Sếp Volkswagen: Nhiều ông lớn "mất ngủ" khi bỏ xăng làm điện - Vingroup đã đi trước 1 bước
Một nhân sự cấp cao của Volkswagen hé lộ điều khó khi chuyển sang làm xe điện. Vingroup hóa ra đã có một nước đi trước.
"MẤT NGỦ" VÌ LÀM XE ĐIỆN
Châu Âu mới đây đã ra quyết định cắt bỏ 100% khí thải đối với các mẫu xe được bán ra tại các quốc gia thuộc Liên minh này từ năm 2035. Quyết định này đồng nghĩa rằng các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong thải ra khí CO2 sẽ bị cấm bán tại thị trường này. Từ nay đến mốc thời gian đó là hơn 12 năm, một quãng thời gian được xem là tương đối ngắn và sẽ có nhiều khó khăn với các nhà sản xuất xe. Quyết định này vừa mới được đưa ra gần đây, dự kiến sẽ sớm được ban hành thành luật.
Đối với các nhà sản xuất xe, quyết định bỏ xe xăng này có lẽ chưa phải là vấn đề lớn nhất khiến họ phải lo lắng. Theo chia sẻ của ông Arno Antlitz, Giám đốc Tài chính (Chief Financial Officer) của Volkswagen thì có đủ nguồn cung cấp pin cho xe điện mới là vấn đề đang khiến các nhà sản xuất của thế giới phải "mất ăn mất ngủ".
Trong trao đổi với tờ Reuters, ông Arno Antlitz chia sẻ rằng: "Vấn đề khó khăn nhất không phải gia tăng năng lực sản xuất của nhà máy, mà là gia tăng nguồn cung ứng pin cho xe điện." Tuy nhiên, vị nhân sự cấp cao của Volkswagen này cũng tỏ ra lạc quan: "Đó [chuyển sang bán toàn xe thuần điện từ năm 2035] là một mục tiêu khó, nhưng chúng tôi nghĩ là chúng tôi có thể làm được."
Volkswagen trước đây đã cho biết rằng tập đoàn sẽ dừng bán các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong tại khu vực châu Âu theo đúng mục tiêu đặt ra; tuy nhiên, các hãng xe khác hiện đang tụt lại trong cuộc đua xe điện có thể sẽ gặp nhiều khó khăn để theo kịp mục tiêu này, tiêu biểu như Toyota - hãng xe được ghi nhận chú tâm nhiều tới các phương tiện sử dụng Hydro và các mẫu xe lai điện. Tờ Automotive News Europe đã liên lạc với Toyota nhưng hãng xe Nhật từ chối bình luận về vấn đề trên.
Khi làn sóng xe điện dâng cao gần đây, các hãng xe trên thế giới đang cố gắng xoay sở để có đủ nguồn cung pin cho mình, nhưng tìm được đủ nguyên liệu thô để làm pin có lẽ là một vấn đề còn khó hơn. Không tìm được đủ nguồn cung các thành phần cốt yếu của pin, như lithium, niken, mangan, cô-ban, có thể làm chậm quá trình chuyển đổi sang xe điện, càng khiến cho giá của xe điện bị đẩy lên cao và thu hẹp biên lợi nhuận của các nhà sản xuất.
Theo dự đoán của Giám đốc Điều hành Stellantis, ông Carlos Tavares, sự thiếu hụt nguồn cung của pin xe điện sẽ bắt đầu có những tác động tiêu cực đến ngành xe thế giới từ khoảng năm 2024 hoặc năm 2025, khi các nhà sản xuất cố gắng nâng doanh số xe điện mà các nhà máy pin thì vẫn chưa được xây xong. Ông Arnaud Deboeuf, Giám đốc Sản xuất tại tập đoàn xe Stellantis, đã đưa ra thông điệp rằng "thị trường sẽ sụp đổ" nếu các nhà sản xuất không thể hạ được giá thành của xe điện.
