người sử dụng khi xét về chất lượng, từ chất âm, khả năng sử dụng trong chiến trường game, chất lượng thoại qua microphone hay thậm chí là cả vẻ bề ngoài vững chãi, bền bỉ.
Tất nhiên, để sở hữu một chiếc headset Sennheiser đủ những tiêu chí như vậy, người sử dụng buộc phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ, số tiền cho phép họ cùng lúc đầu tư nhiều món gaming gear ở tầm giá thấp hơn những vẫn hoạt động hiệu quả.
G4ME One (trái) và G4ME Zero.
Vào đầu năm nay tại sự kiện CES 2014, hai mẫu tai nghe mới nhất trong dòng sản phẩm G4ME của Sennheiser được đem tới Las Vegas chính là G4ME Zero và One. Hiện tại ở thị trường Việt Nam, cả hai chiếc tai nghe này đều đã được bán ra thị trường với mức giá lần lượt là 6,5 triệu cho G4ME Zero và 5,9 triệu cho G4ME One. Hãy cùng GenK điểm lại những nét chính khiến cho bộ đôi tai nghe chơi game này trở thành mơ ước của nhiều game thủ.
Vừa tinh tế, vừa mạnh mẽ
Với một fan của Sennheiser, không khó để nhận ra G4ME Zero và One chính là phiên bản được nâng cấp của hai mẫu headset PC350 và PC360 ra mắt từ năm 2008 và 2010, từ hình dáng đến cả microphone. Tuy nhiên đối với những người không quen thuộc với headset chơi game của Sennheiser, có không ít khác biệt đến từ mặt thiết kế của hai chiếc tai nghe mới ra mắt này.
Thiết kế open back của G4ME One.
Lấy ví dụ, tuy vẫn sử dụng thiết kế earcup có khe hở của PC360 trên One, và earcup đóng kín của PC350 trên Zero, nhưng hình dạng tai của cả Zero lẫn One đều không khác biệt nhiều với logo nằm ở chính giữa, những đường gân chìm (One) hoặc nổi (Zero) và đường viền bezel màu đỏ làm điểm nhấn, cũng như microphone ở earcup bên trái, chiết áp tăng giảm volume ở bên phải thì chẳng có gì khác biệt.
Công tắc tắt/bật microphone bằng cách xoay quanh trục.
Chiết áp điều chỉnh âm lượng.
Khác biệt duy nhất trên hai mẫu tai nghe này về mặt vẻ ngoài cũng như trong quá trình sử dụng chính là chất liệu được sử dụng làm đệm earpad. Nếu như trên G4ME Zero, earpad được làm bằng chất liệu da thật, dày dặn và thoáng mát, thì trên G4ME One, vải nỉ được sử dụng làm đệm đỡ vành tai cho người sử dụng. Chúng ta sẽ bàn tới trải nghiệm sử dụng hai loại earpad này ở nửa sau của bài viết.
Microphone của Zero và One không khác gì nhau ở bề ngoài.
Vì là sản phẩm cao cấp hơn nên G4ME Zero được sở hữu cả một chiếc túi bằng vải dù chắc chắn, tiện nghi để game thủ đem theo trong những lần onLAN, cũng như có cả hệ thống gập gọn tai nghe để mang theo người. Trong khi đó G4ME One thì không đi kèm bất cứ món phụ kiện nào, cũng như sở hữu thiết kế mang tính cổ điển, khiến người dùng liên tưởng tới những cái tên như HD598 lừng lẫy.
Cả hai chiếc tai nghe cùng có 2 jack 3.5 với thiết kế giống hệt,
một cho âm thanh, 1 cho mic như thế này
Trong khi không có quá nhiều khác biệt về mặt thiết kế, thì chất âm cũng như trải nghiệm sử dụng của G4ME Zero và G4ME One lại có tương đối nhiều điều để so sánh.
