Sennheiser HD 600 và 650 – Lựa chọn sao cho hợp gu?
Bài viết này sẽ đem tới cái nhìn sâu hơn dành cho những người đang phân vân giữa hai chiếc tai nghe cao cấp của Sennheiser: HD 600 và HD 650.
Không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn trên cả thế giới, không ít những dân chơi âm thanh cũng như giới audiophile thưởng thức âm nhạc thông qua tai nghe đều cho rằng việc lựa chọn giữa Sennheiser HD 650 và 600 là điều tương đối khó khăn.
Ở thời điểm hiện tại, những người tiêu dùng Việt Nam có thể mua cho mình một trong hai chiếc tai nghe này với mức giá sàn sàn nhau, khoảng 8 triệu Đồng, rẻ hơn rất nhiều so với flagship HD 800 hay HD 700.
Chính điều này, cộng thêm những khác biệt khó lòng có thể phân biệt chỉ trong vòng 5 đến 10 phút đầu tiên nghe thử tại các cửa hàng, kể cả khi có những hệ thống amplifier cao cấp đi kèm đã khiến lựa chọn của người tiêu dùng trở nên khó khăn.
Không ít người cho rằng, HD 650 là bản nâng cấp của HD 600, điều này dẫn tới tư duy cho rằng HD 650 chắc chắn sẽ tốt hơn HD 600 ở mọi khía cạnh. Tuy nhiên theo trải nghiệm của cá nhân tôi, điều này hoàn toàn không đúng. HD 650 có thể sở hữu số model “to hơn”, nhưng chưa chắc ở mọi khía cạnh về chất âm của chiếc tai nghe ra mắt sau sở hữu ưu thế tuyệt đối.
Đối với nhiều người tiêu dùng nói chung, ở mức giá của hai chiếc tai nghe kể trên, thì HD 650 và 600 gần như được coi là “end-game solution”, nôm na là chiếc tai nghe cuối cùng họ bỏ tiền đầu tư để thưởng thức âm nhạc. Đó cũng là lý do hai chiếc tai nghe này trở thành nhân vật chính trong bài viết ngày hôm nay.
Trong khi đó đối với những audiophile, căn bệnh “đứng núi này trông núi nọ” (thú thật đây cũng là thứ mà bản thân tôi đang mắc phải) khó lòng khiến họ cảm thấy hài lòng với một sản phẩm duy nhất.
Vậy những người đang phân vân giữa 650 và 600, đâu là lựa chọn hoàn hảo cho họ? Hy vọng rằng bài viết này sẽ cung cấp được cái nhìn sâu hơn trong việc lựa chọn giữa hai mẫu tai nghe gần như cao cấp nhất này của Sennheiser.
Vì sao lại có HD 650?
Hãy quay ngược thời gian một chút. Vào năm 1993, Sennheiser đã cho ra mắt chiếc tai nghe flagship của họ vào thời điểm đó mang tên HD 580. Đến năm 1995, để kỷ niệm 50 năm thương hiệu Sennheiser ra đời, một phiên bản nâng cấp limited edition của chiếc tai nghe kể trên mang tên HD 580 Jubilee được tung ra.
Sau đó, tới năm 1996, khi những phiên bản Jubilee đã được phân phối hết như một sản phẩm sưu tập cho các audiophile, Jubilee bắt đầu được sản xuất đại trà và bán ra dưới cái tên HD 600.
Nếu nói về bản nâng cấp, có thể chắc chắn rằng HD 600 là một sự tiến bộ rõ rệt so với HD 580, từ chất âm tự nhiên, không dải nào quá trội, tạo ra trải nghiệm âm thanh thoáng đãng, trong trẻo, cân bằng và cực kỳ thỏa mãn cho nhiều người nghe. Tuy nhiên để có được điều này, HD 600 lại bị biến thành một chiếc tai nghe tương đối kén amp với trở kháng 300 Ohm, thách thức hầu hết mọi chiếc amplifier dành cho tai nghe.
Đúng 10 năm sau lần ra mắt của HD 580, HD 650 ra đời. Bản thân tôi vẫn còn nhớ những gì viết trong bản thông cáo báo chí mà Sennheiser chia sẻ vào ngày HD 650 ra mắt:
“Với nhiệm vụ tạo ra những chiếc tai nghe chất lượng hơn, chúng tôi đã nhận được tư vấn từ những chuyên gia, kỹ sư âm thanh, những phóng viên làm việc trong ngành và thậm chí là cả những người trên internet nữa. Kết quả thu được sau cuộc điều tra chuyên sâu này giúp chúng tôi nhận ra một điều vô cùng thú vị: Thói quen nghe nhạc của con người đã thay đổi. Giờ đây, người nghe quan tâm hơn tới nhạc tính và tình cảm trong giai điệu của mỗi bản nhạc, thay vì cố gắng phân tích sự chính xác và chất “mộc” trong âm thanh.”