Để đi tới được thỏa thuận ngừng bán xe có phát thải khí nhà kính vào năm 2035, Nghị viện châu Âu đã phải trải qua 16 tiếng đàm phán tại cơ quan hành chính của Nghị viện tại Luxembourg, khi có 5 quốc gia, gồm Ý, Slovakia, Bulgaria, Bồ Đào Nha và Romania, muốn đẩy lùi thời hạn xuống năm 2040.
Thỏa thuận năm 2035 này được thiết lập để, về mặt lý thuyết, mọi loại công nghệ, ví dụ như công nghệ xe lai điện, hoặc các mẫu xe sử dụng nhiên liệu xanh, có thể phát triển kịp với thời hạn và tuân thủ quy định - miễn là không phát thải khí CO2.
TOAN TÍNH CỦA VINGROUP
Việc VinFast, đơn vị trực thuộc Vingroup, chuyển đổi toàn bộ việc sản xuất sang xe thuần điện từ cuối năm 2022 đã đặt ra thách thức về việc phải có đủ nguồn cung với các linh kiện, bộ phận cần thiết, nhất là bộ pin dành cho xe điện.
Về việc này, VinFast đã có những bước tính khôn ngoan khi có những hành động cho thấy họ không phụ thuộc vào một đơn vị cung cấp cụ thể mà cố gắng đa dạng hóa nguồn cung.
Theo đó, VinFast đã ký kết hợp đồng đối tác chiến lược với ProLogium - một công ty có thế mạnh về công nghệ pin. Trong hợp tác này, VinFast và ProLogium sẽ thành lập liên doanh sản xuất pin thể rắn cho xe điện của VinFast trong tương lai - khi công nghệ pin thể rắn đã sẵn sàng.
Bên cạnh ProLogium với công nghệ pin thể rắn, VinFast cũng đã dành nhiều triệu USD để đầu tư vào công ty công nghệ pin khởi nghiệp của Israel - StoreDot. Một thông tin đáng chú ý trong thương vụ đầu tư này diễn ra hồi đầu năm nay khi VinFast đã dẫn dắt thành công StoreDot vượt qua vòng gọi vốn Series D, giúp StoreDot có thêm 80 triệu USD. Khoản tiền lớn này sẽ giúp StoreDot củng cố công tác nghiên cứu, phát triển pin sạc cực nhanh XFC cũng như loại pin Mật độ năng lượng cực cao. Theo như StoreDot giới thiệu, pin XFC mà công ty đang phát triển có thể giúp đi thêm 160km chỉ với 5 phút sạc. Ngoài ProLogium và StoreDot, VinFast cũng có hợp tác với Gotion High-Tech, được cho là đã mang tới loại pin LFP lên các mẫu xe máy điện đang được bán ra hiện nay.
Ngoài các hợp tác của riêng VinFast với các đơn vị phát triển pin của thế giới, tập đoàn Vingroup cũng có những nước đi mang tính chiến lược trong sự phát triển của xe điện nói chung và trong việc tự chủ nguồn cung cho xe điện VinFast nói riêng. Đó là việc Vingroup thành lập VinES - đơn vị chuyên sản xuất pin dành cho xe điện.
Tháng 12/2021, Vingroup đã cho khởi công xây dựng nhà máy sản xuất pin VinES tại Vũng Áng, Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ được xây dựng trên quy mô 8ha với các phân xưởng đúc linh kiện, hàn tổ hợp, đóng gói pin với công suất 100.000 khối pin mỗi năm tại giai đoạn 1, tiến đến mở rộng sản xuất tép pin và nâng tổng công suất lên 1 triệu khối pin mỗi năm tại giai đoạn 2.
Chưa dừng lại tại đây, Vingroup hiện đang chuẩn bị xây dựng một nhà máy pin thứ 2 trên khu đất rộng khoảng 14ha cũng tại Vũng Áng, Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư đạt 6.329 tỷ đồng. Dự án này dự kiến xây dựng từ Quý IV/2022 đến Quý IV/2023, bắt đầu đi vào vận hành và tăng công suất từ Quý I/2024 đến Quý III/2024, hướng đến sản xuất đại trà. Với nhà máy pin thứ 2 này, đơn vị sẽ phát triển và sản xuất các tép pin LFP sử dụng cho xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"