Mỗi bên một vẻ
Hãy bắt đầu với việc đánh giá chất âm của hai mẫu headset này. Trong khi One, với thiết kế open back sở hữu chất âm trầm ấm, ấn tượng hơn với dải bass vừa vặn, đủ lực, mid không quá chìm, thì Zero, ở một mức độ nào đó, lại tập trung hoàn toàn chất âm của mình vào hai dải mid và high, khiến cho âm thanh khi thưởng thức âm nhạc trở nên khô khan hơn, thiếu đi tình cảm vốn có trong những bản nhạc.
G4ME One.
Một điều cần đề cập, đó là nếu xét về chất âm, thì khi so sánh với những chiếc tai nghe thuần phục vụ cho nhu cầu âm nhạc cũng ở tầm giá 6 triệu Đồng (Hãy tạm loại trừ Beats Studio trong phép so sánh này), thì G4ME One và G4ME Zero hoàn toàn không thể so bì về mức độ chi tiết của âm thanh như tiếng của bộ gõ ẩn hiện ở nền bản nhạc. Tuy nhiên đối với những game thủ, những người ngồi hàng giờ liền để thưởng thức tựa game họ yêu thích, chất âm của hai chiếc tai nghe này là đủ để không gây khó chịu cho họ, cả khi chơi game lẫn thưởng thức âm nhạc.
Earpad nỉ trên G4ME One.
Với những gì thể hiện, G4ME One trở thành đại diện mạnh về việc thưởng thức âm nhạc hơn, trong khi Zero, với dải bass lùi và treb không quá chói, qua thử nghiệm của người viết với Counter Strike Global Offensive, lại rất phù hợp đối với những game thủ tham gia những tựa game bắn súng, khi tiếng bom hay tiếng súng nổ không còn quá gắt, cho phép họ theo dõi toàn bộ âm thanh trên bản đồ.
Earpad da trên G4ME Zero.
Cả hai chiếc tai nghe đều sử dụng cùng một loại microphone với khả năng chặn và loại bỏ tạp âm, nhìn chung, qua thử nghiệm với tựa game bắn súng CS: GO, DOTA 2 và cuộc gọi thông qua Skype, chất lượng âm thanh của người đối thoại nhận được thông qua microphone là tương đối tốt. Hệ thống lọc bỏ tạp âm cũng giúp những người quen bật chế độ open mic không lo ngại việc mình làm phiền những game thủ khác.
Sennheiser G4ME Zero.
Xét về trải nghiệm sử dụng, hay nói cách khác là độ thoải mái trong quá trình sử dụng, thì rõ ràng điểm cộng lại nghiêng về phía G4ME Zero, khi tuy sở hữu âm thanh chưa thỏa mãn được nhiều đối tượng, nhưng với earpad da lớn bọc ngoài lớp mút mềm, việc đeo tai nghe trong nhiều giờ liền không khiến cho người viết bị đau đầu, một “căn bệnh” trầm kha của những người cùng lúc đeo cả kính lẫn tai nghe.
Khớp xoay của G4ME Zero.
Trong khi đó, earpad nỉ của G4ME One lại có phần cứng hơn, khiến cho tôi buộc lòng phải bỏ tai nghe để nghỉ ngơi đôi chút sau khoảng 2,5 đến 3 tiếng chơi game, nghe nhạc và xem phim liên tục vì earpad kẹp vào gọng kính, rồi ép vào đầu, gây khó chịu.
Món gaming gear đắt giá
Với cái giá lần lượt 5,9 triệu Đồng cho G4ME One và 6,5 triệu Đồng cho Zero, đây hoàn toàn không phải những mẫu headset chơi game dành cho tất cả mọi đối tượng game thủ. Ở tầm giá này, chúng ta hoàn toàn có thể sở hữu những mẫu tai nghe chơi game với soundcard 7.1 giả lập, hoặc thậm chí là có nhiều driver để tái hiện hiệu ứng âm thanh vòm. Tuy nhiên với thiết kế ấn tượng, hầm hố nhưng không kém lịch lãm, xử lý âm thanh (cả trong game cũng như âm nhạc) ấn tượng theo những cách khác nhau, thì đây vẫn là một món gaming gear xứng đáng để game thủ mở hầu bao rước về sở hữu như một công cụ giúp họ thăng tiến trên con đường go pro với tựa game mình đam mê.
Xin chân thành cảm ơn SVHouse đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android