Và như vậy, HD 650 ra đời. Vào thời điểm đó, một người mới chập chững bước những bước đầu tiên vào làng âm thanh như tôi luôn coi HD 650 là đích đến cuối cùng của bản thân mình. Thế nhưng sau chừng ấy năm, tuy ấn tượng về 650 của tôi vẫn không hề thay đổi, nhưng tôi lại coi HD 600 là chiếc tai nghe hợp với bản thân mình hơn.
Tuy đã ra mắt từ rất lâu, nhưng cảm giác đeo êm ái, cộng với chất âm siêu đẳng khiến cho bộ đôi này có được sức hút cho tới tận bây giờ.
Vậy, chọn cái nào?
Tại Việt Nam, theo ghi nhận của bản thân tôi, những người sở hữu HD 650 hiện đang áp đảo số lượng người nghe HD 600. Một trong những lý do đã được tôi viết ở trên: Sự nghiêng về nhạc tính và tình cảm rõ rệt trong những bản nhạc của HD 650.
Hầu hết người nghe nhạc Việt Nam, cho dù có là audiophile đi chăng nữa, thì số lượng những người đam mê cái chất âm mộc mạc, thậm chí đôi khi là khô khốc nhưng lại rất tự nhiên phát ra từ tai nghe hay loa lại đang mai một dần.
Một anh bạn khá thân với tôi được xếp vào trường hợp như vậy. Anh cho rằng, chất bass của 650 “đáng tiền” hơn, cả ở chiều sâu của low bass và độ rộng của mid bass trong các bản nhạc. Trong khi đó một số người khác thì cho rằng HD 600 “không có bass” nếu so sánh với 650.
Đúng là bass của HD 600 khó lòng có thể so sánh với 650 về mặt số lượng, nhưng nếu xét về chất lượng, có thể chắc chắn rằng HD 600 sở hữu chất âm trầm đáng ngạc nhiên nhất trong số những chiếc tai nghe hi end hiện nay. Cho dù dải low chưa xuống được đủ sâu như mong muốn (căn bệnh chung của nhiều chiếc tai nghe ra mắt vào thập niên 90), nhưng chính sự tự nhiên, không chồng lấn lại khiến cho HD 600 giành điểm.
Trong khi đó nếu xét về mức độ chi tiết của âm thanh tái tạo, thì HD 600 lại nhỉnh hơn chỉ một chút xíu so với 650, tạo ra môi trường âm nhạc hoàn hảo hơn.
Tổng kết lại, nếu bạn là một người thích nghe nhạc để thư giãn, không quá cầu kỳ và khó tính trong những chi tiết của bản nhạc, cũng như yêu thích những chiếc tai nghe có tông ấm, tối, thì HD 650 là lựa chọn không thể bỏ qua. Còn nếu bạn là một fan cuồng của dòng nhạc cổ điển, hay muốn trải nghiệm cảm giác âm thanh mộc mạc, cân bằng và âm trường rộng rãi, thì HD 600 là cái tên buộc phải thử qua.
Vài điều cần ghi nhớ
Ở tầm cỡ high end, câu chuyện sẽ chẳng thể nào kết thúc sau khi bạn “chồng đủ tiền” và rước chiếc tai nghe mơ ước về thưởng thức. Thú chơi âm thanh cũng cầu kỳ chẳng kém cạnh những thú chơi khác. Từ amplifier, DAC, cho đến nguồn nhạc cũng đòi hỏi sự quan tâm của người nghe để đem lại trải nghiệm âm thanh như ý muốn nhất.
Xin đừng kỳ vọng chiếc tai nghe 8 triệu Đồng của mình sẽ phát ra âm thanh “thánh thót oanh vàng” khi kéo kèm những chiếc amp hay DAC không đủ nội lực. Tương tự như vậy, khi nghe nhạc mp3, ngay cả khi có amp đủ lực, thì HD 600 tạo ra thứ âm thanh chẳng hơn gì những chiếc tai nghe 2 triệu Đồng.
Đó là ghi nhớ về nguồn âm và nguồn kéo. Trong khi đó, ở cái giá gần 10 triệu Đồng, cả hai chiếc tai nghe trong bài viết của chúng ta lại có đôi chút vấn đề với thiết kế, đặc biệt là phần kết nối giữa gọng và ear cup tương đối mỏng manh. Cá nhân tôi thì nghĩ rằng một chiếc tai nghe đắt tiền cũng xứng đáng có được sự nâng niu chăm sóc từ chủ sở hữu.
Một lần nữa, chúng tôi xin chúc các bạn tìm được cho mình chiếc tai nghe ưng ý trong cuộc chinh phục âm thanh của bản thân.
>> Nhìn lại lịch sử dòng tai nghe HD huyền thoại của Sennheiser
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"